Ông Nhậm Chính Phi: Huawei đang trong 'thời khắc sinh tử', nhân viên phải lập các 'đội biệt kích' để khám phá dự án mới
Nhà sáng lập Nhậm Chính Phi của Huawei Technologies (Ảnh: Bloomberg)
Ngoài ra, các nhân viên không vượt qua thử thách sẽ bị cắt giảm lương sau vài tháng và có thể mất việc, nhà sáng lập của Huawei Technologies cho hay hôm 19/8.
Theo ông Nhậm Chính Phi, các nhân viên dư thừa cần tìm cách làm cho bản thân trở nên hữu ích hơn.
"Họ có thể thành lập một 'đội biệt kích' để khám phá các dự án mới và trong trường hợp làm việc tốt, họ có thể được thăng chức thành 'đại đội trưởng'", ông nói. "Hoặc họ có thể tìm công việc khác trong thị trường nội bộ (của Huawei). Nếu không thể tìm thấy vai trò mới, lương của họ sẽ bị cắt giảm sau mỗi ba tháng".
Ông chủ Huawei từng là một kĩ sư trong quân đội Trung Quốc nên ngôn ngữ mà ông sử dụng cũng thường mang màu sắc quân đội.
Kể từ tháng 5 năm nay, Huawei đã lâm vào thế khó khi là một thương hiệu công nghệ uy tín toàn cầu nhưng lại bị liệt vào danh sách đen thương mại của chính phủ Mỹ, khiến gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc này không thể giao dịch với các nhà cung ứng Mỹ.
Mặc dù chính quyền Tổng thống Trump đã hai lần gia hạn nới lỏng trừng phạt đối với Huawei, với lần gần nhất là vào ngày 19/8, tình trạng bất ổn do các lệnh trừng phạt của Mỹ gây ra đã khiến Huawei phải trả giá đắt.
Theo Bloomberg, ngay cả khi Huawei "thoát cửa ải" của chính phủ Mỹ, ảnh hưởng của biến động này cũng sẽ lan rộng và gây đau đớn.
Tổn thất ngay trước mắt của Huawei là trên thị trường điện thoại thông minh quốc tế. Các ước tính nội bộ của hãng cho thấy Huawei dự đoán số lượng lô hàng điện thoại quốc tế sẽ giảm tới 60 triệu chiếc vào năm 2019, so với khả năng mà hãng có thể đạt được nếu không rơi vào danh sách đen của Mỹ.
Theo dữ liệu của công ty nghiên cứu IDC, Huawei đã xuất xưởng được 206 triệu chiếc điện thoại di động trong năm 2018, tăng 34%.
Cũng theo IDC, trong quí I/2019, doanh số của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc đã tăng 50%, trong khi đối thủ Samsung Electronics và Apple đều chứng kiến doanh số sụt giảm.
Đến quí II, do bị ảnh hưởng một phần từ lệnh trừng phạt của Mỹ, tăng trưởng doanh số của Huawei chỉ còn 8,3%.
Sau khi thâm nhập thành công thị trường di động châu Âu, Huawei đang trên đường trở thành nhà cung cấp điện thoại di động lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, việc mất hệ điều hành Android ("bộ não" bên trong thiết bị cầm tay của hãng) cùng hệ sinh thái ứng dụng Play Store đi kèm đã khiến các thiết bị của Huawei kém hấp dẫn trong mắt người tiêu dùng nước ngoài.
Theo Huawei, bộ phận hàng tiêu dùng là động cơ tăng trưởng chính của gã khổng lồ này. Vốn chiếm đến 45% doanh thu vào năm ngoái, hoạt động kinh doanh điện thoại và thiết bị di động khác là chìa khóa cho vận mệnh tương lai của Huawei.
Uy tín của bộ phận này đã bị giáng một đòn đau do các cáo buộc và lệnh trừng phạt mà Huawei phải gánh chịu. Tổn thất nói trên khó có thể phục hồi nhanh chóng.
Trên cùng một mặt trận, Huawei cũng phải tốn kha khá thời gian thiết kế phần mềm nhằm tạo ra một sản phẩm tiềm năng thay thế cho hệ điều hành Android.
Sau lệnh cấm của chính phủ Mỹ, Huawei đã nỗ lực không ngừng nghỉ với 10.000 nhà phát triển trên làm việc ba ca tại ba văn phòng khác nhau để loại bỏ nhu cầu về phần mềm và mạch điện nhập từ Mỹ.
Huawei cuối cùng cũng vội vàng ra mắt HarmonyOS hồi đầu tháng này, chỉ để chứng minh rằng họ có thể lập trình thành công hệ điều hành của riêng mình. Tuy nhiên, điều này cũng không thể thuyết phục nhiều người rằng gã khổng lồ công nghệ đã có sẵn trong tay một sản phẩm thay thế cho Android.
Khó định lượng chính xác nhưng vẫn rất đáng kể chính là tình trạng chảy máu chất xám của Huawei, xuất phát từ việc uy tín bị sụt giảm và vấn đề làm việc quá sức do nỗ lực phục hồi công ty. Huawei đã thu hẹp lực lượng lao động để phù hợp hơn với hoàn cảnh mới.
Nhà sáng lập Nhậm Chính Phi viết, ưu tiên hàng đầu của Huawei là nhân viên phải phấn đầu làm những việc đáng khen thưởng và nhà quản lí "phải đề bạt nhân viên xuất sắc càng sớm càng tốt và đưa những dòng máu mới chảy vào công ty".
Lí giải về động thái gia hạn nới lỏng trừng phạt cho Huawei hôm 19/8, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho hay một số công ty viễn thông Mỹ đang "phụ thuộc" vào Huawei và cần thời gian để dứt bỏ sự lệ thuộc này.
Vì vậy, mặc dù Washington đang cho Huawei thêm một ít không gian để "cựa quậy", tình hình của công ty vẫn còn rất bấp bênh, như nhà sáng lập Nhậm Chính Phi đã chỉ ra.
Nếu không có sự can thiệp thương mại của Mỹ, Huawei có thể đe dọa đoạt "vương miện" của nhà cung cấp điện thoại thông minh nổi tiếng nhất thế giới hiện nay là Samsung và tận dụng lợi thế dẫn đầu trong công nghệ 5G thay vì tính chi phí tổn thất vì mất khách hàng.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/