Trung Quốc tranh thủ hòa giải tranh chấp Nhật - Hàn, Mỹ có nên lo lắng về tầm ảnh hưởng tại khu vực châu Á?
Từ trái qua phải: Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Kang Kyung-wha, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản Taro Kono. (Ảnh: Getty Images)
Từ góc độ của Mỹ: Tranh chấp Nhật - Hàn gây bất lợi cho Tokyo và Seoul, nhưng có thể vô tình "sang tay" lợi ích cho Bắc Kinh
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của ba nước châu Á này hiện đang có mặt tại Trung Quốc để thảo luận về vấn đề thương mại và hợp tác trong ba ngày này. Cuộc họp mặt diễn ra trong bối cảnh tranh chấp thương mại giữa Nhật Bản và Hàn Quốc ngày càng trở nên căng thẳng.
Theo CNBC, tranh chấp này nổ ra vào tháng 7, khi Tokyo áp dụng các lệnh hạn chế thương mại đối với ba vật liệu hóa học quan trọng mà các công ty công nghệ Hàn Quốc sử dụng trong quá trình sản xuất chất bán dẫn.
Tại cuộc họp ba bên này, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã kêu gọi Tokyo và Seoul giải quyết khác biệt thông qua đối thoại. Ông còn nói thêm: "Trung Quốc sẽ hợp tác với Hàn Quốc và Nhật Bản để tiếp tục mở rộng và tăng cường hợp tác chung nhằm duy trì hoạt động thương mại tự do và đa phương".
Cuộc họp nói trên là lần thứ 9 mà các nhà ngoại giao hàng đầu từ Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc gặp mặt, chứ nó không phải là kết quả của tình trạng căng thẳng thương mại song phương đang gia tăng trên toàn cầu.
Theo nhà phân tích chính trị Paul Triolo, do Trung Quốc đang tham gia hòa giải tranh chấp Nhật - Hàn, Mỹ có thể cũng sẽ "chen chân" vào vì Seoul và Tokyo luôn là hai đồng minh của Washington.
"Từ góc độ của Mỹ, đây là một cuộc đối đầu bất lợi cho cả Nhật Bản và Hàn Quốc, và có thể vô tình mang lại lợi ích cho Trung Quốc", ông Triolo nhận định.
"Chính quyền Tổng thống Trump sẽ không muốn để Trung Quốc toàn quyền hòa giải tranh chấp Nhật - Hàn.
Tuy nhiên, họ sẽ tập trung làm dịu mối bất hòa giữa hai đồng minh châu Á và thúc giục Tokyo cẩn trọng trước lệnh hạn chế xuất khẩu vốn có thể gây ra gián đoạn nghiêm trọng đối với chuỗi cung ứng nguyên liệu sản xuất chất bán dẫn".
Các chuyên gia từng cảnh báo, tranh chấp Nhật - Hàn có thể gây ra tình trạng gián đoạn tồi tệ đối với chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu. Bên cạnh đó, nó còn gây tác động xấu đến các lĩnh vực như du lịch, hàng không và hàng tiêu dùng ở cả hai nước.
Trung Quốc "tiến thoái lưỡng nan" khi chen chân vào hòa giải tranh chấp Nhật - Hàn
Theo nhà phân tích Waqas Adenwala của Đơn vị Tình báo Kinh tế, việc Trung Quốc tham gia hòa giải căng thẳng thương mại giữa Tokyo và Seoul có thể khá "oái ăm" vì cả Hàn Quốc và Trung Quốc từng là nạn nhân của Nhật Bản trong Thế chiến II.
Mặc dù quan hệ Tokyo - Bắc Kinh đã cải thiện dần kể từ đó và cả hai bên đã thiết lập mối quan hệ chiến lược, ông Adenwala nhận định "tranh chấp Nhật - Hàn hiện nay lại không giống như tình huống giữa Nhật Bản và Trung Quốc".
Do vậy, tình hình này cũng có thể gây "khó dễ" cho Bắc Kinh.
"Một mặt, Trung Quốc muốn giúp Hàn Quốc và Nhật Bản giảm bớt căng thẳng để từ đó mang lại lợi ích kinh tế cho mối quan hệ thương mại ba bên.
Mặt khác, Trung Quốc có thể thu nhận lợi ích về mặt chính trị và ngoại giao nếu 'sợi dây liên kết' giữa hai đồng minh châu Á của Mỹ xấu đi vì điều đó sẽ làm suy yếu ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực", ông Adenwala nói.
Ngoài ra, nhà phân tích Kelsey Broderick của công ty nghiên cứu chính sách Eurasia Group cũng ám chỉ rằng Trung Quốc sẽ phải bước đi thận trọng khi cân nhắc quyết định của nước này trước tranh chấp Nhật - Hàn.
"Mặc dù Trung Quốc có ghi nhận lợi ích khi được xem là người thúc đẩy thương mại tự do và duy trì mối quan hệ ba bên tốt đẹp, khả năng doanh nghiệp nước này hưởng lợi từ tranh chấp Nhật - Hàn sẽ khiến Bắc Kinh hạn chế nhúng tay quá sâu vào cuộc tranh chấp", ông nói.
Mỹ có nên lo sợ mất dần tầm ảnh hưởng trước hai đồng minh châu Á hay không?
Tuy nhiên, mối quan hệ ngày càng đi xuống giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đã đe dọa đến tương lai của hiệp ước an ninh kí kết giữa hai nước và Mỹ.
Hiệp ước trên, có tên gọi chính thức là Thỏa thuận An ninh Thông tin Quân sự Chung (GSMIA), cho phép ba bên chia sẻ thông tin tình báo quân sự quan trọng, khi mà các nước này hiện đang tham gia giám sát chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Seoul đã đe dọa hủy bỏ hiệp ước quân sự nói trên và vẫn chưa quyết định có nên gia hạn khi nó mất hiệu lực vào ngày 24/8 tới hay không. Thỏa thuận GSMIA thường tự động gia hạn vào ngày 24/8 hàng năm, trừ khi một bên lên tiếng về ý định chấm dứt hiệp định.
Ông Adenwala cho biết, hiệp ước này chủ yếu là thỏa thuận song phương giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, nhưng nó giúp đảm bảo rằng các đồng minh châu Á của Mỹ đang trên cùng một chiến tuyến trong cơ chế phòng thủ chung, đặc biệt là nhằm chống lại Triều Tiên.
Nếu thỏa thuận GSMIA không được gia hạn, Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn có thể chia sẻ thông tin thông qua Mỹ, tuy nhiên điều này sẽ tạo ra độ trễ và làm giảm hiệu quả liên lạc giữa các bên.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/