|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Nghỉ học kéo dài, dịch vụ đặt món được lòng giới trẻ

08:15 | 13/03/2020
Chia sẻ
Nhịp sống bị đảo lộn từ sau Tết Nguyên Đán vì dịch Covid-19, giới trẻ, trong đó có HSSV thay đổi thói quen ăn uống, mua sắm từ “offline” sang “online".

Theo đánh giá về ảnh hưởng của dịch Covid-19 của SSI, lượt khách đến mua sắm tại các cửa hàng sẽ giảm do người tiêu dùng hạn chế đến nơi công cộng. Thói quen tiêu dùng cũng sẽ chuyển từ thương mại truyền thống sang mua sắm trực tuyến để đảm bảo an toàn, vệ sinh.

Duy trì “tình yêu” ăn uống nhờ app giao thức ăn

12h trưa - vốn là thời gian cao điểm của các quán ăn, tiệm cà phê, trà sữa vì HSSV tan trường, nay tại các quán trung tâm TP.HCM lại chỉ lác đác khách đến. Một số quán vốn đầu tư trang trí đèn đóm sang trọng, mặt tiền đắt đỏ nhằm hút lớp khách hàng trẻ đến check-in thậm chí đóng cửa sớm sau 5h chiều để tiết kiệm chi phí.

“Đang mùa dịch, chẳng biết nguy cơ đến từ đâu, lịch nghỉ học kéo dài thì SV bọn mình cũng ở nhà nhiều hơn là la cà hàng quán”, bạn Thanh Hương (sinh viên trường ĐH KHXH&NV TP.HCM) chia sẻ.

Nghỉ học kéo dài, dịch vụ đặt món được lòng giới trẻ - Ảnh 1.

Đặt món online giúp HSSV duy trì niềm vui ăn uống trong mùa dịch

Hương cho biết, trước đây, tối cuối tuần cô và nhóm bạn 4 người thường tụ tập ăn uống, mỗi tuần các bạn sẽ cùng khám phá một quán mới, tìm các món ăn lạ để thay đổi khẩu vị.

“Thời gian này tuy chưa đi học lại nhưng bọn mình đều có việc làm thêm nên vẫn trọ cùng nhau. Ngày thường nếu rảnh mình sẽ tự nấu cơm, còn cuối tuần, ngại đến nơi đông người nên để duy trì niềm vui ăn uống, bọn mình chuyển từ khám phá tại quán sang khám phá online, mỗi tuần sẽ cùng nhau đặt một “bàn tiệc" thịnh soạn về nhà", Hương cho biết.

Cũng như Hương, Hữu Khoa - sinh viên năm cuối Đại học Ngoại thương hạn chế hẳn việc ra ngoài ăn trong thời gian gần đây. Sau giờ làm, Khoa đều đặn đặt cơm để giải quyết bữa tối.

“Khá bận do vừa làm khoá luận, vừa đi làm full-time (toàn thời gian) và còn đang có dịch nên mình thường order đồ ăn cho nhanh và đỡ phải suy nghĩ nhiều. Đôi khi mình đặt chung với đồng nghiệp và ăn ở công ty vào những ngày phải làm thêm giờ, đôi khi ăn một mình ở nhà, gần nhà mình có GrabKitchen nên cũng khá tiện", Khoa cho biết.

Từ khi dịch bệnh bùng nổ và diễn biến phức tạp, những bạn trẻ có cùng suy nghĩ như Hương hay Khoa ngày càng nhiều. Họ ưu tiên các bữa ăn tại gia hơn là liều lĩnh để hệ miễn dịch của mình đối mặt với các không gian đông đúc người. Đặt món online là cách tầng lớp sành sõi công nghệ này “giải cứu” các bữa trưa, bữa tối hay các dịp lễ Valentine, 8/3 một cách an toàn, an tâm…, tận dụng tiện ích từ chiếc smartphone của mình.

Hàng quán nhanh chóng bắt nhịp mùa dịch

Chính vì sự thay đổi trong thói quen ăn uống của người dân, đặc biệt là tầng lớp HSSV mà cũng tại các quán ăn ở TPHCM, tuy khách thưa hẳn so với thường khi nhưng lượng shipper áo xanh, áo đỏ vẫn khá tấp nập. Nhân viên quán ăn đeo khẩu trang, một số quán cho nhân viên đeo cả găng tay khi giao món cho các shipper để đảm bảo vệ sinh an toàn.

Chị Ngọc Giàu - quản lý quán Cháo sườn Chú Chen cho hay, trong tháng qua quán ghi nhận lượng đặt hàng tăng khoảng 10% so với trước Tết, lượng khách đến ăn giảm nhẹ và thiếu vắng hẳn HSSV - vốn là đối tượng khách hàng chính của quán.

“Từ đầu tháng, mỗi ngày quán xử lý hàng trăm đơn hàng qua mạng. Chúng tôi nhận được nhiều nhắc nhở từ Bộ Y tế, các cơ quan địa phương và cả GrabFood về hướng dẫn phòng dịch, giữ vệ sinh an toàn trong quá trình hoạt động và cũng chủ động siết chặt các tiêu chuẩn vệ sinh trong quán.

Nghỉ học kéo dài, dịch vụ đặt món được lòng giới trẻ - Ảnh 2.

Nhân viên tại quán Bún thịt nướng Anh Ba đeo khẩu trang khi làm việc, shipper đến quán cũng đeo khẩu trang kỹ càng để đảm bảo an toàn

Nhân viên quán ngoài đeo khẩu trang thì phải rửa tay mỗi 30 phút. Bên ngoài quán có khu riêng cho shipper ngồi chờ, shipper đến đều đeo khẩu trang nên chúng tôi cũng yên tâm hơn về khâu giao vận”, chị Ngọc Giàu chia sẻ.

Chị Ngọc Giàu cũng nói thêm, “Về thực đơn, quán cũng phối hợp với các app như GrabFood tạo các combo tăng cường vitamin như cháo và nước cam để phục vụ tốt hơn cho thực khách mùa dịch này”.

Không riêng quán Cháo sườn Chú Chen, tại quán Bún thịt nướng Anh Ba, quận Phú Nhuận, TP.HCM cũng cho biết, kể từ đầu tháng 2/2020, tất cả các khâu từ khử trùng đến an toàn vệ sinh thực phẩm đều được làm kỹ để mỗi phần ăn giao đến tay khách hàng đều an toàn, vệ sinh nhất có thể.

“Dù cho doanh số có tăng giảm ra sao vì dịch bệnh, tôi vẫn giữ vững các quy tắc chế biến an toàn, hợp vệ sinh như trước giờ. Nguyên liệu chắc chắn là khó khăn hơn nhưng vẫn duy trì nguồn hàng tốt, có uy tín dù giá tăng cao, có ảnh hưởng đến lợi nhuận trên mỗi hộp bún. Đích đến cuối cùng vẫn là cùng nhau vượt qua mùa dịch”, anh Quốc Minh - chủ quán bún thịt nướng nói.

Sự cẩn thận, phối hợp chặt chẽ giữa hàng quán và dịch vụ giao thức ăn giúp khách hàng an tâm hơn khi đặt món online, “sống chung với lũ" mùa dịch bệnh. Trong tình hình Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu được chặn đứt hiện nay, đặt món online vẫn sẽ là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất để giảm tác động của dịch lên nhịp sống, sinh hoạt hằng ngày, cũng như hoạt động kinh doanh của nhà hàng, quán ăn trên cả nước.

Châu Bút