|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Đặt món ăn, đồ uống qua ứng dụng giao đồ ăn, nhiều người mắc bẫy những kẻ mạo danh thương hiệu nổi tiếng

01:33 | 05/07/2019
Chia sẻ
Hàng loạt quán giả danh ở TP Hồ Chí Minh giả danh thương hiệu các như Heekcaa, Royaltea, cơm gà Hong Kong để lừa những khách đặt hàng qua ứng dụng giao đồ ăn, bán sản phẩm chất lượng thấp.

Trên mạng xã hội Facebook, một tài khoản có tên Thư Minh nói rằng cô vừa trở thành nạn nhân của một vụ mạo danh trà sữa để lừa đảo ở TP Hồ Chí Minh. Ngày 3/7, cô đặt trà sữa Heekcaa qua ứng dụng Grab với mức khuyến mãi lên tới 50%. Tổng số tiền trong hóa đơn là 112.000 đồng, nhưng cô chỉ phải trả 56.000 đồng.

Nhưng khi nhận trà sữa, Thư Minh nhận thấy chất lượng sản phẩm kém xa những cốc trà mà cô từng uống. Theo cô, bây giờ đa số mọi người lười ra ngoài, toàn đặt hàng qua Grab, Now hoặc Go-viet để được nhận trà sữa tại nhà và hưởng khuyến mãi.

hoa don 1

Quán "nhái" mọc lên để lừa những người đặt hàng qua ứng dụng

Hiểu rõ thực trạng nhiều người đặt hàng qua ứng dụng giao đồ ăn, một số người đã lợi dụng để kiếm lời bất chính, theo Thư Minh. Họ thuê mặt bằng nhỏ trong ngõ để bán các dịch vụ giao đồ uống, món ăn và "nhái" tên của những thương hiệu nổi tiếng. 

Đương nhiên, những quán "nhái" sẽ bán những sản phẩm có chất lượng thấp hơn nhiều so với sản phẩm chính hiệu.

"Chẳng khách nào đến tận nơi để thấy tụi nó. Điểm chung của tụi này là địa chỉ có xoẹt (vào hẻm) và luôn giảm 50% giá", Thư Minh bình luận.

Hàng loạt người nói họ từng mắc lừa theo cách thức tương tự. Thậm chí một cô gái kể rằng cô hay đau bụng mỗi khi uống trà sữa mà cô đặt hàng qua ứng dụng. 

"Hôm 4/7, tôi đặt trà sữa từ một quán Royaltea ở Tân Lập (TP Hồ Chí Minh) mà không nuốt nổi. Chẳng biết nó có phải quán fake không?", một người có tên Nguyễn Chinh kể.

ngoi nha

Một "quán nhái" bán trà sữa Heekcaa, cơm gà Hong Kong, trà sữa Royaltea và sản phẩm của hai thương hiệu khác. Ảnh chụp màn hình.

Một tài xế công nghệ kể rằng nhiều tài xế Go-viet từng phản ánh chiêu mạo danh thương hiệu trà sữa để bán cho khách đặt hàng của ứng dụng giao hàng.

"Tôi từng đặt trà sữa Royaltea và Heekcaa ở đường Trương Công Định (TP Hồ Chí Minh). Khi nhìn và uống tôi thấy hai cốc chẳng khác gì nhau", một người kể.

Phương Trinh, một phụ nữ ở TP Hồ Chí Minh, kể rằng cô thấy một biển hiệu trà sữa Heekcaa trên phố Phạm Ngũ Lão, nhưng khi đứng trước biển hiệu thì phát hiện đó là nhà dân chứ không phải quán trà sữa.

"Hôm trước tôi đặt hai cốc trà sữa Heekcaa, anh tài xế giao hàng cảnh báo tôi rằng đó là địa chỉ giả danh thương hiệu. Anh ấy khuyên tôi đặt trà sữa ở quán trên đường Nguyễn Tri Phương", Bích Nhi, một cô gái ở TP Hồ Chí Minh, kể.

Không chỉ đồ uống, nhiều người kể rằng họ từng nhận hàng chất lượng thấp khi đặt món ăn qua ứng dụng. 

mon an fake

Một khẩu phần ăn của cơ sở giả mạo thương hiệu ẩm thực nổi tiếng ở TP Hồ Chí Minh. Ảnh chụp màn hình.

Những cách tránh quán mạo danh

Một tài khoản mang tên Đào Phương Anh khuyên mọi người tra cứu địa chỉ quán trên trang web của nhà cung cấp trước khi đặt hàng. Nếu địa chỉ quán không tồn tại trên web thì đó là quán giả mạo. 

"Người mua nên đặt hàng ở những quán nằm ở mặt tiền, không nên mua ở những quán trong hẻm", một người có tên Lê Trung góp ý.

Kinh nghiệm của nhiều người là: Những quán trà sữa chính hiệu thường chỉ khuyến mãi ở mức 20-30%, còn những quán mạo danh luôn khuyến mại cao hơn mức đó. Tài khoản Diệp Minh Đan nói mọi khách hàng nên đặt hàng ở những địa chỉ mà họ biết rõ. 

Vài người khẳng định họ luôn liên hệ trực tiếp với quán, cửa hàng để đặt món hoặc đồ uống, chứ không đặt qua các ứng dụng. Chi phí để đặt món trực tiếp với quán, cửa hàng luôn cao hơn so với đặt qua ứng dụng, nhưng mức độ an toàn sẽ cao hơn.

Hoài Phương, một phụ nữ ở TP Hồ Chí Minh, kể rằng cô từng đặt cơm gà Hong Kong của một cơ sở mạo danh thương hiệu. Vì chất lượng cơm quá tệ, cô đã đánh giá một sao cho cơm gà Hong Kong.

"Bây giờ tôi mới biết đó là quán cơm gà Hong Kong giả danh", Phương nói.

Luân Thường