Ngày 22/3, hơn 95.900 bệnh nhân COVID-19 trên toàn cầu được chữa khỏi
Tính đến 20 giờ 30 ngày 22/3 (theo giờ Việt Nam), số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn thế giới đã lên tới con số hơn 317.000 người, số ca tử vong cũng tăng lên tới gần 14.000 người.
Số ca được chữa khỏi bệnh là hơn 95.900 trường hợp, trong khi vẫn còn hơn 10.000 ca đang trong tình trạng bệnh nặng và nguy kịch.
Theo thông tin mà hãng tin AFP của Pháp có được, Trung Quốc đã bắt đầu giai đoạn 1 thử nghiệm lâm sàng đối với một loại vắcxin phòng chống virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong bối cảnh các nhà khoa học trên toàn cầu đang nỗ lực chạy đua để tìm ra liệu pháp chống lại loại virus nguy hiểm này.
Giai đoạn 1 của thử nghiệm lâm sàng là kiểm tra xem vắcxin mới có an toàn trên người hay không.
Có 108 người, từ 18 đến 60 tuổi, tham gia vào thử nghiệm này, kéo dài tới cuối năm nay. Những người tình nguyện được thử nghiệm theo 3 nhóm với liều lượng vắcxin khác nhau.
Tất cả đều là cư dân của thành phố Vũ Hán, nơi dịch bệnh xuất hiện đầu tiên và sau đó bùng phát và lây lan ra toàn thế giới.
Trước đó, tờ Nhân dân Nhật Báo của Trung Quốc cho biết các nhà nghiên cứu tại Học viện Khoa học quân y Trung Quốc thuộc Quân Giải phóng nhân dân (PLA) sẽ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn đầu của vắcxin chống virus corona chủng mới trong tuần này.
Thử nghiệm sẽ được thực hiện bởi Học viện Khoa học quân y và Công ty công nghệ sinh học CanSino Biologics.
Thông tin trên được đưa ra sau khi giới chức y tế Mỹ hồi tuần trước thông báo bắt đầu thử nghiệm lâm sàng về một loại vắcxin chống virus SARS-CoV-2 ở Seattle.
Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH) khẳng định loại vắcxin này được đặt tên là mRNA-1273. Cuộc thử nghiệm được tiến hành trên 45 tình nguyện viên là người trưởng thành khỏe mạnh ở độ tuổi từ 18-55 trong thời gian khoảng 6 tuần.
Giới chức y tế Mỹ cho rằng phải mất từ 12-18 tháng để vắcxin có thể được sản xuất đại trà cho người sử dụng nếu mọi thứ diễn ra ổn thỏa như dự kiến. Trong khi đó, các chuyên gia tại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự báo khó có khả năng có vắcxin được thử nghiệm đầy đủ và phê duyệt để tung ra thị trường từ giờ cho đến giữa năm sau.
Chưa rõ những vắcxin mà Trung Quốc và Mỹ có hiệu quả hay không nhưng hiện tại, dịch bệnh vẫn đang tiếp tục hoành hành dữ dội trên toàn cầu.
Theo thông báo mới nhất ngày 22/3 của Iran, nước này đã ghi nhận thêm 129 ca tử vong mới do dịch COVID-19, nâng tổng số trường hợp tử vong tại nước này lên tới 1.685 người, đứng thứ 3 trên thế giới sau Italy và Trung Quốc.
Bộ Y tế Iran cho biết trong 24 giờ qua đã có thêm 1.028 người xét nghiệm dương tính và nâng tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại nước này lên 21.638 người.
Tại châu Âu, ngoài Italy - với tình hình dịch bệnh đang ngày càng trở nên nguy hiểm và chưa có dấu hiệu kiểm soát, thì Tây Ban Nha cũng đã thông báo có 394 ca tử vong mới trong ngày 22/3, tăng 30% so với một ngày trước, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 1.720 người.
Số ca nhiễm được xác nhận đã tăng 3.646 ca, tức 14,6%, lên mức 28.572 người, trong đó 1.785 ca trong tình trạng nguy kịch.
Chính phủ Tây Ban Nha đã quyết định kéo dài tình trạng khẩn cấp quốc gia thêm 15 ngày trong nỗ lực đối phó dịch.
Trước đó, Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy ngày 21/3 cho biết nước này đã ghi nhận thêm 793 ca tử vong mới do COVID-19. Đây là số ca tử vong kỷ lục trong một ngày, nâng tổng số ca tử vong do virus SARS-CoV-2 tại đây tăng vọt lên 4.825 người, chiếm 38,3% tổng số ca tử vong do COVID-19 trên toàn thế giới.
Theo số liệu cập nhật, tổng số ca nhiễm tại châu Âu hiện đã lên tới hơn 150.000 ca. Trong ngày 22/3, đảo Síp, Romania và Kosovo cũng đã ghi nhận ca tử vong đầu tiên vì COVID-19.
Tại khu vực Đông Nam Á, Tổng tư lệnh quân đội Indonesia (TNI), Đại tướng Hadi Tjahjanto cho biết 109 bệnh viện của quân đội trên khắp đất nước đã sẵn sàng điều trị cho những bệnh nhân bị nhiễm COVID-19.
Cho đến thời điểm này, Indonesia đã ghi nhận tổng cộng 541 ca nhiễm bệnh và số ca tử vong là 48 trường hợp, trong đó có 3 bác sỹ.
Diễn biến dịch COVID-19 cũng đang rất phức tạp ở Malaysia. Bộ Y tế nước này thông báo phát hiện thêm 123 ca nhiễm bệnh SARS-Cov-2 cùng hai bệnh nhân tử vong, nâng tổng số ca nhiễm lên 1.306 ca và số người tử vong vì dịch này lên 10 người.
Hiện có 46 bệnh nhân tại Malaysia đang trong phòng điều trị đặc biệt, trong đó 22 người phải dùng thiết bị hỗ trợ thở. Trong hai bệnh nhân mới tử vong trong ngày 22/3 có 1 bác sỹ 48 tuổi từng đi du lịch tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Cùng ngày, Bộ Y tế Singapore thông báo, kể từ 23 giờ 59 ngày 23/3 (theo giờ địa phương), tất cả khách du lịch sẽ không được phép nhập cảnh hay quá cảnh ở nước này.
Cũng theo quy định mới, chỉ những người làm việc trong các lĩnh vực cung cấp dịch vụ thiết yếu như chăm sóc sức khỏe và vận tải đã được cấp thẻ làm việc (EP) và người đi theo (DP) mới được phép trở lại Singapore, nhưng sẽ phải tự cách ly tại nhà trong vòng 14 ngày.
Tính đến hết ngày 21/3, Singapore đã ghi nhận 432 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 2 trường hợp tử vong, 14 trường hợp đang được điều trị tích cực, 140 bệnh nhân đã được điều trị thành công và xuất viện.
Cho dù Trung Quốc đã hạn chế tối đa các ca nhiễm mới nhưng nước này vẫn có 6 trường hợp tử vong trong ngày 21/3 do bệnh COVID-19.
Cụ thể, theo Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, trong ngày 21/3, Trung Quốc đại lục đã xác nhận thêm 46 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 81.054 ca.
Số trường hợp tử vong do COVID-19 là 3.261 người với 6 trường hợp tử vong ngày 21/3.
Cũng trong ngày 21/3, đã có 504 bệnh nhân mắc COVID-19 được xuất viện tại Trung Quốc đại lục, nâng tổng số bệnh nhân phục hồi tại đây lên 72.244 trường hợp.