|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

VNG ‘đốt’ hơn 1.000 tỷ vào Telio, Tiki - Cái giá đắt của giấc mơ thương mại điện tử

10:49 | 12/02/2025
Chia sẻ
VNG từng đặt nhiều kỳ vọng vào thương mại điện tử với các khoản đầu tư lớn vào Telio và Tiki. Tuy nhiên, sau nhiều năm, cả hai khoản đầu tư này đều không mang lại kết quả như mong đợi.

VNG - một trong những công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam, từng đặt cược lớn vào thương mại điện tử với hy vọng mở rộng hệ sinh thái và tạo ra cú hích tăng trưởng. Tuy nhiên, hai thương vụ đầu tư lớn vào Telio và Tiki Global đã không mang lại kết quả như mong đợi. Cả hai khoản đầu tư đều đi vào ngõ cụt, để lại khoản lỗ nghìn tỷ đồng và trở thành bài học cho tập đoàn này.

Telio: Từ kỳ vọng đến đóng cửa

Tháng 4/2022, VNG đầu tư 515 tỷ đồng để mua 20,33% vốn cổ phần tại Telio - một startup thương mại điện tử B2B tiên phong tại Việt Nam. Telio được kỳ vọng sẽ tạo ra một mô hình số hóa kết nối các tiệm tạp hóa nhỏ lẻ với nhà cung cấp, mở ra hướng đi mới cho thương mại điện tử trong nước.

Tuy nhiên, không lâu sau khi rót vốn, VNG dần rút lui khỏi Telio khi không tham gia các đợt phát hành thêm cổ phiếu vào giữa năm 2022 và cuối năm 2023. Điều này khiến tỷ lệ sở hữu của VNG tại Telio giảm dần, từ 16,7% giữa năm 2022, còn 16,55% cuối năm 2023.

Đội ngũ của Telio. (Ảnh: Telio).

Bài toán tài chính của Telio cũng không khả quan khi liên tục thua lỗ. Năm 2022, khoản lỗ mà VNG phải gánh từ Telio chỉ 80 tỷ đồng, nhưng con số này tăng vọt lên 219 tỷ đồng trong năm 2023, rồi thêm 215,8 tỷ đồng vào năm 2024. Đến cuối năm 2024, toàn bộ khoản đầu tư 515 tỷ đồng của VNG vào Telio đã “bốc hơi” hoàn toàn.

Khi Telio tuyên bố đóng cửa vào tháng 11/2024 và giải thể tư cách pháp nhân vào tháng 12/2024, gần 400 nhân viên mất việc. Lý do chính khiến Telio thất bại là không thể huy động thêm vốn và cũng không tìm được đối tác mua lại.

Dù từng đạt doanh thu 2,5-3 triệu USD/tháng, Telio không thể duy trì dòng tiền vì chi phí vận hành cao và biên lợi nhuận thấp của hàng tiêu dùng nhanh (FMCG). Bên cạnh đó, mô hình B2B gặp nhiều khó khăn khi vận hành trong một chuỗi cung ứng phức tạp với nhiều tầng trung gian.

Cuối cùng, Telio buộc phải ngừng hoạt động vì không thể đạt đến điểm hòa vốn. Thất bại của Telio là một ví dụ điển hình về việc startup mở rộng quá nhanh mà chưa kịp tối ưu mô hình kinh doanh.

Tiki: Hụt hơi trong cuộc đua

Không chỉ Telio, một khoản đầu tư khác của VNG vào thương mại điện tử cũng kết thúc trong thất bại: Tiki Global.

VNG bắt đầu đặt cược vào Tiki từ rất sớm, khi rót 17 triệu USD (khoảng 380 tỷ đồng) vào sàn thương mại điện tử này năm 2016, sở hữu 38% cổ phần. Sau đó, VNG tiếp tục bơm thêm 120 tỷ đồng vào năm 2018, nhưng vì không tham gia vào các đợt phát hành cổ phần riêng lẻ của Tiki, tỷ lệ sở hữu của VNG liên tục giảm dần.

Đến năm 2021, Tiki thực hiện tái cấu trúc và chuyển phần lớn quyền sở hữu sang Tiki Global, một công ty đăng ký tại Singapore. VNG vẫn nắm cổ phần nhưng không còn quyền chi phối.

Tới 28/10/2024, VNG chính thức miễn nhiệm hai đại diện của mình tại Ban Giám đốc Tiki Global, đánh dấu việc chấm dứt vai trò quản lý của tập đoàn này tại công ty thương mại điện tử mà họ từng đặt nhiều kỳ vọng. Khoản đầu tư của VNG vào Tiki Global cũng được ghi nhận dưới dạng đầu tư tài chính dài hạn, thay vì công ty liên kết.

Về mặt tài chính, VNG đã rót tổng cộng 510 tỷ đồng vào Tiki Global nhưng cuối năm 2024, tập đoàn này đã trích lập dự phòng toàn bộ khoản tiền đó. Điều này đồng nghĩa với việc VNG đã mất trắng toàn bộ khoản đầu tư này.

 

Lý do chính dẫn đến thất bại của Tiki là không thể cạnh tranh với các đối thủ lớn như Shopee, Lazada, và TikTok Shop. Trong năm 2022, Tiki chỉ đạt doanh thu gần 200 triệu USD, nhưng vẫn lỗ hơn 90 tỷ đồng. Trong nửa đầu năm 2023, doanh thu của Tiki chỉ đạt 1.600 tỷ đồng, trong khi Shopee đạt 59.000 tỷ đồng, TikTok Shop 16.300 tỷ đồng, và Lazada 15.700 tỷ đồng.

Theo báo cáo thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2024 của YouNet ECI, Shopee và TikTok Shop chiếm đến 93,6% thị phần, khiến những nền tảng như Tiki gần như “đuối sức” trong cuộc đua này.

Sự hụt hơi của Tiki là minh chứng cho thực tế rằng một sàn thương mại điện tử nội địa khó có thể trụ vững trước sức ép của các nền tảng nước ngoài với nguồn lực tài chính khổng lồ và chiến lược “đốt tiền” để chiếm lĩnh thị trường.

Chia sẻ trong một “tâm thư” cuối năm ngoái, Nhà sáng lập VNG, ông Lê Hồng Minh, đã nhìn lại quá trình đầu tư của công ty với một góc nhìn thực tế hơn:

“Tập thể VNG bị cuốn theo ‘cơn sốt công nghệ’ giai đoạn ấy và đặt niềm tin rằng tất cả những khoản đầu tư của mình sẽ thành công. Dù vậy, chúng tôi vẫn phải đối diện với sự thật rằng phần lớn các khoản đầu tư sẽ không dễ dàng tăng trưởng như kỳ vọng.

Đầu năm 2023, VNG đã phải cắt giảm hàng loạt nhân sự, rất nhiều dự án thử nghiệm và ‘thắt lưng buộc bụng’ trước tất cả khoản chi phí phát sinh. Tổng kết lại, VNG đã mất một khoản tiền lớn đầu tư không hiệu quả trong 5 năm trước đó, và để lại nhiều kinh nghiệm thương đau”.

Đức Huy

Trình Quốc hội điều chỉnh GDP 2025 tăng 8% trở lên, lạm phát 4,5 - 5%, đầu tư toàn xã hội tăng thêm 3 tỷ USD
Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về việc điều chỉnh tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 8% trở lên và tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5-5%.