|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Thuế quan đối ứng ông Trump chuẩn bị áp là gì, những nước nào chịu ảnh hưởng?

10:57 | 12/02/2025
Chia sẻ
Tổng thống Trump cho biết ông sẽ công bố thuế quan đối ứng vào ngày 12/2. Ông cảnh báo thuế quan mới sẽ ảnh hưởng đến “tất cả mọi người”.

 

Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫy tay chào từ chuyên cơ Air Force One. (Ảnh: AP).

Hôm 7/2, trong cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông sẽ công bố thuế quan đối ứng vào ngày 12/2. Ông chủ Nhà Trắng cảnh báo động thái này sẽ ảnh hưởng đến “tất cả mọi người”. 

Theo các nhà phân tích, đòn tấn công mới của ông Trump có thể ảnh hưởng đến những nền kinh tế thị trường mới nổi như Ấn Độ, đồng thời nhắm đến thuế giá trị gia tăng của Liên minh châu Âu (EU).

Vậy, thuế quan đối ứng là gì?

Thuế quan là thuế áp dụng đối với hàng hoá nhập khẩu từ một quốc gia khác.

Liên quan đến thuế quan đối ứng, khi còn vận động tranh cử chức tổng thống Mỹ, ông Trump từng tuyên bố: “Mắt đền mắt, thuế quan trả thuế quan, cùng số tiền thuế như nhau”.

Các nhà phân tích của Goldman Sachs cho biết một cách tiếp cận của chính quyền ông Trump là tăng thuế quan lên hàng nhập khẩu sao cho phù hợp với mức thuế quan mà các quốc gia khác đánh lên hàng hoá Mỹ.

Áp thuế đối ứng dựa trên các sản phẩm khác nhau sẽ khiến mức thuế suất trung bình của Mỹ tăng khoảng 2 điểm %. Áp thuế để phù hợp với mức thuế suất trung bình mà các quốc gia khác áp dụng sẽ làm thuế suất của Mỹ tăng ít hơn.

Tuy nhiên, cách tiếp cận tập trung vào sản phẩm phức tạp hơn.

Mặc dù thuế suất trung bình của Mỹ tương đối thấp (ở mức 2,7% vào năm 2022), Washington lại đánh thuế cao hơn ở các lĩnh vực “rất nhạy cảm về mặt chính trị” như may mặc, đường và xe bán tải, Phó Chủ tịch Scott Lincicome của Viện Cato cho hay.

Tương tự, việc đưa các rào cản phi thuế quan như quy định vào phép tính sẽ làm phức tạp hơn công thức.

Ai sẽ bị ảnh hưởng?

Các nhà phân tích của JPMorgan Chase dự đoán đề xuất mới của ông Trump có thể dẫn đến một đợt tăng thuế quan trên diện rộng với các nền kinh tế thị trường mới nổi đang áp dụng mức thuế cao đối với hàng hoá Mỹ.

Nếu giới chức chính quyền ông Trump áp thuế suất trung bình đối với tất cả sản phẩm, các quốc gia như Ấn Độ và Thái Lan - nơi đánh thuế nhập khẩu ở mức trung bình cao hơn Mỹ - có thể bị ảnh hưởng.

Trước đây, Tổng thống Trump từng chỉ trích Ấn Độ là “kẻ lạm dụng tồi tệ” trong hoạt động thương mại toàn cầu.

Và tuần này, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ Kevin Hasset nhấn mạnh với CNBC rằng Ấn Độ áp thuế quan cao, khiến hàng nhập khẩu không thể tiếp cận thị trường tỷ dân.

Ông Lincicome cảnh báo các nước nghèo hơn cũng thường áp thuế quan cao. Các nước này sử dụng thuế quan như một công cụ để tạo nguồn thu và bảo vệ hàng hoá trong nước vì họ không có đủ nguồn lực để áp đặt các rào cản phi thuế quan.

Goldman Sachs dự đoán các quốc gia có hiệp định thương mại tự do với Mỹ như Mexico, Canada và Hàn Quốc sẽ không chịu tác động. Điều này sẽ hạn chế ảnh hưởng nói chung nếu Washington áp dụng cách tiếp cận dựa trên quốc gia.

Mặt khác, giới chuyên gia vẫn chưa rõ liệu ông Trump coi thuế quan đối ứng là một giải pháp thay thế cho thuế quan phổ quát 10 - 20% mà ông từng tiết lộ trong quá trình tranh cử hay là một chính sách riêng biệt.

Một rủi ro là chính quyền ông Trump “có thể cố gắng cân bằng các rào cản phi thuế quan trong hoạt động thương mại”, Goldman Sachs lưu ý. Đặc biệt, ông Trump có thể cân nhắc áp thuế giá trị gia tăng khi tính toán mức thuế quan.

Theo các nhà phân tích của Goldman Sachs, trong kịch bản nêu trên, thuế suất hiệu lực trung bình của Mỹ có thể tăng thêm 10 điểm %.

Trong khi đó, JPMorgan cho rằng kế hoạch của Tổng thống Trump cũng có thể là một hình thức phản ứng với thuế giá trị gia tăng cao của EU.

Mục tiêu của ông Trump là gì?

Chia sẻ với AFP, ông Jeffrey Schott, thành viên cấp cao của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, cho hay: “Một trong những mục tiêu [của ông Trump] là tạo ra sự bất ổn như một chiến thuật đàm phán, nhưng bất ổn lại là một loại thuế đánh vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp”.

Vị chuyên gia cảnh báo những bất ổn xoay quanh thuế quan, khả năng trả đũa và các vấn đề phi thương mại đều gây sức ép lên doanh nghiệp Mỹ lẫn các công ty nước ngoài.

Trong trường hợp của các đồng minh như châu Âu, ông Schott nói mục tiêu đàm phán của Mỹ có thể liên quan đến “những ưu tiên kinh tế và địa chính trị, bao gồm cả Ukraine”.

Chẳng hạn, Washington có thể đang muốn tìm một giải pháp tốt hơn cho tình hình ở Ukraine, nhưng cũng muốn tăng xuất khẩu của Mỹ trong những lĩnh vực quan trọng như khí tự nhiên hoá lỏng.

Yên Khê

Trình Quốc hội điều chỉnh GDP 2025 tăng 8% trở lên, lạm phát 4,5 - 5%, đầu tư toàn xã hội tăng thêm 3 tỷ USD
Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về việc điều chỉnh tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 8% trở lên và tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5-5%.