Vietcap dự báo lợi nhuận Sacombank tăng gần 50% trong năm 2025, 4 ngân hàng tăng trên 20%
Trong báo cáo nhận định về ngành ngân hàng mới đây, Chứng khoán Vietcap nhận định tăng trưởng tín dụng năm 2025 sẽ vẫn được thúc đẩy nhiều hơn bởi mảng cho vay doanh nghiệp. Đồng thời, các ngân hàng có lợi thế cạnh tranh trong mảng cho vay doanh nghiệp và huy động vốn có vị thế tốt để nắm bắt các cơ hội tăng trưởng.
Lợi thế từ tín dụng
Trong năm 2024, tăng trưởng tín dụng toàn ngành đạt 15,1%, tăng tốc từ quý III/2024 (tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm đạt 9%). Tăng trưởng tín dụng mạnh hơn trong quý IV được thúc bởi những nỗ lực duy trì môi trường lãi suất thấp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và nền kinh tế tiếp tục phục hồi.
Theo Vietcap, một số ngân hàng báo cáo tăng trưởng tín dụng vượt trội, bao gồm HDBank (27,3%), MB (24,7%), Techcombank (21,7%), LPBank (20,4%) và ACB (19,1%), hầu hết đều có lợi thế cạnh tranh trong mảng cho vay doanh nghiệp hoặc chi phí vốn thấp.
Gần đây, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16%, Phó Thống đốc nhắc lại tăng trưởng GDP 7,09% năm 2024 đi kèm với tăng trưởng tín dụng 15,08%, cho thấy rằng cần tăng trưởng tín dụng hơn 2% cho mỗi 1% tăng trưởng GDP. Do đó, với mục tiêu tăng trưởng GDP 8%, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16%, có thể tăng lên 18-20% nếu tăng trưởng GDP đạt 10%.
![](https://cdn.vietnambiz.vn/1881912202208555/images/2025/02/12/screenshot-2025-02-12-at-095345-20250212095355405.png?width=1000)
(Nguồn: Vietcap)
Báo cáo Vietcap cho biết tăng trưởng huy động toàn hệ thống trong 10 tháng đầu năm 2024 vẫn ở mức thấp, khoảng 6,9%. Số liệu chi tiết của NHNN cho thấy tiền gửi của tổ chức tăng 4,6% và tiền gửi của cá nhân tăng 6,8% trong 10 tháng đầu.
Kể từ giữa năm 2024, các ngân hàng đã dần tăng lãi suất tiền gửi để thu hút tiền gửi của khách hàng, nhưng lãi suất tiền gửi vẫn ở mức tương đối thấp vào cuối năm 2024. Tỷ lệ CASA tổng hợp của các ngân hàng mà chúng tôi theo dõi đã cải thiện 1,7 điểm % lên 25,1% trong quý IV/2024 và gần như đi ngang so với cùng kỳ năm trước, một phần là do nhu cầu thanh toán cao hơn trong mùa cuối năm.
![](https://cdn.vietnambiz.vn/1881912202208555/images/2025/02/12/screenshot-2025-02-12-at-100020-20250212100033572.png?width=1000)
(Nguồn: Vietcap)
Về kết quả kinh doanh trong quý IV/2024, tổng lợi nhuận sau thuế các ngân hàng tăng 18% và 22%. Động lực tăng trưởng đến từ tổng thu nhập lãi thuần tăng 4% do tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ bù đắp cho áp lực NIM và tổng thu nhập ngoài lãi tăng 46% do thu hồi nợ xấu đã xử lý, lãi từ ngoại hối và thu nhập từ đầu tư tăng mạnh và tổng chi phí dự phòng giảm 9%.
Cụ thể, biên lãi thuần (NIM) của các ngân hàng bị thu hẹp trong quý IV/2024 khi giảm xuống 3,37%, đánh dấu mức NIM hàng quý thấp nhất trong ba năm qua. Phần lớn các ngân hàng (trong danh sách theo dõi) đều báo cáo NIM giảm so với quý trước, ngoại trừ LPBank VPBank và BIDV với áp lực lên lợi suất tài sản sinh lãi (IEA) và chi phí huy động.
Vietcap nhận định chi phí vốn tăng là do lãi suất tiền gửi tăng trong nửa cuối năm 2024 (chủ yếu tại các ngân hàng tư nhân) và nhu cầu huy động vốn trung và dài hạn tăng.
Ngoài ra, Thông tư 06/2023, cho phép các ngân hàng tái cấp vốn cho các khoản vay tiêu dùng với lãi suất cho vay hấp dẫn hơn, cùng với sự phục hồi chậm của cho vay tiêu dùng, đã gây thêm áp lực lên lợi suất tài sản sinh lãi của các ngân hàng.
![](https://cdn.vietnambiz.vn/1881912202208555/images/2025/02/12/screenshot-2025-02-12-at-095939-20250212095948477.png?width=1000)
(Nguồn: Vietcap)
Thu nhập ngoài lãi tăng trưởng mạnh
Ngoài thu nhập lãi thuần, thu nhập ngoài lãi cũng tăng trưởng mạnh với 46,1% trong quý IV/2024, chủ yếu được thúc đẩy bởi lãi từ đầu tư và lãi từ giao dịch ngoại hối và thu nhập từ thu hồi nợ mạnh mẽ tại các ngân hàng.
Theo Vietcap, thu nhập từ thu hồi nợ xấu có sự tăng trưởng tích cực tại một số ngân hàng như MBBank, VPBank, VietinBank, HDBank, TPBank và LPBank.
Ngược lại, thu nhập ngoài lãi của Techcombank yếu do hoạt động bancassurance yếu sau khi chấm dứt quan hệ đối tác độc quyền bancassurance của Manulife và khoản lỗ ròng từ hoạt động kinh doanh ngoại hối.
![](https://cdn.vietnambiz.vn/1881912202208555/images/2025/02/12/screenshot-2025-02-12-at-100523-20250212100534233.png?width=1000)
(Nguồn: Vietcap)
Các ngân hàng tư nhân ghi nhận tỷ lệ chi phí/thu nhập (CIR) cải thiện so với cùng kỳ. Tổng CIR quý IV/2024 tăng nhẹ 1,9 điểm % lên 34,1% (đi ngang so với cùng kỳ) do chi phí hoạt động (OPEX) tăng 34%, cao hơn mức tăng 25% của tổng thu nhập hoạt động.
Báo cáo Vietcap phân tích chi phí hoạt động tăng mạnh so với quý trước một phần là do các chi phí mùa vụ vào cuối năm, đặc biệt là tại các ngân hàng quốc doanh. Nhìn chung, tổng CIR năm 2024 vẫn giảm 1,1 điểm % YoY (chủ yếu nhờ sự cải thiện của các ngân hàng tư nhân), do các ngân hàng đẩy mạnh quá trình số hóa và tái cấu trúc tổ chức để tăng hiệu quả trong hai năm qua.
![](https://cdn.vietnambiz.vn/1881912202208555/images/2025/02/12/screenshot-2025-02-12-at-101453-20250212101505765.png?width=1000)
(Nguồn: Vietcap)
Chi phí tín dụng giảm đáng kể trong khi bộ đệm dự phòng được củng cố trong quý /2024. Chi phí tín dụng quy năm giảm nhẹ so với quý trước xuống 1,08% (-16 điểm cơ bản QoQ), trong khi tổng tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) tăng 8,9 điểm % QoQ lên 108,1%.
Ở góc độ thận trọng, các chuyên gia Vietcap dự báo chi phí tín dụng năm 2025 sẽ giữ mức cao tương đương cùng kỳ dựa theo kỳ vọng chi phí tín dụng quý IV/2024 thấp do một số ngân hàng hoàn nhập chi phí dự phòng một lần. Ngoài ra, báo cáo Vietcap dự phóng các ngân hàng sẽ tiếp tục tăng cường bộ đệm dự phòng vào năm 2025.
Lợi nhuận Sacombank dự báo tăng gần 50% trong năm 2025
Vietcap dự báo tăng trưởng lợi nhuận năm 2025 của một số ngân hàng như Sacombank (tăng 48%), Vietcombank và ACB (cùng tăng 24%), theo sau đó là TPBank (tăng 23%), Techcombank (tăng 21%). Các ngân hàng như VIB, VietinBank, MB, HDBank, BIDV, VPBank đều tăng trên 10%. LPBank là ngân hàng duy nhất có dự báo tăng trưởng lợi nhuận giảm trong năm 2025.
![](https://cdn.vietnambiz.vn/1881912202208555/images/2025/02/12/vietcap-20250212094256801.png?width=700)