|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

'Ngành dệt may Trung Quốc khó lòng cạnh tranh với Việt Nam'

13:17 | 02/08/2019
Chia sẻ
Với việc chi phí nhân công của Trung Quốc cao gấp đôi, đại diện Hiệp hội Dệt may cho rằng ngành dệt may nước này khó lòng cạnh tranh với Việt Nam

Giá nhân công lao động chỉ bằng một nửa Trung Quốc

Chia sẻ tại buổi Tọa đàm trực tuyến về tác động của EVFTA với ngành dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhận định ngành dệt may Trung Quốc khó lòng cạnh tranh với Việt Nam ở khía cạnh giá nhân công lao động. 

ảnh_Viber_2019-08-02_12-03-51

Tọa đàm trực tuyến về tác động của EVFTA với ngành dệt may Việt Nam. Ảnh: Đức Quỳnh

Theo đó, thu nhập người lao động ngành dệt may Trung Quốc trung bình khoảng 700 - 800 USD/tháng trong khi Việt Nam chỉ khoảng 300 - 400 USD/tháng. 

Ông Giang cho hay Trung Quốc bắt đầu nhập khẩu các sản phẩm may mặc của Việt Nam. Tất cả nhà máy dệt may ven biển phải đóng cửa và chuyển sang các tỉnh miền Tây, và đầu tư ra bên ngoài. 

"Bây giờ ngành dệt may Trung Quốc khó lòng cạnh tranh với dệt may Việt Nam", ông Giang cho biết.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (thuộc VCCI), cho biết trên thực tế, khi doanh nghiệp xuất khẩu hàng sang các thị trường khó tính như EU, Nhật Bản, khách hàng thậm chí yêu cầu những tiêu chuẩn lao động còn cao hơn qui định của Việt Nam. 

Đã có thời kì người dân EU tẩy chay hàng dệt may của Bangladesh do các doanh nghiệp đối xử không tốt với người lao động. Thế nhưng, doanh nghiệp Việt Nam vẫn đáp ứng được những yêu cầu về lao động mà các thị trường đặt ra.

Sức ép lao động cả trong và ngoài nước đè lên ngành dệt may Việt Nam

Tuy nhiên, bà Trang chỉ ra rằng ở Việt Nam giá lao động đang có xu hướng tăng lên. Thêm vào đó, chi phí cho nhân công không chỉ là lương mà còn một số khoản đi kèm khác như công đoàn, bảo hiểm...

Trong khi đó, năng suất lao động của Việt Nam lại thấp. Trên bình quân, năng suất lao động của Việt Nam chỉ hơn Lào một chút và kém xa so với Thái Lan và Singapore. Ngoài ra, số lượng lao động bổ sung mỗi năm thấp và dân số đang già. 

Ông Giang cho biết lương lao động của Myanmar, Bangladesh, Lào chỉ khoảng 150 USD. Do đó, Việt Nam đang chịu sức ép giá nhân công rẻ từ các nước này.

Ngành dệt may Việt Nam có 3 triệu lao động và 7.000 doanh nghiệp. Trong khi các trường đào tạo dệt may chỉ cung cấp được 1% trong tổng nhu cầu của ngành.

Công nhân là do doanh nghiệp tự đào tạo. Trong khi theo luật lao động, đào tạo một tháng cũng phải kí hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm cho họ. Nhưng thực tế để một người lao động thật sự lành nghề cần 6 tháng đến một năm.

Các doanh nghiệp FDI sẵn sàng bỏ ra mức lương cao hơn doanh nghiệp Việt Nam đang trả nên tạo ra sức cạnh tranh rất khốc liệt trong nước.

Ngoài ra, chính phủ chưa có qui hoạch vùng công nghiệp của ngành dệt may. 

Do đó, các địa phương tự kêu gọi đầu tư. Nhiều doanh nghiệp tập trung một chỗ và người lao động lại "nhảy" từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác, gây ra bất ổn định trong doanh nghiệp. 

Ngoài ra, bà Trang cũng chỉ ra vấn đề với cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, Việt Nam không thể dựa mãi vào lợi thế về lao động.

"Việt Nam luôn được đánh giá là có lao động giá rẻ, tay nghề khéo léo... Tuy nhiên, lợi thế ấy liệu có còn khi máy móc, công nghệ đang phát triển mạnh mẽ và trong tương lai, thậm chí máy còn làm chính xác hơn người?" bà Trang nói.

Hiệp định EVFTA chưa tạo ra xáo trộn nguồn lao động Việt Nam, nhưng chi phí tuân thủ qui định sẽ cao hơn. 

"Tuy nhiên, nếu Việt Nam làm tốt thì đây là 'chứng nhận' cho sản phẩm dệt may Việt Nam. Chúng ta sẽ không phải trải qua các cuộc tẩy chay mà Bangladesh gặp phải tại EU", bà Trang nhận định.

Đức Quỳnh