|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

SSI: Dệt may, da giày tăng trưởng cao nhất trong nhóm hàng xuất khẩu chủ lực nửa đầu năm 2019

18:01 | 30/07/2019
Chia sẻ
Trong 6 tháng đầu năm nay, dệt may đạt 15 tỉ USD, tăng 10,5%, giày dép đạt 8,7 tỉ USD, tăng 13,6%. Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của hai mặt hàng với mức tăng trưởng lần lượt 37% và 10%.

Theo báo cáo chuyên đề "Xuất khẩu chậm lại và giải pháp nội lực" của Công ty cổ phần chứng khoán SSI, xuất khẩu của Việt Nam đã có dấu hiệu phục hồi trong quí II, từ mức tăng 5,3% của quí I lên 9,6% trong quí II, kéo tăng trưởng 6 tháng đạt 7,2%.

Đây vẫn là mức tăng trưởng rất thấp so với cùng kì năm ngoái là gần 17% và trong 10 năm gần nhất, mức tăng này chỉ cao hơn mức 5,6% của 6 tháng đầu năm 2016. 

Tuy nhiên, trong nhóm sản phẩm gia công thì hàng dệt may  giày dép vẫn giữ tốc độ tăng trưởng ổn định, và là những mặt hàng có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong nhóm hàng xuất khẩu chủ lực.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm nay, dệt may đạt 15 tỉ USD, tăng 10,5%, giày dép đạt 8,7 tỉ USD, tăng 13,6%.

Trong đó, giày dép đã cải thiện từ mức tăng 10,4% trong năm 2018 nhưng hàng dệt may lại chậm lại so với mức tăng 16,5% trong năm 2018. 

9

Dệt may là một trong những ngành hàng xuất khẩu có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 6 tháng đầu năm 2019.

Về thị trường xuất khẩu, cả hai mặt hàng này đều có thị trường lớn nhất là Mỹ. Trong đó, xuất khẩu giày dép sang Mỹ với tỉ trọng gần 37% đã tăng mạnh trong quí II với hơn 19%, kéo tăng trưởng 6 tháng đạt 15,4%.

Bên cạnh đó, thị trường Trung Quốc (tăng 20,3%), Hàn Quốc (tăng 17,6%), ASEAN (tăng hơn 26%) và Ấn Độ (tăng đến 37,4%) là các thị trường có tốc độ tăng trưởng cao nhưng chiếm tỉ trọng không đáng kể. 

Ngược lại, châu Âu là thị trường xuất khẩu giày dép lớn thứ hai của Việt Nam với tỉ trọng 28,5%, nhưng tốc độ tăng trưởng chỉ đạt 8,6% trong 6 tháng đầu năm 2019.

29

Thị trường xuất khẩu giày dép của Việt Nam. Nguồn: SSI/TCHQ/Otexa

Đối với mặt hàng dệt may, cả 3 thị trường lớn nhất là Mỹ chiếm tỉ trọng 47%, EU hơn 13% và Nhật Bản gần 12% chỉ tăng trưởng ở mức khiêm tốn tương ứng khoảng 10%, 4,8% và 4,2%.

Trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu may mặc của Việt Nam sang Mỹ xếp thứ 3 với tổng giá trị 2,28 tỉ USD, tăng gần 12%. Trung Quốc đứng vị trí số một với 12 tỉ USD, tăng thấp gần 3%. Thứ hai là Ấn Độ, đạt 2,64 tỉ USD, tăng 15,6%.

29

Xuất khẩu dệt may sang các thị trường chính. Nguồn: SSI

Theo SSI, mặc dù được kì vọng hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, xuất khẩu dệt may vẫn chưa tận dụng được thời cơ để tạo lợi thế với các đối thủ cạnh tranh. 

Khoảng cách về qui mô và năng lực sản xuất của Trung Quốc với các quốc gia khác là khá lớn và khó có thể thay thế trong ngắn hạn. 

Mặt khác, xuất khẩu xơ, sợi dệt sang Trung Quốc gặp khó khăn, chỉ tăng gần 1% trong quí II và tăng 8,3% trong 6 tháng đầu năm 2019.

Như Huỳnh

Mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu 12% có khả thi?
Theo TS, Võ Trí Thành, mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu 12% trong năm 2025 là không dễ dàng khi những đối tác quan trọng của Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu dự báo là tăng trưởng thấp hơn năm 2024. Đặc biệt, những chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ có thể cản trở mạnh mẽ đến gia tăng thương mại toàn cầu thế giới, trong đó có Việt Nam.