|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

BVS: Ngành dệt may chưa thể hưởng lợi từ EVFTA vì qui tắc xuất xứ

11:15 | 01/07/2019
Chia sẻ
Hiệp định EVFTA được phê chuẩn sẽ là một tín hiệu tích cực đến ngành dệt may, khả năng cạnh tranh tại thị trường EU có thể được cải thiện, doanh thu và lượng đơn hàng sẽ tăng trưởng đáng kể.

Qui tắc xuất xứ là yếu điểm của ngành dệt may khi EVFTA có hiệu lực

Theo Công Ty TNHH Chứng Khoán Ngân Hàng Đầu Tư và Phát Triển Việt Nam (BSC), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ có tác động tích cực đến dệt may Việt Nam trong dài hạn.

Nguyên nhân là 42,5% dòng thuế áp dụng đối với dệt may Việt Nam sẽ giảm về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực, còn lại sẽ giảm về 0% sau 3 - 7 năm, giúp dệt may Việt Nam cạnh tranh hơn với các sản phẩm từ Bangladesh và Campuchia, hiện đang được hưởng thuế GSP 0%. 

"Trong ngắn hạn, khả năng cạnh tranh của dệt may Việt Nam tại thị trường EU có thể được cải thiện nhờ những yếu tố ngoài hiệp định như Campuchia bị đưa ra khỏi diện hưởng thuế ưu đãi GSP do không đảm bảo được các vấn đề nhân quyền và lợi ích của lao động và trường hợp mức lương ở Bangladesh tăng mạnh", BSC lưu ý.

Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt từ phía các doanh nghiệp trong nước và thương hiệu nổi tiếng nước ngoài, hiệp định EVFTA đối với ngành dệt may sẽ là một cú hích đối với các doanh nghiệp có tỉ trọng xuất khẩu lớn qua EU.

Tuy nhiên trong ngắn hạn, tác động tích cực của Hiệp sẽ chưa đáng kể do các doanh nghiệp và đối tác đặt hàng cần thời gian để tìm kiếm nguồn nguyên liệu nội địa.

Đồng thời phát triển các dự án dệt nhuộm nhằm đáp ứng được các yêu cầu của Hiệp định trong đó có qui tắc xuất xứ "từ vải trở đi", có tính nguồn gốc xuất xứ cộng gộp từ nước thứ 3 đã có cam kết thương mại tự do với cả Việt Nam và EU như Hàn Quốc.

Doanh nghiệp có tỉ trọng xuất khẩu lớn qua EU có thể tăng trưởng cả về doanh thu và lượng đơn hàng

Mặc dù vậy, "những doanh nghiệp có tỉ trọng xuất khẩu lớn qua EU có thể sẽ ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể về doanh thu và lượng đơn hàng so với các nhóm doanh nghiệp còn lại", BSC đánh giá.

Một số doanh nghiệp dệt may có tỉ trọng xuất khẩu lớn sang thị trường EU như Công ty cổ phần đầu tư và thương mại (Mã: TNG), Công ty Cổ phần Sản xuất Thương mại May Sài Gòn (Mã: GMC), Công ty cổ phần May Sông Hồng (Mã: MSH), Tổng Công ty cổ phần May Việt Tiến (Mã: VGG), Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (Mã: TCM)

Trong đó, TNG là doanh nghiệp may duy trì được tăng trưởng cao về doanh thu trong năm 2019 nhờ vào dự án mở rộng công suất cuối 2018 và trong 2019, tăng khoảng 10% công suất.

Theo kết quả kinh doanh 5 tháng đầu năm 2019 của TNG, doanh thu thuần đạt 1.542 tỉ đồng, tăng 35,5% so với cùng kì năm trước, biên lợi nhuận gộp đạt 17,5%, tăng hơn 1% so với cùng kì năm 2018 giúp cho lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh (EBIT) đạt 134 tỉ đồng, tăng 48% so với cùng kì năm ngoái.

Lợi nhuận sau thuế đạt 71 tỉ đồng, tăng 47%. Kết quả thực hiện 5 tháng đầu năm 2019 tương ứng hoàn thành hơn 37% và hơn 34% kế hoạch năm. 

Về hàng tồn kho, tính đến cuối tháng 5 tăng 5,7% so với cuối tháng 4/2019, trong đó chủ yếu là tồn kho nguyên vật liệu tăng 18,4%. Tồn kho thành phầm chưa giao hàng đến cuối tháng 5 đạt 547 tỉ đồng, do đó sẽ không có biến động lớn trong doanh thu tháng 6 so với tháng 5 và cùng kì 2018.

BSC dự báo, doanh thu thuần năm 2019 của TNG tăng gần 21% so với cùng kì năm ngoái lên 4,366 tỉ đồng, dựa trên giả định đơn hàng dệt may xuất khẩu kí kết trong năm đạt 182 triệu USD, tăng hơn 20% so với cùng kì năm ngoái.

Mảng thời trang nội địa TNG Fashion đạt 148 tỉ đồng, doanh thu tăng 10% và lợi nhuận sau thuế dự báo đạt 231.5 tỉ đồng, tăng hơn 28% so với cùng kì năm ngoái.

4

Hiệp định EVFTA đối với ngành dệt may sẽ là một cú hích đối với các doanh nghiệp có tỉ trọng xuất khẩu lớn qua EU.

Cùng với đó, tăng trưởng trong năm tới của MSH dự kiến sẽ mạnh hơn khi dự án nhà máy Sông Hồng 10, tăng 20% công suất, đi vào hoạt động.

Doanh thu thuần của MSH năm 2019 ước đạt 4,472 tỉ đồng tăng13,2% so với cùng kì năm ngoái với giả định doanh thu hàng may mặc xuất khẩu đạt 174,7 triệu USD tăng 13,6% so với cùng kì năm ngoái và động lực đến từ các khách hàng Haddad tăng 38%, G-III tăng 32%, Columbia tăng 10% so với cùng kì năm ngoái trong khi mảng chăn ga gối tương đương cùng kì. 

Biên lợi nhuận gộp tương đương 2018 ở mức hơn 20%, biên EBIT cải thiện từ 11,1% lên 11,7% nhờ tiết giảm chi phí bảo hiểm và quản lí doanh nghiệp. Lợi nhuận sau thuế ước đạt 420 tỉ tăng13.5% so với cùng kì năm ngoái.

Đáng chú ý, TCM là một trong số ít các doanh nghiệp ngành may có được lợi thế là chuỗi sản xuất khép kín từ sợi - dệt - may, do đó có nhiều lợi thế trong việc đáp ứng được các yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ. 

Tuy nhiên, BSC đánh giá năm 2019 là một năm tương đối nhiều rủi ro với TCM, có thể kể đến ảnh hưởng từ khách hàng Sear (chiếm 7% doanh thu hàng năm) nộp đơn phá sản. 

Ngoài ra, thu hẹp qui mô sẽ ảnh hưởng đến đơn hàng và việc trích lập dự phòng đối với khoản phải thu từ khách hàng này, mảng sợi bông có thể gặp khó khăn do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại.

BSC dự báo doanh thu thuần của TCM năm 2019 đạt 3.778 tỉ đồng, tăng 3,2% so với cùng kì năm ngoái với giả định động lực tăng trưởng chủ yếu đến từ mảng vải trong khi mảng may và sợi đi ngang so với cùng kì, lợi nhuận sau thuế ước đạt 250 tỉ, giảm 3,4% so với cùng kì năm ngoái.

Còn với GMC doanh thu quí 1/2019 đạt hơn 404 tỉ đồng, tăng 4% so với cùng kì năm ngoái, lợi nhuận trước thuế 34.6 tỉ đồng, tăng hơn 91% so với cùng kì năm ngoái, tương ứng hoàn thành 21,2% và 44,4% kế hoạch năm.

GMC đặt kế hoạch doanh thu 1.900 tỉ đồng, giảm 6.8% so với cùng kì năm ngoái, lợi nhuận trước thuế 78 tỉ, giảm 44.8% so với cùng kì năm ngoái. 

"Kế hoạch này của GMC tương đối thận trọng dựa trên tình hình kinh doanh khả quan của công ty trong quí 1/2019 và tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành", BSC nhận định.

Như Huỳnh