|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Ngành da giày Việt Nam thuận lợi cạnh tranh tầm quốc tế nhờ cơ hội EVFTA đến đúng thời điểm

11:34 | 11/07/2019
Chia sẻ
Thị trường xuất khẩu da giày Việt Nam tăng trưởng khả quan trong những tháng đầu năm, cơ hội mở rộng thị trường và tăng sức cạnh tranh của các doanh nghiệp tiếp tục thuận lợi nhờ những hoạt động giao thương đúng thời điểm.

Giày dép hướng đến vị trí thứ 4 hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam

Theo số liệu của Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam (Lefaso) tại Đại hội nhiệm kì VII 2019 - 2024 diễn ra ngày 10/7 tại TP HCM, trong 6 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của ngành da giày đạt trên 10,33 tỉ USD. 

Trong đó, giày dép đạt 8,53 tỉ USD, túi xách đạt 1,8 tỉ USD.

Hiện tại, Việt Nam đã xuất khẩu sản phẩm giày dép tới trên 100 nước. Trong đó 50 nước có kim ngạch xuất khẩu trên 1 triệu USD. 

5 thị trường có kim ngạch lớn nhất, chiếm trên 82,3% tổng kim ngạch xuất khẩu gồm Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Đáng chú ý, đứng đầu danh sách thị trường tỉ USD tiêu thụ giày dép của Việt Nam là Mỹ, EU.

029995b67173952dcc62

Ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Lefaso phát biểu tại Đại hội nhiệm VII 2019-2024 diễn ra chiều 10/7 tại TP HCM. Ảnh: Như Huỳnh

Trong 6 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu sang Mỹ đạt gần 4 tỉ USD, trong đó, mặt hàng giày dép đạt hơn 3,2 tỉ USD, tăng 36,7%, túi xách đạt 775 triệu USD, tăng 42,4% so với cùng kì năm 2018.

Thị trường EU ước đạt hơn 2,83 tỉ USD, trong đó mặt hàng giày dép đạt hơn 2,3 tỉ USD, tăng 27,8%; túi xách đạt gần 470 triệu USD, tăng 26%.

Trao đổi với người viết tại Đại hội, ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư kí Hội da giày TP HCM, dự báo nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam năm 2019 vẫn tốt. 

"Trung Quốc tiếp tục chủ trương giảm ưu đãi đầu tư trong các lĩnh vực dệt may, da giày để tập trung sản xuất công nghệ cao. Do đó, các đơn hàng gia công giày dép, túi sách sẽ tiếp tục xu hướng chuyển dịch từ Trung Quốc sang Việt Nam".

Ngoài ra, chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang tác động đến xuất, nhập khẩu của Việt Nam. Thúc đẩy đầu tư của doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực da giày tăng lên, ông Khánh nói.

Theo đó, ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Lefaso dự báo: "Chỉ số sản xuất da giày trong năm 2019 sẽ tăng 10 - 11%; tổng kim ngạch xuất khẩu da giày đạt 21,5 tỉ USD, tăng 10% so với năm 2018.

Trong đó, xuất khẩu da giày chiếm khoảng 9% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước .Tỉ lệ nội địa hoá sản phẩm da giày đạt 60%. Xuất khẩu giày dép đứng thứ 4 và túi cặp đứng thứ 10 trong TOP hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam".

d2269a113fd1db8f82c0

Đại hội nhiệm kì VII 2019-2024 Hiệp hội da giầy túi xách Việt Nam. Ảnh: Như Huỳnh

Ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) nhận định ngành da giày Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn từ các hiệp định thương mại như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA)… 

Tuy nhiên, có thể tận dụng được hay không thì ngành hàng cần giải quyết các điểm nghẽn  đang gặp phải hiện nay và nổi cộm trong đó chính là vấn đề thương hiệu. 

Bởi hiện tại ngành da giày Việt vẫn nằm trong chuỗi gia công, doanh nghiệp chưa xuất khẩu sản phẩm mang thương hiệu của mình nên cần có giải pháp nâng cao chuỗi giá trị cho ngành trong thời gian tới, đại diện Bộ Công thương cho hay.

Ban chấp hành Hiệp hội nhiệm VII vừa được bầu ra gồm 37 ủy viên là các thành viên hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh ngành da giày, túi xách và các đơn vị nghiên cứu, trường viện liên quan với 1 chủ tịch và 4 phó chủ tịch.

Trong giai đoạn 2019 - 2024, Lefaso sẽ chú trọng tăng cường các hoạt động để ngành da giày tiếp tục phát triển mạnh mẽ cả ở thị trường nội địa cũng như thị trường thế giới.

Cơ hội mở rộng thị trường "đúng thời điểm"

Chuỗi Triển lãm quốc tế Da và Giày lần thứ 21, Triển lãm quốc tế sản phẩm thành phẩm da - giày, Triển lãm quốc tế ngành công nghiệp máy may đã khai mạc tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), quận 7, TP HCM. 

Diễn ra trong ba ngày 10 - 12/7, đây là dịp để các doanh nghiệp trong nước quảng bá thương hiệu, sản phẩm, mở rộng hợp tác, kêu gọi đầu tư, đẩy mạnh xuất khẩu cũng như tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Sequence 01

Triển lãm quốc tế Da và Giày lần thứ 21, Triển lãm quốc tế sản phẩm thành phẩm da - giày, Triển lãm quốc tế ngành công nghiệp máy may chính thức diễn ra từ ngày 10/7. Ảnh: Như Huỳnh

Sequence 01

Gần 700 nhà sản xuất, cung ứng trong và ngoài nước tham dự. Ảnh: Như Huỳnh

Là doanh nghiệp chuyên cung cấp những sản phẩm thuộc da, da bò cho ngành giày dép túi xách, bà Dương Bội Nghi, Giám đốc Công ty TNHH Kim Thành cho biết:  "Không chỉ tìm kiếm cơ hội tiếp cận, nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới có tính cạnh tranh tầm quốc tế, chúng tôi còn muốn đem sản phẩm chất lượng của Việt Nam ra thế giới.

Đơn cử như sản phẩm da sần Patent 3D, da Anilin, đặc biệt là da Ba tăng là những sản phẩm được ưa chuộng tại các công ty sản xuất giày dép, túi xách trong và ngoài nước".

Ngoài việc giới thiệu các sản phẩm da, triển lãm còn tập trung trưng bày các dòng sản phẩm về máy móc thiết bị, nguyên phụ liệu, hóa chất ngành da giày và túi cặp các loại của  gần 700 nhà sản xuất, cung ứng đến từ 32 quốc gia và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Pakistan, Brazil… 

Ông Paolo Lemma, Trưởng đại diện Thương vụ Italy tại Việt Nam, cho biết hầu hết doanh nghiệp tham gia triển lãm lần này đều đã có các nhà phân phối, đại lý hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam. 

Đáng chú ý, ngoài việc tìm nguồn cung cấp hàng từ Việt Nam, doanh nghiệp Italy còn đang nỗ lực củng cố mối quan hệ hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam và tìm kiếm thêm đối tác mới, ông Paolo Lemma cho hay.

Sequence 01

Sản phẩm về thuộc da được nhiều đối tác quan tâm và tìm hiểu. Ảnh: Như Huỳnh.

5070067467b183efdaa0

Các loại máy móc chuyên ngành da giày được trưng bày tại triển lãm. Ảnh: Như Huỳnh.

Còn theo bà Gabriella Marchioni Bocca, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất máy, thiết bị và công nghệ dành cho sản phẩm giày, đồ da và thuộc da của Italy (ASSOMAC), Việt Nam đã trở thành nước sản xuất giày lớn thứ ba và là nước xuất khẩu giày lớn thứ hai trên thế giới.

Cụ thể, theo số liệu từ thương vụ Italy cho thấy chỉ trong vòng 5 năm (2013 - 2018) giá trị xuất khẩu máy móc ngành da giày Italy vào thị trường Việt Nam đã tăng gấp 10 lần, từ 3,4 triệu euro lên 31 triệu euro. 

Italy hiện là nhà cung cấp máy móc lớn thứ 2 trong ngành da giày cho Việt Nam, chỉ sau Trung Quốc. 

Do đó, đại diện ASSOMAC cho rằng chuỗi Triển lãm quốc tế ngành da - giày sẽ tạo điều kiện thuận lợi để hội tụ những doanh nghiệp trong ngành gặp gỡ, trao đổi tìm hiểu và nắm bắt thông tin.

Đặc biệt, "đây cũng là cơ hội đến 'đúng thời điểm' cho doanh nghiệp, nhà mua hàng, nhà cung cấp… tiếp cận nhau nhằm tìm kiếm đối tác, xúc tiến xuất khẩu, mở rộng thị trường.

Nguyên nhân là Việt Nam và EU vừa kí kết hiệp định thương mại tự do EVFTA với kì vọng da giày sẽ là một trong những ngành hưởng lợi nhiều nhất", đại diện một doanh nghiệp tham gia triển lãm chia sẻ.

Như Huỳnh