|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Ngành da giày Việt Nam: Đừng để cơ hội từ EVFTA 'đi ngang qua rồi ... đi luôn'

15:05 | 04/07/2019
Chia sẻ
EVFTA đang giúp ngành da giày "rộng cửa" cạnh tranh và xuất khẩu, song ngành hàng cũng phải đối diện với những thách thức không hề nhỏ khi tham gia vào các sân chơi lớn.

EVFTA giúp ngành da giày "sang bằng lợi thế"

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã được kí kết vào ngày 30/6 vừa qua. Chia sẻ nhận định về triển vọng phát triển của ngành trong thời gian tới với người viết, ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội da giày TP HCM, cho rằng Hiệp định EVFTA sẽ là cơ hội lớn cho tăng trưởng của ngành, đặc biệt tại thị trường Liên minh châu Âu (EU). 

"So với các đối thủ cạnh tranh khác, sản phẩm giày, dép của Việt Nam được hưởng chênh lệch thuế 3,5 - 4,2% khi xuất khẩu vào EU nên tạo lợi thế cạnh tranh rất lớn. Lượng đơn hàng dịch chuyển về Việt Nam là rất nhiều và vấn đề là doanh nghiệp trong nước sẽ đón nhận cơ hội từ Hiệp định này ra sao", Phó Chủ tịch Hội da giày TP HCM nhận định.

Theo ông Khánh, Việt Nam đang là nước xuất khẩu giày dép lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc và kim ngạch xuất khẩu sản phẩm giày dép của Việt Nam tăng liên tục trong những năm qua. 

Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm trong năm 2018 đạt 19,5 tỉ USD. Riêng trong 5 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu giày dép đạt 7,11 tỉ USD, tăng 13,9% so với cùng kì năm 2018. 

Do đó, ông rất lạc quan về triển vọng ngành da giày Việt Nam sau khi hiệp định EVFTA được thông qua.

47b69e7dd9673d396476

Ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội da giày TP HCM. Ảnh: Như Huỳnh

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm thông tin thương mại VCCI, TP HCM cũng cho hay: "Việt Nam đang là thị trường hứa hẹn tiềm năng khi đang trong giai đoạn tăng trưởng cao và là nền kinh tế mới nổi dưới 'con mắt' của nhà đầu tư và kinh doanh EU. 

Chúng ta có sức nặng để thương lượng với họ. Trước mắt chúng ta có lợi thế nhất định so với các nước khác trong khu vực về các ngành hàng xuất khẩu, đơn cử như da giày đã sang bằng lợi thế về thuế, vấn đề còn lại là kỹ thuật", ông Bình đánh giá.

Đặc biệt, về phần điều kiện, nếu như dệt may gặp khó bởi quy tắc xuất xứ từ vải trở đi, thì những yêu cầu của EU trong EVFTA lại giúp cho da giày "rộng cửa" hơn.

"EVFTA cho phép các doanh nghiệp da giày Việt Nam sử dụng nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất, chỉ yêu cầu từ khâu giặt, may, lắp ráp, đóng gói là phải thực hiện tại Việt Nam.

Mặt khác, khi EVFTA có hiệu lực, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ đầu tư phát triển sản xuất nguyên phụ liệu để hưởng ưu đãi theo xuất xứ. Nhờ đó, Việt Nam có thể cải thiện được nguồn cung nguyên phụ liệu trong nước, tăng tỉ lệ nội địa hóa sản phẩm", đại diện Hội da giày TP HCM chia sẻ.

Báo cáo chuyên đề "EVFTA- Khi cơ hội gõ cửa" của VNDirect cũng cho biết EU là thị trường xuất khẩu giày dép lớn thứ hai của Việt Nam, với giá trị xuất khẩu năm 2018 đạt 5,8 tỉ USD, tăng gần 18% so với năm trước và chiếm 28,7% tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép.

Hiện tại, các sản phẩm giày dép của Việt Nam phải chịu mức thuế trung bình 3 - 4% trên thị trường EU theo GSP (hệ thống ưu đãi phổ cập).

Theo đó, ngay khi hiệp định có hiệu lực khoảng 37% số dòng thuế nhập khẩu đã được xóa bỏ. Trong đó, chủ yếu là đối với giày không thấm nước có đế bằng cao su hoặc nhựa, dép và giày dép trong nhà khác. Phần còn lại sẽ giảm dần xuống 0% trong vòng 3 - 7 năm kể từ mức khởi điểm 5 - 8%, hầu hết giày dép Việt Nam xuất khẩu sang EU thuộc nhóm này.

Tuy nhiên, trong 2 năm đầu sau khi EVFTA có hiệu lực, nhiều sản phẩm giày dép chưa thể hưởng lợi ngay lập tức vì thuế suất khởi điểm đối với một số dòng sản phẩm giày dép của Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ cao hơn mức thuế hiện tại theo GSP. 

"Sẽ mất khoảng 2 năm để mức thuế của EVFTA đối với giày dép của Việt Nam giảm xuống cùng mức hoặc thấp hơn mức thuế hiện tại theo GSP.

Khi mức thuế đối với giày dép Việt Nam giảm xuống 0%, mặt hàng này sẽ được hưởng mức thuế thấp hơn 3,5 - 4,2% so với các sản phẩm giày dép Trung Quốc khi xuất khẩu sang thị trường EU và điều này sẽ tạo lợi thế cạnh tranh lớn cho Việt Nam", theo VNDirect.

Điểm yếu có thể khiến cơ hội "đi ngang qua rồi đi luôn"

Hiện ngành da giày trong nước vẫn đang có những điểm yếu cơ bản như thiếu vốn, thiếu công nghệ, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, thiếu năng lực quản trị và năng suất lao động thấp. Đáng chú ý, tỉ lệ sản xuất gia công của ngành da giày Việt Nam còn cao, chiếm tới 70%, nên lợi nhuận thấp và hạn chế sự năng động của doanh nghiệp. 

Ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Da giày TP HCM, cảnh báo với riêng ngành da giày TP HCM, cơ hội từ hàng chục FTA đã nhiều lần đi ngang qua doanh nghiệp rồi… "đi luôn" và khả năng lần này cũng vậy. 

"Mấy ngày gần đây, Hội Da giày TP HCM đã liên lạc với hơn 100 doanh nghiệp thành viên mà không tìm được doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng cho 2 đơn hàng trị giá 1 triệu USD. 

Đơn hàng có sẵn nhưng không có nhà sản xuất nào đáp ứng được là rất tiếc. Chúng tôi cũng không dám giao đơn hàng lớn cho những doanh nghiệp không đủ năng lực để hạn chế tối đa rủi ro doanh nghiệp móc nối gia công sản xuất tại Trung Quốc rồi gắn xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu", ông Khánh chia sẻ.

Còn theo ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm thông tin thương mại VCCI TP HCM, với dây chuyền, máy móc cũ và công suất thấp đang là những yếu tố khiến doanh nghiệp da giày Việt Nam khó cạnh tranh trên thị trường khu vực và quốc tế. 

"Bên cạnh đó, không chỉ vấn đề về giá, về chất lượng, thị trường EU còn đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam có ý thức bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, nâng cao tự động hóa trong sản xuất và có những sản phẩm đặc trưng", ông Bình nói.

8adba719e103055d5c12

Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm thông tin thương mại VCCI TP HCM. Ảnh: Như Huỳnh.

Theo đó, để giải quyết các khó khăn này, ông Khánh cho biết thêm Hội Da giày TP HCM đã nhiều lần kiến nghị TP hỗ trợ ngành da giày 15 - 20 ha để xây dựng cụm công nghiệp, tập hợp doanh nghiệp trong ngành vào đó nhằm liên kết hoạt động, chia sẻ nguyên liệu, đơn hàng để cùng thực hiện đơn hàng lớn.

Đồng thời, cần sự hỗ trợ để doanh nghiệp da giày tiếp cận chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa của nhà nước và TP HCM. 

"Lâu nay, do qui mô quá nhỏ, không có tài sản thế chấp, trình độ quản trị hạn chế nên hầu hết doanh nghiệp đứng ngoài các chương trình ưu đãi về vốn, mặt bằng… của Chính phủ lẫn thành phố", ông Khánh nói.

Cùng với đó, dù da giày là một trong những ngành có kim ngạch xuất khẩu cao nhất của Việt Nam, nhưng thị phần xuất khẩu lại hầu hết đang nằm trong tay các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Hiện khối doanh nghiệp FDI đóng góp tới trên 80% trong tỉ trọng xuất khẩu toàn ngành.

Nguyên nhân xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI liên tục tăng cao là do các doanh nghiệp này mở rộng công suất và xây dựng các nhà máy mới tại Việt Nam nhằm đón đầu cơ hội được giảm thuế từ các hiệp định thương mại tự do.

Trên thực tế, theo các chuyên gia, đã có sự chuyển dịch đơn hàng gia công giày dép từ Trung Quốc sang Việt Nam để tận dụng các lợi thế về nhân công cũng như đón đầu các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do trong vài năm qua.

"Cái gì cũng có sự đánh đổi và rủi ro, chúng ta cũng có thế mạnh nhất định. Về dài hạn phải tăng sức cạnh tranh, còn trong ngắn hạn phải bứt phá nhanh hơn...", Giám đốc Trung tâm thông tin thương mại VCCI TP HCM khuyến cáo.

Như Huỳnh

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.