EVFTA: ‘Tham lợi trước mắt, làm giả xuất xứ là hại cả ngành da giày'
Thị trường EU chiếm khoảng 29% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành da giày trong năm 2018. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Thị trường EU chiếm khoảng 29% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành da giày trong năm 2018.
Đáng chú ý, theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội da-giày-túi-xách Việt Nam (Lefaso), những năm gần đây mức độ quan tâm của nhà đầu tư EU vào Việt Nam đã tăng lên và dự báo khi EVFTA được thực thi, Việt Nam sẽ là điểm đến hấp dẫn hơn nữa với nhà đầu tư từ khu vực này.
- Thưa bà, hiệp định EVFTA đã được ký kết sẽ đem lại những lợi ích gì cho doanh nghiệp da giày ?
Bà Phan Thị Thanh Xuân: Mặc dù hàng năm xuất khẩu vào thị trường EU vẫn tăng trưởng, nhưng tăng chậm, khoảng 5-6%. Bên cạnh đó, kim ngạch tăng nhưng tỷ trọng lại giảm, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này hiện chỉ còn khoảng 28-30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành.
Một trong những nguyên nhân là do suy thoái kinh tế ở thị trường EU cũng như vấn đề Brexit đã tác động đến việc đặt hàng của khách hàng với sản phẩm giày dép của Việt Nam.
Chính vì vậy, khi EVFTA được ký kết và thực thi, theo tôi sẽ giúp thị trường giày dép Việt Nam xuất khẩu vào EU tăng trưởng trở lại.
Hiệp định EVFTA sẽ giúp Việt Nam nhập khẩu được công nghệ sản xuất giày dép tốt từ các nước có nền sản xuất giày dép phát triển như Đức, Italy... đồng thời nhập khẩu được nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất sản phẩm giày dép ở phân khúc trung vào cao cấp.
Đây là những cơi hội tốt cho cả Việt Nam và EU tận dụng được thế mạnh trong lĩnh vực da giày.
- Giá trị xuất khẩu giày dép 5 tháng đầu năm 2019 tại một số nước EU:
- Một trong những yêu cầu của Hiệp định là quy tắc xuất xứ, vậy đến thời điểm này các doanh nghiệp trong ngành đã chuẩn bị những gì và đâu là vấn đề còn tồn tại thưa bà?
Bà Phan Thị Thanh Xuân: Quy tắc xuất xứ trong EVFTA không quá khó khăn với doanh nghiệp Việt Nam bởi ngành da giày Việt Nam từ trước đến nay vẫn được hưởng thuế suất ưu đãi GSP do phí EU dành cho các nước có nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam.
Vì vậy, doanh nghiệp da giày cũng đã phải đáp ứng các quy tắc xuất xứ này từ trước khi đàm phán EVFTA và quy tắc này gần như không thay đổi. Đây là thuận lợi rất lớn cho doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.
Tuy nhiên, vẫn phải có khuyến cáo cho doanh nghiệp là vấn đề gian lận thương mại đối với các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Vì được hưởng những lợi ích hấp dẫn nên khả năng gian lận thương mại và làm giả quy tắc xuất xứ hoàn toàn có thể xảy ra.
Điều này không chỉ gây tổn hại đến một doanh nghiệp làm sai mà tổn hại đến cả cộng đồng doanh nghiệp. Có nghĩa là nếu một doanh nghiệp làm giả quy tắc xuất xứ thì EU có thể áp đặt gian lận thương mại cho cả ngành công nghiệp.
Đây là một thách thức lớn nên hiệp hội và các cơ quan quản lý nhà nước đang có những biện pháp giúp doanh nghiệp nhận thức đầy đủ để tuân thủ chặt chẽ.
Về phía doanh nghiệp, theo tôi phải nâng cao nhận thức, tuân thủ các quy định trong quá trình xuất khẩu, đặc biệt là với doanh nghiệp bắt đầu tham gia xuất khẩu.
Còn đối với doanh nghiệp đã xuất khẩu thành công vào EU thì cần có giải pháp kiểm soát chặt chẽ đối với tất cả các dòng hàng cũng như các đối tác ký kết hợp đồng để tránh trường hợp mượn danh hàng Việt để xuất khẩu.
Cá nhân tôi cũng kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước cần theo dõi chặt chẽ số liệu xuất khẩu, nhất là vấn đề chuyển cảng, nếu thấy có dữ liệu bất thường thì nhanh chóng kiểm tra và kịp thời ngăn chặn.
Bên cạnh đó cũng cần có chính sách cụ thể để ngăn ngừa. Tránh để những vụ việc đã xảy ra rồi gây tổn thất mới có biện pháp, “mất bò mới lo làm chuồng.”
Hiệp hội thấy rằng đây là vẫn đề cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu nghiêm túc. Một mặt tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình xuất khẩu, một mặt vẫn kiểm soát được mới có thể đảm bảo một môi trường minh bạch.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội da giày Việt Nam. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
- Vậy theo bà làm thế nào để vừa thu hút được doanh nghiệp châu Âu đầu tư vào ngành da giày, nhất là sản xuất nguyên phụ liệu mà doanh nghiệp trong nước không mất đi sân nhà?
Bà Phan Thị Thanh Xuân: Mỗi một đối tác đều có điểm mạnh và chúng ta nên biết tận dụng điểm mạnh đó của họ. Ví dụ, EU họ có lợi thế về nguồn vốn, công nghệ, kỹ thuật nhưng khi đầu tư vào Việt Nam họ cần hợp tác với doanh nghiệp sở tại để nắm bắt được thủ tục, văn hóa kinh doanh ở Việt Nam.
Như vậy cần có sự kết hợp hài hòa giữa đôi bên để tận dụng thế mạnh của nhau. Việt Nam có lợi thế về nhân công dồi dào cần phát huy để hợp tác với đối tác EU, từ đó sẽ giúp cả hai phía phát huy và tận dụng được cơ hội.
- Hiện nay, Italy đang tích cực hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành da giày, bà cho biết cụ thể hơn về vấn đề này?
Bà Phan Thị Thanh Xuân: Ngành da giày Việt Nam hiện vẫn bị đánh giá yếu về mặt thiết kế cũng như tiếp cận thị trường. Trong khi đó, Italy được đánh giá là quốc gia mạnh trong phát triển ngành giày dép. Họ đã sang Việt Nam và có dự án hợp tác với Lefaso để phát triển nguồn nhân lực cho ngành da giày.
Cụ thể là việc phát triển đội ngũ thiết kế, quản lý cấp cao và hỗ trợ ngành tiếp cận với công nghệ sản xuất giày dép tiên tiến. Họ chuyển giao dây chuyền sản xuất giày dép hiện đại nhất hiện nay.
Hàng năm, phía đối tác Italy cũng tài trợ cho doanh nghiệp da giày của Việt Nam sang một số thị trường để tiếp cận với công nghệ, mẫu mã thiết kế, xu hướng thời trang và thị hiếu tiêu dùng của người châu Âu.
Theo tôi, những hỗ trợ như thế phần nào đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp và giúp mở cánh cửa cho doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt và vươn ra được thị trường thế giới.
Ngoài ra, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc cũng đang giúp đỡ ngành da giày Việt Nam phát triển công nghiệp hỗ trợ. Bên cạnh đó Nhật Bản cũng có chương trình hỗ trợ cho Việt Nam.
Song song với việc chúng ta ký kết được các hiệp định thương mại tự do với các nước, Chính phủ các nước cũng quan tâm tới việc hỗ trợ kỹ thuật và hỗ trợ những mặt còn yếu kém để thúc đẩy hoạt động thương mại giữa các bên.
Vì vậy, công nghiệp hỗ trợ là điểm yếu của ngành da giày cũng là trọng tâm để các nước tập trung hỗ trợ, trọng tâm của Chính phủ Việt Nam trong thời gian tới. Trong khuôn khổ hợp tác song phương như vậy, các chương trình như hỗ trợ chuyên gia, đào tạo, chuyển giao công nghệ cũng đã được thực hiện và bước đầu mang lại các hiệu quả cho cả hai phía.
Những năm gần đây mức độ quan tâm của nhà đầu tư EU vào Việt Nam đã tăng lên. Tuy nhiên vẫn chưa tạo được sự tăng trưởng đột biến. Tuy vậy tôi cho rằng, khi EVFTA được thực thi, Việt Nam sẽ là thị trường hấp dẫn hơn nữa với nhà đầu tư EU.
- Bà Phan Thị Thanh Xuân nói về xuất khẩu giày dép những tháng đầu năm 2019:
- Trong thời điểm hiện nay, để ngành da giày tận dụng được lợi thế từ các FTA thì cần tập trung vào những chính sách gì, thưa bà?
Bà Phan Thị Thanh Xuân: Theo tôi cần hỗ trợ doanh nghiệp và vấn đề trước tiên là cung cấp thông tin và đào tạo, đây là hai vấn đề rất quan trọng. Do đó cần đa dạng hóa các kênh thông tin để doanh nghiệp tiếp cận nhanh nhất. Tất nhiên, tính chủ động của doanh nghiệp cũng cần phải có.
Khi tiếp cận thông tin rồi những việc thực thi là cả một vấn đề vì nguồn lực rất hạn chế. Do vậy, cần những chính sách để đào tạo và đào tạo trúng và đúng nhu cầu của doanh nghiệp mới tạo ra được động lực và hiệu quả.
Một vấn đề nữa là cần có chương trình Xúc tiến thương mại giúp cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường, tạo ra kết nối mạng lưới trong và ngoài nước để kênh thông tin thông suốt và đầy đủ.
Tất cả những nội dung như vậy rất cần bàn tay của nhà nước để hỗ trợ, tổ chức chương trình cho doanh nghiệp và phía hiệp hội cũng là kênh để giúp doanh nghiệp có thêm các thông tin, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh.
- Xin cảm ơn bà đã trả lời phỏng vấn./.