|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nghỉ Tết kéo dài, xuất khẩu da giày quý 1 vẫn tăng trưởng hai con số

11:45 | 08/04/2019
Chia sẻ
Da giày là ngành hướng ra xuất khẩu là chính, do vậy những thị trường như Mỹ, EU biến động sẽ có tác động rất lớn đối với sức mua và xuất khẩu mặt hàng này.
Nghỉ Tết kéo dài, xuất khẩu da giày quý 1 vẫn tăng trưởng hai con số - Ảnh 1.

Xuất khẩu của ngành da giày tiếp tục tăng trưởng hai con số trong quý 1. (Ảnh: Đức Duy/Vietnamplus/TTXVN)

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội da-giày-túi-xách Việt Nam (Lefaso) cho biết, dù tháng Tết có nhiều ngày nghỉ nhưng kết quả sản xuất và kinh doanh của ngành da giày trong quý 1 tiếp tục đạt tăng trưởng ở mức hai con số.

Thống kê cho thấy, sản lượng giầy, dép da 3 tháng đầu năm 2019 ước đạt 62,9 triệu đôi, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước, trong khi xuất khẩu giầy, dép các loại ước đạt 3,97 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ.

Để hiểu rõ, bà Phan Thị Thanh Xuân đã có một số chia sẻ với VietnamPlus về hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành trong quý 1 cũng như dự báo những tháng tiếp theo.

- Thưa bà, nhìn lại quý 1, theo bà ngành da giày của Việt Nam có gì nổi bật?

Bà Phan Thị Thanh Xuân: Theo thống kê tốc độ tăng trưởng trong tháng Một vẫn ở mức cao, nhất là đối với sản phẩm giầy dép, với mức tăng 12%.

Tuy nhiên, tháng Hai rơi vào dịp Tết nên xuất khẩu có sự suy giảm song vẫn cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Chính vì vậy, tính chung trong quý 1, ngành da giày vẫn đạt kế hoạch đề ra với mức tăng trưởng trên 10%.

- Vừa qua, một số tổ chức đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu khả năng sụt giảm, vậy với ngành da giày đã có sự chuẩn bị như thế nào, đặc biệt là việc Anh rút ra khỏi châu Âu có ảnh hưởng gì?

Bà Phan Thị Thanh Xuân: Da giày là ngành hướng ra xuất khẩu là chính, do vậy những thị trường như Mỹ, EU biến động sẽ có tác động rất lớn đối với sức mua và xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam.

Thường với những động thái như vậy, khách hàng sẽ chững lại để theo dõi tình hình cũng như những biến động của thị trường, chính vì thế sẽ có tác động không nhỏ tới sản xuất của ngành da giày.

Để ứng phó với hoàn cảnh như vậy, vấn đề đầu tiên, phía Hiệp hội luôn có thông tin về tình hình phát triển của ngành giầy dép trên thế giới để cập nhật tới các doanh nghiệp, bởi các doanh nghiệp khi xây dựng chiến lược kinh doanh mà không nắm bắt được xu hướng phát triển của thế giới và biến động của các thị trường lớn có thể chịu những tổn thất.

Điều này được thấy rất rõ khi Anh rút khỏi EU, trong thời gian thông tin này được đưa ra thì các khách hàng gần như chững lại và đơn hàng xuất khẩu vào Anh giảm đi một nửa, tác động này chúng ta thấy rất rõ khi tình trạng Brexit xảy ra.

Với những biến động trên thì việc thông tin cho doanh nghiệp là điều đầu tiên mà Hiệp hội phải làm, quan trọng hơn để không bị động thì cần phải xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với khách hàng vì khách hàng luôn luôn nắm bắt thông tin về thị trường một cách tốt nhất và có phản ứng nhanh nhất.

Chính vì thế mà đơn hàng của các kỳ tiếp theo sẽ phụ thuộc rất nhiều vào tình trạng biến động kinh tế. Hiện nay, vụ Xuân-Hè đơn hàng gần như được ký kết xong còn vụ mùa Thu-Đông phải chờ một thời gian nữa thì các khách hàng sẽ đặt tiếp.

Nghỉ Tết kéo dài, xuất khẩu da giày quý 1 vẫn tăng trưởng hai con số - Ảnh 2.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Lefaso. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

- Hiệp định Đối tác toàn diện Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được ký kết, vậy hiệp định đã có tác động như thế nào đối với ngành chưa, thưa bà?

Bà Phan Thị Thanh Xuân: Theo thông tin chúng tôi nhận được từ phía doanh nghiệp khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực đã thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp.

Trong đó, hai thị trường được kỳ vọng sẽ có sự tăng trưởng tốt đó là Canada và Mexico, bởi hai thị trường này Việt Nam vẫn chưa có hiệp định thương mại tự do (FTA) …

Bên cạnh đó, Hiệp hội đánh giá, khách hàng từ các thị trường trên cũng rất quan tâm tới các sản phẩm giầy dép túi xách của Việt Nam. Do đó, đây sẽ là điều kiện thuận lợi để chúng ta đẩy mạnh giao thương xuất nhập khẩu giữa các nước.

- Vậy doanh nghiệp cần chuẩn bị như thế nào để tăng thị phần tại những thị trường này?

Bà Phan Thị Thanh Xuân: Với doanh nghiệp trong nước, việc đầu tiên là phải nắm bắt thông tin. Bởi khi gia nhập CPTPP, doanh nghiệp cũng phải tuần thủ nhiều yêu cầu, như tiêu chuẩn kỹ thuật.

Doanh nghiệp nào quen với xuất khẩu rồi có thể thực hiện được nhưng với doanh nghiệp chủ yếu làm trong nước thì khi thị phần mở rộng cần phải nắm bắt thông tin kỹ lưỡng, sau đó là thực hiện và tuân thủ một cách chặt chẽ đầy đủ các quy định của thị trường mới có thể xuất khẩu thành công.

Do vậy, theo tôi một mặt doanh nghiệp cần nâng cao việc nắm bắt thông tin và tiếp đến là cần có sự đào tạo. Bởi nếu không đào tạo cũng sẽ rất khó khăn trong thực hiện từ những điều rất nhỏ như khai form cho đúng để hưởng ưu đãi, đến việc làm thế nào để thu thập giấy chứng nhận xuất xứ chính xác mới có thể thực hiện được thành công các đơn hàng.

Quá trình đó rất phức tạp, khó khăn với các doanh nghiệp chưa bao giờ thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu.

- Xuất khẩu giầy dép sang một số thị trường trong 2 tháng đầu năm:

- Vậy Hiệp hội có kế hoạch giúp đỡ gì cho doanh nghiệp?

Bà Phan Thị Thanh Xuân: Hiệp hội sẽ đẩy mạnh khâu cung cấp thông tin và đào tạo, tổ chức các buổi tập huấn phối hợp với các cơ quan chuyên ngành triển khai cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó chúng tôi cũng thu thập kiến nghị của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện để trình Bộ Công Thương tháo gỡ kịp thời cho doanh nghiệp cũng như luôn sát sao với doanh nghiệp để nắm bắt tình hình thị trường tốt hơn.

- Xin cảm ơn bà./.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Lefaso nói về xuất khẩu da giày quý 1


Đức Duy