Ngân hàng Nhà nước đề xuất 9 bước xử lý TCTD yếu kém
Các giải pháp đề xuất theo hai hướng, một là giữ nguyên hiện trạng pháp luật hiện hành, hai là bổ sung quy định định cụ thể về quy trình xử lý các tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém.
Với đề xuất thứ hai, NHNN đưa ra 9 bước để xử lý các TCTD yếu kém. Cụ thể:
+ Bước 1: Phát hiện TCTD yếu kém và xem xét đặt TCTD này vào kiểm soát đặc biệt.
+ Bước 2: Đặt TCTD yếu kém vào tình trạng kiểm soát đặc biệt.
+ Bước 3: Ban Kiểm soát đặc biệt (BKSĐB) chỉ đạo TCTD thuê hoặc trực tiếp thuê tổ chức kiểm toán độc lập đánh giá thực trạng tổng thể của TCTD được kiểm soát đặc biệt.
+ Bước 4: NHNN (hoặc cấp có thẩm quyền) lựa chọn phương án xử lý TCTD yếu kém (củng cố, phục hồi hoặc xử lý pháp nhân...).
+ Bước 5a: BKSĐB chỉ đạo các TCTD được đặt vào kiểm soát đặc biệt xây dựng phương án củng cố phục hồi (bao gồm cả phương án tăng vốn, thời hạn thực hiện phương án tăng vốn - nếu có).
+ Bước 5b: BKSĐB chỉ đạo các TCTD được đặt vào kiểm soát đặc biệt xây dựng phương án xử lý pháp nhân theo các biện pháp tự nguyện (sáp nhập, hợp nhất, bán, giải thể...).
Trường hợp không xây dựng, thông qua được phương án trong thời hạn quy định thì thực hiện theo Bước 8.
+ Bước 6: NHNN thông qua phương án 5a (hoặc 5b) theo đề nghị của BKSĐB.
+ Bước 7a: Thực hiện phương án 5a.
Hết thời hạn (bao gồm thời gian gia hạn nếu có) thực hiện phương án 5a mà không phục hồi được thì NHNN có quyết định chấm dứt thực hiện phương án củng cố, phục hồi 5a và yêu cầu TCTD xây dựng PA xử lý pháp nhân 5b (Việc xây dựng và thông qua Phương án 5b thực hiện theo Bước 5 quy trình này) hoặc chuyển sang thực hiện bước 8.
+ Bước 7b: Thực hiện phương án 5b. Hết thời hạn không thực hiện được chuyển sang bước 8.
+ Bước 8: NHNN trình cấp có thẩm quyền quyết định việc NHNN trực tiếp mua bắt buộc hoặc phá sản đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt trong các trường hợp sau: (i) TCTD không có khả năng hoặc không thực hiện việc tăng vốn theo phương án 5a; (ii) Không thực hiện được 5a, 5b trong thời hạn quy định; (iii) Việc mua lại chỉ thực hiện với điều kiện: ảnh hưởng an toàn hệ thống; đánh giá có khả năng phục hồi khi được áp dụng các biện pháp hỗ trợ của NHNN.
+ Bước 9a: Thực hiện phương án mua bắt buộc bao gồm các quy định về: Chủ thể mua, Hình thức mua; Nguồn tài chính để mua; Phương thức, quy trình mua; Giá mua; Các biện pháp quản lý, xử lý, hỗ trợ phục hồi TCTD sau khi mua bắt buộc; Phương thức xử lý sau khi phục hồi (thoái vốn, chuyển nhượng, bán ....)
+ Bước 9b: Thực hiện phương án phá sản
Theo đánh giá của NHNN, Luật các TCTD 2010, Luật NHNN Việt Nam và các văn bản hướng dẫn hiện hành chưa làm rõ các khâu, các bước (kèm theo các sự kiện pháp lý để chuyển các bước xử lý khác nhau), đồng thời cũng không dứt điểm xử lý được các TCTD yếu kém nếu các cổ đông của TCTD đó không hợp tác hoặc cố tình kéo dài thời gian xử lý trách nhiệm tài chính.
Bên cạnh đó, quy định hiện hành chưa quy định rõ về đánh giá thực trạng tổng thể về tài chính, hoạt động, quản lý, điều hành của TCTD trước khi xây dựng phương án củng cố và phục hồi. Mặt khác, pháp luật hiện hành cũng chưa quy định cụ thể thời điểm NHNN yêu cầu chủ sở hữu tăng vốn, kế hoạch tái cơ cấu hoặc bắt buộc sáp nhập, hợp nhất, mua lại đối với TCTD bị kiểm soát đặc biệt, nếu chủ sở hữu không có khả năng hoặc không thực hiện việc tăng vốn…
Về tác động kinh tế, NHNN cho rằng, việc xử lý TCTD yếu kém theo quy định hiện nay còn chậm trễ, chưa hiệu quả, gia tăng chi phí xử lý, tăng rủi ro tiềm ẩn cho sự an toàn của hệ thống các TCTD và quyền lợi người gửi tiền.
Bên cạnh đó, tính minh bạch trong xử lý hoạt động của các TCTD yếu kém chưa cao, các cổ đông lớn có vi phạm nhưng không nhận thấy rõ hậu quả pháp lý cũng như hậu quả tài chính mà họ phải gánh chịu, dẫn đến tình trạng chây ỳ, không hợp tác, kéo dài thời gian xử lý…Ngoài ra, là tâm lý người gửi tiền bị ảnh hưởng, dẫn tới việc rút tiền hàng loạt tại một số TCTD.