|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

TOP 10 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất 9 tháng đầu năm 2023

07:00 | 06/11/2023
Chia sẻ
Tương tự như xu hướng trong quý II, tỷ lệ nợ xấu của phần lớn ngân hàng đều tiếp tục tăng trong quý III. Bac A Bank, ACB và Vietcombank là ba nhà băng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất vào cuối tháng 9.

 

Đồ họa: Vân Miên.

Theo tổng hợp từ 28 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính, tỷ lệ nợ nợ xấu của tất cả các nhà băng đều tăng so với cuối năm 2022. Tuy nhiên, nếu so với quý II, có 7 ngân hàng ghi nhận tỷ lệ nợ xấu cải thiện, bao gồm VietABank, Saigonbank, PG Bank, Eximbank, ABBank, BaoViet Bank và VPBank.

Bac A Bank tiếp tục là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất, ở mức 0,77%, tăng 0,22 điểm % so với cuối năm 2022. ACB vươn lên vị trí thứ hai với tỷ lệ nợ xấu đạt 1,2%, tăng 0,46 điểm % so với cuối năm ngoái.

Vietcombank tụt xuống vị trí thứ ba khi chất lượng tài sản sụt giảm nhanh trong quý III. Riêng trong quý vừa qua, Vietcombank đã ghi nhận tỷ lệ nợ xấu tăng từ 0,83% lên 1,21%, tương đương với 0,38 điểm % . Kể từ đầu năm đến nay, tỷ lệ nợ xấu của Big4 này đã tăng thêm 0,53%. 

Tỷ lệ nợ xấu nội bảng được tính bằng tỷ lệ của tổng số dư nợ từ nhóm 3 đến nhóm 5 trên tổng cho vay khách hàng của ngân hàng.

Chất lượng tài sản của Techcombank, nhà băng đứng thứ 4 trong bảng xếp hạng, cũng giảm trong quý III, khi tỷ lệ nợ xấu đạt 1,36%, tăng 0,19 điểm % so với quý liền trước và 0,64 điểm % so với đầu năm.

Những vị trí còn lại trong top 10 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất vào cuối quý III gồm: VietinBank, BIDV, VietABank, SeABank, MB và Kienlongbank.

So với quý II, thứ hạng của nhóm Big4 đã có sự cải thiện đáng kể, trong khi các ngân hàng thương mại cổ phần như TPBank, Sacombank hay LPBank đã  rời khỏi top 10. 

Tính chung cho 28 ngân hàng, tỷ lệ nợ xấu đã đạt 2,25% vào cuối quý III, tăng 0,18 điểm % so với cuối quý II và 0,63 điểm % so với đầu năm. 

Tại chương trình Bàn tròn đầu tư ngày 2/11, ông Trần Ngọc Báu, Tổng Giám đốc CTCP Dữ liệu và Công nghệ Tài chính WiGroup, cho biết mặc dù nợ xấu đang gia tăng, các ngân hàng lại có xu hướng giảm dự phòng rủi ro.

Chuyên gia nhận định rằng các ngân hàng cố gắng điều chỉnh chi phí dự phòng và chi phí khác để duy trì lợi nhuận. Tuy nhiên, "có gồng đến mấy sẽ đến lúc phải bung ra, phải đưa vào chi phí”, ông Báu cho biết. Do đó, lợi nhuận ngành ngân hàng trong quý IV được dự báo sẽ giảm sâu khi các khoản chi phí tăng cao. 

 

Minh Quang