Chuyên gia: Nợ xấu tăng nhanh, cần hỗ trợ ngân hàng xử lý để có dòng tiền tái tục cho vay
Tỷ lệ nợ xấu gia tăng của các ngân hàng trong quý III phản ánh chân thực nhất về những khó khăn trong nền kinh tế. Theo thống kê, nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng tăng 52% trong quý III, trong đó một số ngân hàng thương mại thậm chí gia tăng tỷ lệ nợ xấu gấp 2 đến 3 lần gây lo ngại rủi ro của nền kinh tế.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cập nhật đến tháng 7/2023 cho thấy tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 3,56%, cao hơn mức 2% cuối năm 2022 và mức 1,69% cuối năm 2020. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho Công ty TNHH Một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chưa xử lý và nợ tiềm ẩn của hệ thống các tổ chức tín dụng ở mức 6,16% so với tổng dư nợ.
Phát biểu tại một sự kiện mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết công tác xử lý nợ xấu vẫn gặp nhiều khó khăn do các doanh nghiệp đang chịu tác động tiêu cực từ môi trường bên ngoài làm suy giảm khả năng trả nợ. Khuôn khổ pháp lý liên quan đến cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu chưa được hoàn thiện, thiếu các cơ chế và chính sách ưu đãi, khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia xử lý tài sản bảo đảm và mua bán nợ xấu.
Đáng chú ý, Thống đốc cho biết thị trường bất động sản tiếp tục tình trạng thanh khoản thấp, gây khó khăn trong việc xử lý tài sản bảo đảm. Tỷ lệ nợ xấu của lĩnh vực bất động sản đang có chiều hướng gia tăng so với thời điểm cuối năm trước (tháng 7/2022 là 1,8%, tháng 7/2023 là 2,58%).
Doanh nghiệp khó khăn, nợ xấu gia tăng là tất yếu
Nợ xấu đang tiếp tục gia tăng, nguyên nhân lớn nhất được cho là do khó khăn của các doanh nghiệp. Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư Ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam phân tích, hiện khó khăn của doanh nghiệp đến từ rất nhiều phía, khó khăn từ thị trường thế giới và trong nước.
Trong đó có yếu tố xuất phát từ đại dịch COVID-19 và các cuộc xung đột Nga – Ukraine hay gần đây là xung đột tại Trung Đông đẩy phí nguyên liệu lên rất cao, làm tăng chi phí của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, sau đại dịch sức cầu chung của thế giới cũng như sức cầu của việt Nam rất yếu bởi doanh nghiệp suy yếu, thu nhập của người dân cũng giảm. Điều này đang tạo ra môi trường hết sức khó khăn không chỉ với các doanh nghiệp trong nước mà còn với các doanh nghiệp nước ngoài.
"Đại dịch kéo dài sẽ dẫn đến tình trạng đứt gãy, ngưng trệ dẫn đến tình trạng dòng tiền của doanh nghiệp bị cạn kiệt dần. Thông thường, sau đại dịch kéo dài sẽ là khủng hoảng nợ, đây cũng là nguyên nhân khiến nợ xấu của hệ thống ngân hàng gia tăng", ông Quỳnh cho biết.
Để xử lý tình trạng trên, Tổng thư ký Hiệp hội Trái phiếu đề xuất cần có các cơ chế, chính sách phân loại đánh giá đúng đối với các loại hình doanh nghiệp để có chính sách hỗ trợ kịp thời.
Nếu không có những chính sách hỗ trợ phù hợp thì không chỉ các doanh nghiệp yếu mà ngay cả cá doanh nghiệp tốt cũng rơi vào tình trạng khó khăn, ông Quỳnh cho biết.
Đồng quan điểm nợ xấu ngân hàng gia tăng xuất phát từ bối cảnh khó khăn của nền kinh tế và các doanh nghiệp, chuyên gia Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng lại cho rằng, đây là điều tất yếu bởi chu kỳ kinh tế đang đi xuống.
Sự suy thoái của một số ngành hàng sản xuất công nghiệp, xuất khẩu hay những "cơn gió ngược" từ thị trường quốc tế là những yếu tố khiến doanh nghiệp rơi vào tình cảnh khó khăn.
Doanh nghiệp đã chống đỡ suốt giai đoạn COVID-19 rồi lại gặp phải bối cảnh lạm phát tăng khiến các ngân hàng trung ương tăng lãi suất cộng thêm tổng cầu thế giới, tổng cầu trong nước suy giảm khiến đầu ra khó khăn. Khi đầu ra khó khăn, dòng tiền không có thì chắc chắn nợ xấu gia tăng, chuyên gia Phạm Xuân Hoè phân tích.
4 yếu tố cần lưu ý để ứng phó với nợ xấu ngân hàng
Theo chuyên gia Phạm Xuân Hoè, nợ xấu gia tăng là điều tất yếu nhưng vấn đề là ở chỗ chúng ta ứng xử với nó như thế nào. "Không nên quá lo ngại về câu chuyện nợ xấu gia tăng nhưng cũng cần xem xét kỹ 4 yếu tố để có những ứng phó kịp thời", ông nói.
Thứ nhất, là câu chuyện trích lập dự phòng rủi ro và câu chuyện bao nợ xấu của các ngân hàng thương mại. Tất nhiên tỷ lệ bao phủ nợ xấu mới chỉ dự phòng cho nợ xấu ở hiện tại chứ không phải toàn bộ nợ xấu trong tương lai.
Vì vậy, các ngân hàng phải gia tăng áp lực trích lập dự phòng rủi ro, điều này có thể làm các ngân hàng thương mại suy giảm rất lớn về lợi nhuận nhưng đây là điều đương nhiên. Để xử lý vấn đề này, NHNN cũng đã cho giãn thời gian ra trong hai năm, mỗi năm 50% làm giảm áp lực cho các ngân hàng.
Thứ hai, nợ xấu tăng lên thì rõ ràng cơ hội tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp sẽ mất đi. Bởi vì, khi doanh nghiệp có nợ xấu nhảy sang nhóm 3 thì theo quy định sẽ không được cấp tín dụng nữa. Câu chuyện này được NHNN tạm xử lý bằng Thông tư cho phép giãn hoãn nợ cho các doanh nghiệp. Nhưng nếu đã cho phép doanh nghiệp cơ cấu lại nợ mà vẫn tiếp tục rơi vào nợ xấu thì buộc phải chấp nhận.
Thứ ba là câu chuyện xử lý nợ xấu của các ngân hàng thương mại. Tại kỳ họp thứ 6 lần này, Quốc hội có thể sẽ thông qua Luật Các Tổ chức tín dụng sửa đổi, trong đó có một chương về vấn đề xử lý nợ xấu.
Theo chuyên gia, việc sửa đổi quy định về xử lý nợ xấu cần tăng cường hơn nữa quyền của chủ nợ. Các cơ quan quản lý cần phải vào cuộc, bởi vì bảo vệ hệ thống ngân hàng thương mại lành mạnh chính là bảo vệ sự lành mạnh, phát triển của nền kinh tế.
"Nếu chúng ta không ủng hộ các ngân hàng thương mại xử lý nợ xấu thì sẽ rất khó để họ có nguồn tiền quay trở lại để tiếp tục cho vay", ông Hoè nói.
Thứ tư, cần phải hình thành thị trường mua bán nợ xấu của Việt Nam một cách minh bạch và phải chấp nhận nguyên tắc thị trường một cách đơn giản.
"Ví dụ khoản nợ 1 tỷ đồng, đã thu nợ được 300 triệu đồng, trích lập dự phòng rủi ro được 350 triệu thì có thể bán khoản nợ với giá 350 triệu đồng. Đây là mức giá bình thường để xử lý nợ xấu. Như vậy, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế họ nhìn thấy cơ hội phục hồi từ việc tăng giá tài sản thì họ mới tham gia", ông Hoè lấy ví dụ.
Theo ông, cần cho hành lang pháp lý đối với câu chuyện mua bán nợ xấu, tạo động lực cho thị trường phát triển. Thêm nữa, dịch vụ đòi nợ thuê cần minh bạch và được kiểm soát. Các dịch vụ mua bán nợ, đòi nợ thuê cần được phát triển một cách chuyên nghiệp dựa theo các hành lang pháp lý của Chính phủ để hỗ trợ các ngân hàng thương mại trong xử lý nợ xấu.