|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đại biểu lo ngại tăng trưởng tín dụng vào bất động sản gây nợ xấu

16:49 | 31/10/2023
Chia sẻ
Trước tình trạng tăng trưởng tín dụng mới đạt hơn 6% thấp hơn nhiều mục tiêu đề ra, một số đại biểu Quốc hội kiến nghị Chính phủ nêu rõ số tăng trưởng tín dụng từng lĩnh vực là bao nhiêu và lo ngại nếu tăng trưởng tập trung vào lĩnh vực bất động sản trong giai đoạn này sẽ kéo theo gia tăng nợ xấu.

Chiều 31/10, Quốc hội họp thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội về kết quả thực hiện giữa nhiệm kỳ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 – 2025, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 2021 – 2025, kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội...

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Hải Dương cho biết vượt qua nhiều thách thức, kinh tế xã hội năm 2023 tiếp tục có bước hồi phục tích cực.

Đồng tình với 12 nhóm giải pháp chủ yếu Chính phủ đưa ra trong năm 2024 và thời gian tới, tuy nhiên, đại biểu cũng yêu cầu Chính phủ cần có giải pháp và lộ trình thực hiện cụ thể hơn trên cơ sở phân tích, đánh giá rõ nguyên nhân dẫn đến các khó khăn.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội).

Về tăng trưởng tín dụng và nợ xấu nội bảng, đại biểu cho biết, tăng trưởng tín dụng đến 11/10/2023 đạt 6,29% so với năm 2022, chậm hơn so với cùng kỳ, tỷ lệ nợ xấu nội bảng cao hơn mục tiêu đề ra.

Tuy nhiên, báo cáo chưa nêu rõ số tăng trưởng tín dụng từng lĩnh vực là bao nhiêu, trường hợp tăng trưởng tập trung vào bất động sản trong giai đoạn này sẽ kéo theo gia tăng nợ xấu.

Nguyên nhân là do bối cảnh phần cung bất động sản đang dư thừa, thị trường bất động sản đang trầm lắng, niềm tin vào thị trường bất động sản sụt giảm.

Đại biểu đề nghị Chính phủ cần phân tích, làm rõ vấn đề này, từ đó cân nhắc kỹ lưỡng việc nới lỏng điều kiện cho vay, có các giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng, kiểm soát tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Thị trường vốn có dấu hiệu không ổn định

Đại biểu Trần Chí Cường, Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội).

Đại biểu Trần Chí Cường, Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng thì nhấn mạnh trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế có nhiều biến động khó lường, nhiều yếu tố rủi ro, đại biểu cho rằng có nhiều khó khăn thách thức trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm tới.

Đại biểu kiến nghị Chính phủ cần đánh giá toàn diện tình hình, “bắt mạch, chẩn bệnh, kê đơn” cho phù hợp, có những chính sách, biện pháp đủ mạnh, đảm bảo tính khả thi hoàn thành các mục tiêu đặt ra.

Tăng trưởng tín dụng đến tháng 9/2023 chỉ tăng 5,91% so với cuối năm 2022. Nền kinh tế đang khát vốn nhưng khó hấp thụ vốn, dù ngân hàng nhà nước đã 4 lần điều chỉnh lãi suất điều hành.

Điều này cho thấy tình hình sản xuất, kinh doanh đang đối mặt với nhiều khó khăn, đồng thời, khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp cũng gặp nhiều trở ngại, đại biểu nhận định và cho biết cơ chế cho vay phức tạp, làm giảm sức hấp dẫn của việc vay vốn, thị trường vốn, thị trường cổ phiếu có dấu hiệu không ổn định. 

Đại biểu cũng cho rằng, chính sách hỗ trợ lãi suất 2% một năm không khả thi, chỉ giải ngân được rất ít. Hoạt động của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, khó tiếp cận nguồn vốn, nhất là các doanh nghiệp bất động sản.

"Đề nghị Chính phủ cần xem xét, đánh giá lại cơ chế, thủ tục cho vay cũng như việc quản lý định hướng tín dụng đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh đóng góp cho phát triển kinh tế, thúc đẩy sự phục hồi nhanh chóng và phát triển bền vững trong tương lai", đại biểu Cường nói.

Đại biểu Dương Văn Phước - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội).

Nhấn mạnh tình trạng các doanh nghiệp đang thiếu vốn nghiêm trọng, đại biểu Dương Văn Phước - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam nêu lên thực tế của tỉnh Quảng Nam, các doanh nghiệp trong địa bàn tỉnh hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, mặc dù Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ và đồng hành.

Tuy nhiên áp lực về thuế, biến động giá cả, khả năng tiếp cận vốn… đã tạo thành những thách thức lớn cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ….

Vì vậy,đại biểu Dương Văn Phước mong muốn Nhà nước tiếp tục quan tâm đến những khó khăn hiện nay của doanh nghiệp, có những chính sách kịp thời, thiết thực hơn cho doanh nghiệp. Hiện các doanh nghiệp đang thiếu vốn nghiêm trọng. 

Bên cạnh đó, Chính phủ cần thiết kế gói tín dụng phục vụ cho sản xuất kinh doanh, trước mắt là cần tập trung khơi thông các nguồn vốn từ ngân hàng thông qua việc tiếp tục hạ lãi suất và nới lỏng các điều kiện cho vay vốn cũng như tiếp tục đồng hành, chia sẻ những rủi ro đối với doanh nghiệp, đại biểu kiến nghị.

Hạ An