|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Nợ xấu ngân hàng tiếp tục tăng mạnh trong khi bộ đệm dự phòng ngày một mỏng

08:07 | 14/11/2023
Chia sẻ
Mặc dù nợ xấu tiếp tục tăng mạnh trong quý III nhưng dự phòng rủi ro lại không tăng tương xứng khiến tỷ lệ bao phủ nợ xấu ngân hàng sụt giảm. Bộ đệm dự phòng rủi ro suy yếu có thể tạo ra áp lực trong những quý tiếp theo.

Nợ xấu ngân hàng tăng mạnh

Theo dữ liệu từ WiChart, tổng số dư nợ xấu nội bảng tính đến cuối quý III của nhóm ngành ngân hàng là gần 210.000 tỷ đồng, tăng 9,3% so với cuối quý liền trước và 52,7% so với cuối năm ngoái.Tỷ lệ nợ xấu toàn ngành tiếp tục tăng lên mức 2,25%, tăng 0,64 điểm % so với cuối năm ngoái. 

Nợ cần chú ý (nợ nhóm 2) đã có sự cải thiện so với hai quý liền trước, tuy nhiên vẫn tăng tới 38,2% nếu so với thời điểm cuối năm 2022.

 

Theo đánh giá của các chuyên gia phân tích, nợ xấu của ngân hàng tăng lên do nền kinh tế không thuận lợi. Ngoài ra, tình trạng trì trệ của thị trường bất động sản hiện nay có thể dẫn tới tình trạng hình thành nợ xấu trong các khoản cho vay mua nhà. 

Chứng khoán KB (KBSV) dự báo tỷ lệ nợ xấu sẽ đạt đỉnh trong quý III và dần cải thiện trong khi đó Chứng khoán Vietcap cho rằng nợ xấu ngân hàng sẽ đạt đỉnh trong vòng từ một đến hai quý tới. 

Các nhà phân tích Vietcap chỉ ra rằng những ngân hàng tập trung vào mảng bán lẻ ghi nhận sự suy giảm trong chất lượng tài sản cao nhất. Những nhà băng như VPBank, VIB, HDBank hay TPBank có số liệu nợ xấu cao do sở hữu danh mục cho vay bán lẻ như cho vay mua nhà, mua ô tô và thẻ tín dụng chiếm tỷ trọng lớn. 

Ngoài ra, Vietcap nhận định rằng mức nợ xấu cao tại VPBank và HDBank một phần đến từ chất lượng tài sản của các công ty tài chính tiêu dùng bị ảnh hưởng do suy thoái kinh tế, nhất là đến những khách hàng có thu nhập thấp và trung bình. Đây là nhóm khách hàng dễ gặp khó khăn về mặt tài chính. 

Ngoài ra, mặc dù FE Credit đã trong quá trình tái cơ cấu và bắt đầu có lãi nhẹ trong quý III, nhưng Vietcap cho biết tỷ lệ nợ xấu của công ty này vẫn đang duy trì ở mức cao.

Bộ đệm dự phòng mỏng đi

Số dư dự phòng rủi ro đang không theo kịp tốc độ gia tăng của nợ xấu. Theo dữ liệu từ WiChart, số dư dự phòng rủi ro vào cuối quý III/2023 của các ngân hàng niên yết ở mức 196.550 tỷ đồng, tăng 16,6% so với đầu năm. Trong khi đó, số dư nợ xấu lại tăng 52,7%, lên gần 210.000 tỷ đồng. 

Điều đó dẫn đến tỷ lệ bao phủ nợ xấu của những ngân hàng trên đã giảm từ 123% vào cuối năm 2022 xuống còn 94% vào cuối quý III/2023. Vào quý I/2022, tỷ lệ bao phủ nợ xấu từng đạt đỉnh là 148%.

Các ngân hàng không bắt buộc phải trích lập toàn bộ 100% nợ xấu. Tuy nhiên, nếu chất lượng tài sản vẫn tiếp tục xấu đi áp lực dự phòng chắc chắn sẽ tăng lên trong các quý tiếp theo.

 

Hiện nay, nhờ Thông tư 02 được ban hành vào đầu năm 2023, áp lực từ trích lập dự phòng lên lợi nhuận của ngành ngân hàng được giảm bớt đôi chút. Theo thông tư, các ngân hàng được trích lập dần chi phí dự phòng trong thời hạn hai năm thay vì trích lập toàn bộ. 

"Áp lực dự phòng nợ xấu trong một đến ba quý tới chắc chắn sẽ có", ông Trần Ngọc Báu, Tổng Giám đốc CTCP Dữ liệu và Công nghệ Tài chính WiGroup, cảnh báo. 

Giảm dự phòng để "gồng" lãi?

Theo ông Trần Ngọc Báu, khi thu nhập không tăng được, để không ảnh hưởng tới lợi nhuận, các ngân hàng đang cố gắng tiết giảm chi phí. 

Trong quý III, dù nợ xấu tiếp tục gia tăng, nhiều ngân hàng lại lựa chọn giải pháp giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng để duy trì lợi nhuận. Theo dữ liệu từ WiChart, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của các ngân hàng niêm yết trong quý III là gần 30.500 tỷ đồng, giảm 1% so với quý liền trước và giảm 0,9% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi chất lượng tài sản đang xấu đi nhanh chóng.

 

Trong báo cáo về ngành ngân hàng quý III, các chuyên gia phân tích của Chứng khoán Vietcap cũng cho rằng ngân hàng có thể đã sử dụng bộ đệm dự phòng để giảm bớt áp lực dự phòng trong bối cảnh biên lãi thuần (NIM) giảm mạnh. 

Trong quý III/2023, cả thu nhập lãi thuần và thu nhập ngoài lãi của Sacombank đều đi xuống so với cùng kỳ. Tuy nhiên, ngân hàng vẫn ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng hơn 36% nhờ chi phí dự phòng giảm sâu gần 66%.

Saigonbank cũng lấy lại đà tăng trưởng lợi nhuận nhờ cắt giảm một nửa chi phí dự phòng mặc dù nhiều mảng kinh doanh kém sắc. Hay Kienlongbank cũng giảm tới 80% chi phí dự phòng trong quý III để thu hẹp đà giảm của lợi nhuận xuống còn 9,7% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia việc cắt giảm chi phí dự phòng để bù lại phần giảm thu nhập từ các mảng hoạt động kinh doanh chính sẽ không duy trì được lâu dài và sẽ tới lúc phải "bung ra".

“Các ngân hàng đang gồng để duy trì lợi nhuận và không ảnh hưởng tới giá cổ phiếu... Nhưng mà có gồng đến mấy sẽ đến lúc phải bung ra, phải đưa vào chi phí”, ông Trần Ngọc Báu nói.

Minh Quang

Vàng, đô và lãi suất: Ý nghĩa như thế nào với kinh tế Việt Nam?
Tỷ giá USD/VND đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức mất giá bình quân dưới 3,5% trong gần 1 thập kỷ. Điều này đã gây sức ép lớp lên các nhà điều hành phải đưa ra một loạt các chính sách kết hợp nhằm ngăn chặn sự giảm giá của đồng VND, tạo ra những tác động nhất định lên thị trường tài chính.