Dự báo ngành ngân hàng nửa cuối 2023: Nhóm Big4 có lợi thế về NIM, áp lực nợ xấu được trì hoãn đến 2024
Lợi nhuận ngân hàng giảm tốc, tăng trưởng tín dụng dự báo ở mức 12-14%
Trong báo cáo phân tích ngành ngân hàng công bố mới đây, Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS) dự báo rằng lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ giảm tốc trong năm 2023 với tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 10-12%, trong đó có sự phân hóa về triển vọng lợi nhuận giữa các nhóm ngân hàng.
Một số ngân hàng thuộc nhóm quy mô nhỏ có thể ghì nhận suy giảm mạnh về tăng trưởng lợi nhuận trong 2023. Thực tế này cũng phản ánh trong kế hoạch kinh doanh 2023 với mục tiêu tăng trưởng tương đối thận trọng của các ngân hàng. Đa phần đều chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 10-15% và thấp hơn mức tăng trưởng 32–35% trong giai đoạn 2021 2022.
Các chuyên gia phân tích dự báo tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn ngành ở mức 12%-14% trong năm 2023 khi lãi suất cho vay tăng mạnh vào cuối 2022 chỉ mới được điều chỉnh vào cuối quý I/2023 trên nền tăng trưởng tín dụng thấp. Trong khi đó, các rủi ro liên quan trái phiếu doanh nghiệp và BĐS cùng bất ổn chính trị trên thế giới vẫn tiếp diễn, đồng thời NHNN vẫn luôn phải hết sức chú ý giữ ổn định vĩ mô (lạm phát, tỷ giá).
Những ngân hàng có phương án nhận chuyển giao bắt buộc sẽ được ưu tiên hạn mức tín dụng cao hơn trung bình ngành. Đồng thời, các ngân hàng cũng có xu hướng giảm tỷ trọng nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường trái phiếu kém lạc quan.
Trong nửa đầu năm 2023, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ở mức thấp hơn cùng kỳ năm trước do lãi suất còn cao làm chậm lại nhu cầu của nhóm khách hàng đủ điều kiện giải ngân. Các chuyên gia phân tích kỳ vọng sang nửa cuối năm, động thái từ NHNN kỳ vọng sẽ giúp lãi suất hạ nhiệt kéo tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn ngành cải thiện hơn.
Tính đến hết quý II, tăng trưởng huy động vẫn rất chậm (3,3%) so với tín dụng (4,73%) trong đó động lực chủ yếu đến từ tiền gửi khách hàng cá nhân (tăng 8%) trong khi tiền gửi khách hàng doanh nghiệp giảm (5%).
Các ngân hàng quốc doanh có ưu thế về ổn định NIM
Theo VPBankS, trong giai đoạn năm 2022, đặc biệt vào nửa cuối năm, cùng với các điều chỉnh quyết liệt về chính sách tiền tệ, cũng như ảnh hưởng kém tích cực từ thị trường trái phiếu, mức nền lãi suất huy động tăng cao trong bối cảnh thanh khoản căng thẳng.
Lãi suất huy động bắt đầu giảm từ quý I/2023 nhưng do độ trễ của kỳ hạn nên chưa thể phản ánh tích cực ngay vào chi phí vốn (COF) của ngân hàng. Cùng với CASA không khả quan, chênh lệch giữa tỷ suất sinh lời và chi phí vốn bị thu hẹp đáng kể dẫn đến áp lực lên biên lãi thuần (NIM).
NIM bị thu hẹp nhiều hơn vào quý II/2023 ở hầu hết các ngân hàng, chỉ riêng Sacombank tăng trưởng NIM không bị ảnh hưởng. Các ngân hàng vẫn giữ được mức NIM ổn định và tăng trưởng nhẹ là các ngân hàng quốc doanh với lợi thế chi phí vốn rẻ.
Tỷ suất biên lãi thuần (NIM) của các ngân hàng cũng đã giảm trong nửa đầu năm 2023 nhưng được cho là sẽ tạo đáy trong quý II và dự kiến sẽ cải thiện trong quý III và quý IV nhờ các chính sách hỗ trợ từ cơ quan quản lý.
Mức độ thu hẹp của NIM thể hiện rõ ràng hơn ở nhóm ngân hàng quy mô nhỏ gặp khó khăn về thanh khoản, trong khi nhóm ngân hàng có lợi thế về CASA, tiếp cận được nguồn vốn offshore giá rẻ sẽ chịu ít áp lực hơn.
Áp lực nợ xấu được trì hoãn
Nợ xấu có xu hướng gia tăng có kiểm soát do sự đóng băng của thị trường bất động sản và sức khỏe tài chính của doanh nghiệp và người vay tiền có xu hưởng yếu đi trong môi trường lãi suất cao, tuy nhiên sẽ có sự phân hóa.
Nợ xấu của hầu hết ngân hàng niêm yết đều tăng mạnh trong nửa đầy năm trong khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) lại suy giảm trong một năm trở lại đây (từ mức 143% về 99,4%). Tỷ lệ nợ nhóm 2 tăng đột biến trong quý I (tăng 45%) và cải thiện vào quý II.
Các chuyên gia VPBankS cho rằng triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng niêm yết phụ thuộc rất lớn vào việc kiểm soát chất lượng tài sản. Việc tỷ lệ nợ xấu đang có xu hướng gia tăng trong khi lãi suất cao vẫn chỉ đang bắt đầu phản ánh vào kết quả kinh doanh của các ngân hàng cho thấy xu hướng này chưa thể đảo ngược, ít nhất là đến cuối quý III/2023.
"Với dự kiến tình hình kinh tế vĩ mô sẽ bắt đầu có điểm sáng rõ ràng hơn vào quý cuối năm, chúng tôi cho rằng nợ xấu toàn ngành trong quý III sẽ tương đương quý II và có sự cải thiện trong quý IV năm nay", VPBankS dự báo.
Cùng với đó, với sự hỗ trợ về mặt chính sách, cụ thể là với sự ban hành của Thông tư 02 thì áp lực nợ xấu sẽ được hoãn đến hết nửa đầu 2024 để ngân hàng và người vay có thời gian để cơ cấu lại và xử lý dần tránh bị nhảy nhóm nợ.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/