|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Triển vọng ngân hàng 6 tháng cuối năm: Kỳ vọng hạ lãi suất điều hành, giảm dự trữ bắt buộc với nhóm Big4

07:00 | 16/08/2023
Chia sẻ
Chuyên gia phân tích của MBS dự báo mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm sẽ giúp kích cầu tín dụng, tuy nhiên cuộc cạnh tranh về thị phần tín dụng sẽ trở nên gay gắt hơn.

Lãi suất huy động tiếp tục giảm

Báo cáo mới đây của Chứng khoán MB (MBS) dự báo lãi suất huy động sẽ tiếp tục giảm trong nửa cuối năm 2023 nhờ kỳ vọng NHNN sẽ cắt giảm lãi suất điều hành thêm một lần nữa, đồng thời giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với nhóm NHTM Nhà nước và bổ sung tiền gửi kho bạc nhà nước vào cách tính LDR giúp các ngân hàng có dư địa giảm lãi suất huy động.

Mức giảm lãi suất điều hành dự kiến khoảng 0,5%, đưa lãi suất tái cấp vốn và tái chiết khấu về mức ngang bằng với đáy giai đoạn COVID-19 (lần lượt là 4,0% và 2,5%), từ đó sẽ điều chỉnh lãi suất huy động trên cả thị trường 1 và 2.

Lãi suất huy động giảm sẽ giảm áp lực lên chi phí vốn, từ đó giúp các NHTM có thêm dư địa giảm lãi suất cho vay nhằm kích cầu tín dụng. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhu cầu vay vốn vẫn chưa thật sự phục hồi, các doanh nghiệp còn chần chừ trong việc mở rộng sản xuất kinh doanh do lo ngại về tăng trưởng kinh tế, cạnh tranh về thị phần tín dụng sẽ trở nên gay gắt hơn.

Vì vậy việc cạnh tranh để cho vay các doanh nghiệp tốt cũng sẽ là cuộc đua giữa các ngân hàng. Trên cơ sở đó, những ngân hàng nào cung cấp lãi suất hấp dẫn do có chi phí vốn thấp hơn là những ngân hàng sẽ có lợi thế hơn.

 

Tín dụng lấy lại đà phục hồi nhờ ba yếu tố

MBS cho rằng tín dụng sẽ tăng tốc nhanh hơn trong nửa cuối năm 2023 nhờ ba yếu tố tích cực. 

Thứ nhất, xuất khẩu sẽ phục hồi tăng trưởng dương trên nền thấp cùng kỳ năm ngoái, cũng như cầu tiêu dùng của Trung Quốc khôi phục lại mạnh mẽ hơn sau khi mở cửa. Thứ hai, hiệu ứng từ lãi suất cho vay giảm bắt đầu kích hoạt lại nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và người dân.

Cùng với đó, chính sách tài khoá như giảm thuế VAT từ 10% về 8%, … sẽ phát huy tác dụng kích thích nhu cầu tiêu dùng.

 

Tuy nhiên, việc tăng trưởng tín dụng sẽ phân hoá giữa các ngân hàng, một số NHTM đang khá thận trọng khi cân nhắc các quyết định cho vay cũng như đảm bảo chất lượng tín dụng. 

Theo MBS, những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp tại thời điểm cuối quý II sẽ là những nhà băng có dư địa đẩy mạnh tín dụng vào nửa cuối năm hơn. "Nhìn chung, chúng tôi kì vọng tăng trưởng tín dụng toàn ngành đạt khoảng 12% - 13% cho cả năm 2023", MBS dự báo.

Về chất lượng tài sản, các chuyên gia phân tích nhận thấy có xu hướng chung là suy giảm nhưng có sự phân hóa rất lớn giữa các ngân hàng dựa trên khẩu vị kinh doanh.Các ngân hàng TMCP Nhà nước có mức tăng thấp hơn đáng kể so với nhóm tư nhân. Trung bình, ba NHTM Nhà nước có tỷ lệ nợ xấu tăng 0,2% so với đầu năm, con số này của nhóm ngân hàng cổ phần là 0,6%. 

Vietcombank, VietinBank và ACB là những ngân hàng có quy mô lớn và mức suy giảm chất lượng tài sản thấp so với trung bình ngành.

 

NIM cải thiện trong nửa cuối năm?

Bên cạnh sự phục hồi tín dụng, các chuyên gia phân tích cũng cho rằng biên lãi ròng (NIM) của các ngân hàng có xu hướng thu hẹp, nhưng được kì vọng sẽ cải thiện trong nửa cuối năm 2023 nhờ lãi suất huy động giảm làm giảm chi phí vốn.

Theo đó, NIM của các ngân hàng niêm yết tiếp tục xu hướng giảm trong quý II, điều này phần nào đã được dự báo trước khi lãi suất huy động mặc dù giảm song vẫn neo ở mức cao so với trước Covid-19; trong khi lãi suất cho vay liên tục giảm trong bối cảnh cầu tín dụng thấp cũng như theo chỉ đạo của Ngân hàng nhà nước hỗ trợ các doanh nghiệp.

 

Số liệu ghi nhận của MBS cho thấy trong nửa đầu năm, trung bình các ngân hàng niêm yết ghi nhận NIM giảm 100 – 150 điểm cơ bản so với cùng kỳ năm ngoái. Các NHTM có NIM giảm mạnh nhất bao gồm VPBank và Techcombank, chủ yếu do nhu cầu các mảng cho vay chủ lực như tiêu dùng hay bất động sản của những ngân hàng này bị sụt giảm nghiêm trọng.

Ở chiều ngược lại, Sacombank, VIB, SHB là những NHTM ghi nhận tăng trưởng trong thời gian qua. Nguyên nhân đến từ thanh khoản của những ngân hàng này không quá căng thẳng do cấu trúc danh mục cho vay tương đối lành mạnh và không chịu áp lực tăng lãi suất huy động nhằm đảm bảo thanh khoản như VPBank và Techcombank.

 

Diệp Bình