|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Chi tiết room tín dụng mới nhất của 11 ngân hàng lớn năm 2023

16:28 | 15/08/2023
Chia sẻ
MBS cho biết dù room tín dụng đã được cấp thêm, không phải ngân hàng nào cũng có thể đẩy mạnh hoạt động tín dụng do phải cân nhắc các yếu tố rủi ro.

Trong báo báo cáo về triển vọng cuối năm 2023 của ngành ngân hàng, CTCP Chứng khoán MB (MBS) đã tiết lộ chi tiết room tín dụng của một số ngân hàng lớn.

Theo đó, MB và VPBank là hai nhà băng được điều chỉnh room tín dụng từ 9% lên 24% trong năm 2023. Trong 6 tháng đầu năm 2023, tăng trưởng tín dụng cả hai ngân hàng trên lần lượt đạt 10,5% và 10,1%. MB, VPBank và hai cái tên khác là Vietcombank và HDBank là 4 ngân hàng được ưu tiên về hạn mức tăng trưởng tín dụng do tham gia tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém. 

ACB được cấp room từ 9,8% (lần đầu năm) lên 15%; BIDV được cấp hạn mức 14,5%; VIB là 14,25%; VietinBank, Techcombank và TPBank cùng được cấp mức 14%; HDBank được cấp 13,5%; Sacombank là 11% và Vietcombank là 9,7%.

Trong danh sách này, MB và VPBank là hai nhà băng có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao nhất. (Ảnh: MBS Research).

Các chuyên viên phân tích của MBS cho rằng hoạt động tín dụng sẽ lấy lại đà trong nửa cuối năm 2023 dựa trên một số yếu tố tích cực. Thứ nhất xuất khẩu sẽ phục hồi mức tăng trưởng dương trên nền thấp của cùng kỳ năm trước, cũng như nhu cầu tiêu dùng của Trung Quốc phục hồi mạnh mẽ hơn sau gần một năm mở cửa.

Thứ hai, hiệu ứng từ lãi suất cho vay giảm sẽ bắt đầu kích hoạt lại nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và người dân. Những chính sách tài khóa, chẳng hạn như như giảm thuế VAT từ 10% về 8%, sẽ phát huy tác dụng và kích thích nhu cầu tiêu dùng. 

Tuy nhiên, MBS cũng cho rằng không phải ngân hàng nào cũng có thể đẩy mạnh hoạt động tín dụng từ nay đến cuối năm. Một số ngân hàng thương mại (NHTM) đang khá thận trọng khi cân nhắc các quyết định cho vay cũng như đảm bảo chất lượng tín dụng. 

Chẳng hạn, tăng trưởng tín dụng của VIB trong 6 tháng chỉ đạt 0,8%, trong khi room tín dụng đã được NHNN điều chỉnh lên mức 14,25%. Vietcombank cũng ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng thấp, chỉ đạt 2,7% trong nửa đầu năm. 

Theo một khảo sát gần đây của NHNN, mặt bằng rủi ro tín dụng tổng thể của khách hàng được các tổ chức tín dụng (TCTD) nhận định tăng nhanh hơn so với kỳ trước và cùng kỳ năm trước ở hầu hết các lĩnh vực. 

Các TCTD đang có xu hướng “không đổi” hoặc “thắt chặt” nhẹ tiêu chuẩn tín dụng. Vì vậy, các chuyên viên phân tích của MBS cho rằng những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp vào thời điểm cuối quý II/2023 sẽ có dư địa để đẩy mạnh tín dụng vào cuối năm.

Trên cơ sở đó, MBS kỳ vọng tăng trưởng tín dụng toàn ngành sẽ đạt khoảng 12-13% trong cả năm 2023.

Minh Quang

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.