Nỗi lo nợ xấu ngân hàng trở lại
Số dư nợ xấu ngân hàng tăng 50%, 60%, 70% hay thậm chí tăng gấp đôi so với cuối năm trước không còn là thông tin hiếm hoi xuất hiện trong báo cáo kết quả kinh doanh các ngân hàng quý II.
Nợ xấu ngân hàng đã từng được nhận xét tăng mạnh trong 3 tháng đầu năm, nhưng những con số trên bức tranh kinh doanh quý II cho thấy áp lực nợ xấu đang thực sự hiện hữu một cách rõ nét.
Cuối năm 2022, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống là 1,92%, song đến cuối quý II/2023, nợ xấu của các TCTD gia tăng mạnh so với trước, nợ xấu tiềm ẩn ở mức 5,34%, nhiều ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng trên 3%, một số ngân hàng, công ty tài chính nợ xấu tăng đột biến trên 5%.
Có tới 27/29 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý II có nợ xấu tăng và hơn 90% trong số đó ghi nhận số dư nợ xấu tăng trưởng hai chữ số; 8 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu (tỷ lệ nợ nhóm 3 đến nhóm 5 trên tổng dư nợ) trên ngưỡng 3%. Tổng nợ xấu của 29 ngân hàng ở mức gần 220.000 tỷ đồng, tăng 33,7% so với cuối năm trước.
Nợ xấu gia tăng không phải điều quá bất ngờ với thị trường trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, điều này cũng đã được các nhà điều hành và giới chuyên gia dự báo trước đó. Kinh tế phục hồi chậm, doanh nghiệp gặp khó khăn cộng với sự đóng băng của thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp đã và đang tiếp tục phản ánh vào tình hình nợ xấu của ngân hàng.
Khảo sát mới đây của Vietnam Report cũng cho biết nợ xấu gia tăng, tiềm ẩn rủi ro an toàn hệ thống được các ngân hàng nhận diện là thách thức lớn nhất phải đối diện trong thời gian tới.Do đó, mục tiêu các ngân hàng hướng tới trong năm nay không đơn thuần là tăng trưởng tín dụng, mà là tăng trưởng tín dụng có chọn lọc, ưu tiên quản trị rủi ro và cân bằng chất lượng tài sản.
Điểm tích cực trong bức tranh nợ xấu
Mặc dù nợ xấu tăng nhanh trong 6 tháng đầu năm đã gây ra nhiều lo ngại về sức khoẻ của hệ thống ngân hàng, bức tranh quý II vẫn có những tín hiệu tích cực khi tốc độ tăng của nợ xấu đang chậm lại. Nếu như số dư nợ xấu tăng khoảng 24% trong quý I thì đến cuối quý II, mức tăng trưởng cũng chỉ dừng ở 33,7%.
Cùng với đó, khi so sánh cơ cấu các nhóm nợ trong tổng nợ xấu các ngân hàng khảo sát, có thể nhận thấy tỷ trọng nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) đã giảm về 38,7% trong khi cùng kỳ năm trước là trên 51%.
TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, cho rằng nợ xấu gia tăng là xu hướng chung của thế giới trong bối cảnh còn nhiều khó khăn như hiện nay. Rõ ràng con số nợ xấu đã tăng so với năm 2022 nhưng vẫn trong tầm kiểm soát khi các ngân hàng vẫn đang chủ động trích lập dự phòng để tăng nguồn lực xử lý nợ xấu.
"Thông tư 02 đã yêu cầu các tổ chức tín dụng kể cả chưa chuyển nhóm nợ vẫn phải trích lập dự phòng rủi ro để đảm bảo trường hợp xấu nhất xảy ra vẫn có nguồn lực xử lý. Mặc dù tỷ lệ bao phủ nợ xấu vào khoảng 135% tổng dư nợ nền kinh tế, không cao như thời gian trước nhưng đó vẫn là nguồn lực quan trọng để ngân hàng có thêm năng lực xử lý nợ xấu", TS. Cấn Văn Lực đánh giá.
Áp lực nợ xấu vẫn còn hiện hữu
Trong nhận định mới đây về nợ xấu ngân hàng nửa đầu năm, ông Trần Ngọc Báu, CEO Wigroup, cho rằng: "Nợ xấu mặc dù vẫn nằm trong tầm kiểm soát và trung bình dưới 3% và tổng dư nợ nhóm 2 trở đi đã tăng chậm lại, tuy nhiên áp lực nợ xấu đã tăng rất nhanh và với xu hướng nợ nhóm 2,3,4 khá cao như hiện tại thì áp lực nợ xấu nhóm 5 lên hệ thống ngân hàng trong những quý tới là rất rõ ràng".
Theo số liệu tổng hợp của chúng tôi, dự phòng rủi ro cho vay khách hàng của các ngân hàng đã tăng 9,4% so với cuối năm trước, trong đó có 13 ngân hàng ghi nhận tăng trưởng dự phòng hai chữ số. BaoVietBank là ngân hàng có mức tăng cao nhất 71,5% so với cuối năm trước.
- TIN LIÊN QUAN
-
TOP 10 ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao nhất 6 tháng đầu năm 2023 04/08/2023 - 09:00
Tuy vậy, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của phần lớn ngân hàng lại đồng loạt giảm. Vietcombank và SHB là hai nhà băng ngược dòng khi ghi nhận tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng lần lượt lên 386% và 69%. Có 12/29 ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu vượt ngưỡng 100%.
Theo ông Báu, xét về tổng thể thì áp lực nợ xấu của ngân hàng là rất lớn và chưa có dấu hiệu tạo đỉnh trong năm 2023, sự kỳ vọng sẽ được dồn vào năm 2024. Tất cả đều phụ thuộc phần lớn vào sự phục hồi của kinh tế trong nước, thị trường bất động sản và sức tiêu dùng của các nền kinh tế lớn, những điểm mà đến lúc này chúng ta vẫn chưa thấy nhiều điểm sáng.
Kết quả điều xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng (TCTD) quý III/2023 do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện cho thấy tình hình kinh doanh của hệ thống ngân hàng trong quý II/2023 tiếp tục ”cải thiện” chậm hơn đáng kể so với quý trước, lợi nhuận trước thuế có tăng trưởng nhẹ nhưng thấp hơn so với mức kỳ vọng ở kỳ điều tra trước.
Tại kỳ điều tra lần này, các TCTD nhận định mặt bằng rủi ro khách hàng tổng thể trong quý II/2023 tăng nhanh hơn so với quý trước, với 34,2% TCTD nhận định mặt bằng rủi ro khách hàng tổng thể ở thời điểm hiện tại đang ở mức “cao” và 48,2% TCTD dự báo mặt bằng rủi ro khách hàng sẽ tăng trong năm 2023 so với năm 2022.
Theo đánh giá của các TCTD, tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng có biểu hiện “tăng nhẹ” trong quý II/2023 nhưng được kỳ vọng giảm trong quý III/2023.