|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

TOP 10 ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao nhất 6 tháng đầu năm 2023

09:00 | 04/08/2023
Chia sẻ
Trái ngược với xu hướng của ngành ngân hàng, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của Vietcombank vẫn tiếp tục tăng thêm gần 70 điểm % lên mức 385,7%, cao gấp 4,6 lần trung bình toàn ngành. Những nhà băng còn lại trong Top 10 đều ghi nhận tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm đi.

 

Đồ họa: Alex Chu

Nửa đầu năm 2023, nền kinh tế Việt Nam cũng như thế giới đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Sức chống chịu của doanh nghiệp giảm sút, đồng thời, tình hình tài chính của người dân đi xuống khiến rủi ro nợ xấu tăng lên.

Trước áp lực tăng nợ xấu, nhiều ngân hàng cũng đồng thời nâng bộ đệm dự phòng rủi ro.Tuy nhiên, không phải lúc nào số dư dự phòng nợ xấu cũng theo kịp tốc độ tăng của nợ xấu. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu (tính bằng Số dư dự phòng nợ xấu/Tổng dư nợ xấu) tại phần lớn ngân hàng lại sụt giảm trong nửa đầu năm.

Cụ thể, trong tổng số 29 nhà băng đã báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, chỉ có 5 ngân hàng ghi nhận tỷ lệ bao phủ nợ xấu đi lên so với cùng kỳ. Tỷ lệ dự phòng rủi ro trung bình của 29 nhà băng đã giảm từ 104% xuống còn 84%.

Vào cuối năm ngoái, Top 10 ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao nhất đều vượt ngưỡng 100%. Tuy nhiên, sang đến cuối quý II năm nay, hai vị trí cuối cùng trong Top 10 là SeABank và LPBank đã không còn đạt được tỷ lệ bao phủ trên 100%.

Tỷ lệ trên 100% được hiểu rằng trong trường hợp xấu nhất, nếu các khoản nợ xấu không thể thu hồi được thì ngân hàng vẫn còn dự phòng để bao phủ khoản nợ này và không làm ảnh hưởng đến lợi nhuận. 

Quán quân về khả năng dự phòng nợ xấu vẫn thuộc về Vietcombank, với tỷ lệ bao phủ lên tới 385,7% vào cuối quý II/2023, tăng 68,9 điểm% so với cuối năm ngoái. Vietcombank là băng ghi nhận tỷ lệ bao phủ tăng mạnh nhất, bất chấp việc số dư nợ xấu đi lên hơn 25%.

Những vị trí tiếp theo lần lượt thuộc về Vietinbank, Bac A Bank, MB, BIDV, Agribank, Techcombank, ACB, SeABank và LPBank. MB là ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu sụt giảm sâu nhất, từ 238% xuống còn 156,1%. 

Ngoài ra, một số nhà băng khác cũng ghi nhận tỷ lệ bao phủ nợ xấu đi xuống gồm TPBank (từ 135,1% về 60,9%), BIDV (từ 216,9% về 152,6%) và LPBank (từ 142,1% về 78,5%).

Tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao cho thấy ngân hàng có sự chuẩn bị tốt cho rủi ro, nhưng đồng thời cũng ảnh hưởng tới lợi nhuận. Vì vậy, mội ngân hàng đều có tính toán nhằm giữ tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức hợp lý để vừa dự phòng được nợ xấu, vừa đảm bảo lợi nhuận cho mình. 

 

Minh Quang