|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Chính sách nới 'room' mới của NHNN sẽ tác động ra sao tới các ngân hàng?

15:33 | 30/08/2024
Chia sẻ
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, lãnh đạo ngân hàng, động thái nới room cho những tổ chức tín dụng tăng trưởng tốt của NHNN là kịp thời và sáng suốt. Động thái này có thể là động lực cho các ngân hàng cạnh tranh hơn nữa trong việc giành room tín dụng và thị phần.

Trong thông báo mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết kể từ ngày 28/8, tổ chức tín dụng (TCTD) có tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2024 đạt từ 80% chỉ tiêu NHNN đã thông báo đầu năm 2024 sẽ được chủ động điều chỉnh tăng thêm dư nợ tín dụng (nới room) dựa trên cơ sở điểm xếp hạng. Việc bổ sung hạn mức này là sự chủ động của NHNN và các TCTD không cần phải đề nghị.

Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh tăng trưởng thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu định hướng đầu năm. Theo báo cáo của NHNN, tính đến ngày 26/8, tín dụng toàn hệ thống tăng 6,63% so với cuối năm 2023.

Ước tính dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng thêm khoảng 900.000 tỷ đồng. Trong đó, tính riêng giai đoạn từ cuối quý II đến ngày 26/8, tín dụng đã tăng thêm gần 72.000 tỷ đồng. 

NHNN đã nới room cho những ngân hàng có mức tăng trưởng tốt. 

Theo thông tin từ Bản tin tài chính kinh doanh của VTV, ngân hàng ACB sẽ được nới room khoảng 2%, tương ứng quy mô tăng trưởng tín dụng tối đa lên từ 17 đến 18%.  

Ông Từ Tiến Phát, Tổng Giám đốc ACB nhận định: "Đây là bước đi kịp thời, đón đầu cho tăng trưởng vào cuối năm. [...] Tôi nghĩ đây là quyết định rất kịp thời và sáng suốt".

Lãnh đạo ngân hàng này đánh giá rất cao hai yếu tố, thứ nhất là việc NHNN tự động giao hạn mức tín dụng mà ngân hàng không cần đề nghị, xin phép. Thứ hai, ông đánh giá cao yếu tố minh bạch khi nhà điều hành đã phân bổ room dựa trên xếp hạng của từng ngân hàng. 

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc khối Phân tích và Phát triển sản phẩm của Yuanta Việt Nam, nhấn mạnh trong thời gian vừa qua, Chính phủ đã bắt đầu có những yêu cầu ngân hàng thương mại đẩy nhanh tín dụng để hỗ trợ nền kinh tế. 

"Một thuận lợi nữa là môi trường lãi suất vẫn được duy trì ở mức thấp, là điểm cộng với các doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm sản xuất có thể tiếp cận được vốn tín dụng trong thời gian 6 tháng cuối năm", ông nói thêm. 

Đánh giá về động thái trên, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP HCM cho rằng NHNN đã kịp thời, linh hoạt và chủ động, tạo điều kiện cho TCTD từ nay đến cuối năm. Theo ông, những "TCTD có đà tăng trưởng tốt sẽ có điểu kiện để mở rộng tăng trưởng, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế".

Tính toán của VPBank tăng trưởng tín dụng so với hạn mức của một số ngân hàng. (Ảnh: VPBankS).

Trong báo cáo phân tích mới đây, Chứng khoán VPBank (VPBankS) nhận định rằng chính sách nới hạn mức của NHNN sẽ là động lực cho các ngân hàng cạnh tranh hơn nữa trong việc giành room tín dụng và thị phần.

Do đó, chính sách lãi suất sẽ trở nên ưu đãi hơn, có lợi cho người đi vay nhưng có thể đánh đổi bằng biên lãi thuần (NIM) giảm nhẹ cho ngân hàng. 

Theo thống kê của VPBank, một số ngân hàng như ACB, HDBank, LPBank, Techcombank ... đã hoặc sắp đạt mốc 80% room tín dụng và sẽ được nới thêm từ 2 đến 2,5%. Sau khi được tăng, room tín dụng mới tại các ngân hàng trên sẽ ở mức từ 18 đến 18,7%.

Với mục tiêu tăng trưởng 15%, các ngân hàng sẽ còn phải tăng dư nợ thêm 1,135 triệu tỷ đồng cho đến hết năm.

Theo dự phóng của VPBankS, nếu các ngân hàng sử dụng được 90% room tín dụng đã được giao từ đầu năm, NHNN không nâng lãi suất điều hành và tăng trưởng GDP đạt 6% thì tăng trưởng tín dụng có thể đạt 14,83%, gần sát mục tiêu của Chính phủ.  

Minh Quang