|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Áp lực tỷ giá giảm, NHNN có loạt biện pháp mang tính nới lỏng tiền tệ

08:24 | 29/08/2024
Chia sẻ
Tháng 8 ghi nhận một loạt các động thái nới lỏng chính sách tiền tệ của NHNN nhằm thiết lập một mặt bằng lãi suất liên ngân hàng thấp hơn.

Áp lực lên tỷ giá hối đoái đã giảm đáng kể trong tháng 8 nhờ sự suy yếu của đồng USD.Chỉ số USD Index (DXY) chạm đáy 13 tháng sau khi Fed tuyên bố đã đến lúc điều chỉnh chính sách lãi suất

So với đầu tháng 8, tỷ giá USD/VND liên ngân hàng hiện đã sụt giảm 1,4% xuống mức 24.860 VND/USD, đánh dấu mức tăng 2,1% so với đầu năm.Tỷ giá trên thị trường tự do cũng giảm mạnh xuống mức 25.250 VND/USD.

Trong bối cảnh áp lực tỷ giá đã vơi bớt, kể từ đầu tháng 8, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thực hiện một loạt các biện pháp mang tính nới lỏng chính sách tiền tệ.

Cụ thể, lãi suất kênh cho vay cầm cố (OMO) đã giảm 25 điểm cơ bản xuống mức 4,25% vào hồi đầu tháng, đồng thời kỳ hạn được tăng từ 7 ngày lên 14 ngày vào phiên ngày 26/8.

Bên cạnh đó, NHNN cũng giảm lãi suất tín phiếu ba lần trong tháng này với mức giảm tổng cộng là 35 điểm cơ bản xuống mức 4,15% và dừng phát hành tín phiếu từ phiên ngày 26/8.

Theo nhận định của các chuyên gia Chứng khoán MB (MBS), tất cả những động thái trên cho thấy định hướng của NHNN trong việc hỗ trợ thanh khoản hệ thống nhằm thiết lập một mặt bằng lãi suất liên  ngân hàng mới thấp hơn.

 

Tính đến ngày 26/8, tổng giá trị tiền ròng NHNN bơm vào hệ thống ước khoảng 322.700 tỷ đồng với mức lãi suất 4,25% - 4,5%, kỳ hạn 7 – 14 ngày, trong đó bao gồm 158.300 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Cùng với đó có khoảng 22.000 tỷ đồng tín phiếu sẽ tiếp tục đáo hạn trong tháng 9. 

Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất qua đêm đã giảm nhẹtừ mức 4,5% vào hồi đầu tháng về mức 4,3% vào ngày 26/8, trong khi lãi suất các kỳ hạn từ 1 tuần tới 1 tháng hiện dao động từ 4,3% - 4,4%.

"Mặc những nỗ lực can thiệp của NHNN, lãi suất liên ngân hàng hiện vẫn neo cao trên ngưỡng 4%, một phần do chịu áp lực thanh khoản khi tăng trưởng tín dụng đang phục hồi trở lại. ", MBS cho hay.

Theo số liệu của NHNN, tính đến ngày 16/8, tăng trưởng tín dụng tăng 6,25% so với cuối năm 2023. Giới chuyên gia đều cùng cho rằng cầu tín dụng sẽ tiếp tục xu hướng tăng lên mạnh hơn từ giữa năm 2024 khi sản xuất và đầu tư tăng tốc mạnh hơn trong những tháng cuối năm.

Lũy kế 7 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 11.2% svck, chỉ số Quản trị người mua hàng (PMI) đạt 54.7 trong tháng 7. Đầu tư công và tư nhân lần lượt tăng 2,3% trong 7T2024 và 6,7% trong 6T2024.

"Lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn sẽ có thể nhích thêm 50 điểm cơ bản, quay về mức 5,2% - 5,5% vào cuối năm 2024. Tuy nhiên, lãi suất đầu ra sẽ vẫn duy trì ở mặt bằng hiện tại trong bối cảnh các cơ quan quản lý và các ngân hàng đang nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn.", MBS dự báo.

 

Diệp Bình

Mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu 12% có khả thi?
Theo TS, Võ Trí Thành, mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu 12% trong năm 2025 là không dễ dàng khi những đối tác quan trọng của Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu dự báo là tăng trưởng thấp hơn năm 2024. Đặc biệt, những chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ có thể cản trở mạnh mẽ đến gia tăng thương mại toàn cầu thế giới, trong đó có Việt Nam.