|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Hạ lãi suất kéo tụt NIM ngân hàng, chuyên gia dự báo lợi nhuận toàn ngành năm nay chỉ tăng 13-15%

11:33 | 16/08/2023
Chia sẻ
Chuyên gia Cấn Văn Lực dự báo, lợi nhuận ngành ngân hàng năm nay tăng khoảng từ 13-15% trong khi năm ngoái tăng khoảng 33-35%.

Theo chỉ đạo mới đây của Ngân hàng Nhà nước  (NHNN) các tổ chức tín dụng sẽ phải cam kết giảm lãi suất cho vay trong năm 2023 đối với các khoản cho vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản vay mới.

Điều này thể hiện sự quyết tâm đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp của NHNN và hệ thống ngân hàng song cũng gây thêm phần khó khăn cho các doanh nghiệp khiến biên lợi nhuận của các ngân hàng co hẹp hơn.

Flexible pricing kéo tụt NIM của ngân hàng

Chính sách điều chỉnh lãi suất để hỗ trợ khách hàng hay còn gọi là "flexible pricing" được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây.

Chia sẻ tại sự kiện gặp gỡ chuyên gia phân tích và cập nhật kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của ngân hàng TechcomBank, Giám đốc Tài chính Alexandre Macaire cho biết, chính sách flexible pricing đang tác động lớn tới biên lãi thuần của ngân hàng.

"Nguyên nhân là do các ngân hàng đang cạnh tranh rất lớn với nhau về lãi suất cho vay, tạo áp lực lên biên lãi thuần (NIM)", ông Alexandre Macaire nói.

Theo ông, NIM của ngân hàng trong năm nay sẽ nằm trong khoảng từ 4 đến 4,5% còn nếu không áp dụng flexible pricing, NIM của Techcombank có thể đạt gần 5%. Dù vậy, khi khó khăn qua đi, lãi suất từ khách hàng trở lại mức bình thường, NIM sẽ nhận được sự cải thiện đáng kể.

 NIM nhiều ngân hàng sụt giảm trong nửa đầu năm 2023.

 Ở góc độ chuyên gia, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cũng cho rằng, việc cắt giảm lãi suất tất nhiên sẽ gây khó khăn hơn cho các ngân hàng. Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ mà Chính phủ và NHNN yêu cầu để đồng hành cùng với doanh nghiệp, người dân vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Ông Lực cũng dự báo, năm nay ngành ngân hàng sẽ khó khăn hơn, biên lợi nhuận được dự báo đã và đang giảm, NIM cũng giảm, nợ xấu thì tăng lên, các ngân hàng còn phải trích lập dự phòng rủi ro 50% theo Thông tư 02, thu phí dịch vụ khác cũng khó mà tăng được.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia. (Ảnh: DNVN).

"Về cơ bản lợi nhuận ngành ngân hàng năm nay có tăng nhưng mà tăng ở mức thấp hơn nhiều so với năm ngoái. Tôi dự báo lợi nhuận ngành ngân hàng năm nay tăng khoảng từ 13-15% trong khi năm ngoái tăng khoảng 33-35%", ông Lực nói.

Điều chỉnh lãi suất nhưng không thể để TCTD thua lỗ

Đứng ở vai trò của Hiệp hội Ngân hàng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, ngành ngân hàng đang nỗ lực thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN, nghiêm túc giảm các mức lãi suất huy động và cho vay đã cam kết.

Tuy nhiên, sức hấp thụ vốn nền kinh tế thấp, mặc dù các tổ chức tín dụng đã giảm lãi suất cho vay song tốc độ tăng trưởng tín dụng chỉ đạt trên 4%, cùng với khó khăn từ thị trường vốn và thị trường bất động sản dẫn đến chất lượng tài sản ngân hàng suy giảm, nợ xấu tăng, ông bày tỏ lo ngại.

Tăng trưởng tín dụng hiện đang ở mức rất thấp, tính đến hết tháng 6chỉ khoảng 4,7%.

Lo ngại nợ xấu gia tăng cũng là yếu tố cần cân nhắc kỹ càng trong giai đoạn hiện nay. Theo TS, Cấn Văn Lực, NHNN tiếp tục chỉ đạo hạ mặt bằng lãi suất cả huy động và cho vay bởi tăng trưởng tín dụng tương đối chậm.

Tuy nhiên, chỉ đạo này cần thực hiện trên tinh thần sẽ phấn đấu tối đa cộng với nhiều giải pháp khác, không chỉ riêng biện pháp về giảm lãi suất mà phải giảm chi phí, các doanh nghiệp cũng cần cơ cấu lại tài sản nợ để quản trị hiệu quả hơn, áp dụng chuyển đổi số,...

Việc giảm lãi suất chủ yếu với các khoản đến hạn còn khoản nằm trong kỳ hạn thì phải duy trì đến hết kỳ hạn đó và bắt đầu giảm lãi suất thì sẽ áp dụng cho các kỳ hạn tiếp theo.

"Điều chỉnh lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp cũng phải nằm trong khả năng cân đối của các tổ chức tín dụng, không thể quá rủi ro, không thể để các tổ chức tín dụng thua lỗ bởi bối cảnh sắp tới còn nhiều rủi ro, nợ xấu gia tăng", chuyên gia nói. 

Ngoài biện pháp về lãi suất, thì cần phải đồng bộ rất nhiều biện pháp, giải pháp khác đòi hỏi các bên, các bộ ngành có liên quan cùng phải vào cuộc. Trong đó cần có giải pháp để thúc đẩy cả tổng cung lẫn tổng cầu, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp.

Những động thái vừa qua thể hiện quyết tâm của Chính phủ, của NHNN và của hệ thống ngân hàng cho việc đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân để một mặt giảm đầu vào lãi suất cả đầu vào lẫn đầu ra cũng như lãi suất của khoản dư nợ cũ cũng như khoản cho vay mới.

"Giảm lãi suất chỉ là một vế của vấn đề và phải tổng hoà nhiều giải pháp khác để tăng cả tổng cung và tổng cầu hay tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, đây là một vấn đề rất quan trọng", chuyên gia nhấn mạnh.

Đặc biệt, cần có những nhóm giải pháp quyết liệt để tháo gỡ những khó khăn cơ bản đối với người dân, doanh nghiệp. "Nhất là hiện tượng lo sợ trách nhiệm, đùn đẩy, không dám làm. Điều này mang lại tác động lớn hơn rất nhiều so với lợi ích mà giảm lãi suất mang lại", TS. Lực cho biết.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Hạ An

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.