|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Đâu là những tín hiệu sáng của ngành ngân hàng sau ba quý khó khăn?

08:07 | 16/11/2023
Chia sẻ
Theo đánh giá của công ty xếp hạng VIS Rating, những tín hiệu hồi phục của ngành ngân hàng đang dần rõ nét khi lợi nhuận sẽ dần phục hồi trong năm 2024 khi NIM được cải thiện và nhu cầu tín dụng tăng thêm.

Trong báo cáo ngành ngân hàng 9 tháng đầu năm 2023, CTCP Xếp Hạng Tín Nhiệm Đầu Tư Việt Nam (VIS Rating) cho rằng ngành này đã trải qua giai đoạn khó khăn khi chất lượng tài sản kém, tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm và lợi nhuận suy yếu. 

Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng nhận thấy những tín hiệu hồi phục của ngành ngân hàng đang dần rõ nét khi biên lãi thuần và tín dụng được cải thiện. 

VIS Rating là công ty xếp hạng tín nhiệm được thành lập năm 2021 bởi sự góp vốn của hãng tín nhiệm thế giới Moody's (góp 49%) và 5 cổ đông khác (góp đều 10,2%) như: ACBS, Dragon Capital, VPS, VNDirect, Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản của Nam A Bank.

Tốc độ tăng nợ xấu chậm lại

Theo ước tính của VIS Rating, nợ xấu của ngành ngân hàng tăng 0,6 điểm % lên 2,2%, chủ yếu đến từ khách hàng bán lẻ và doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME). Ngoài ra, nợ tái cơ cấu tăng mạnh kể từ khi Thông tư 02 đươc ban hành. Quy mô nợ tái cơ cấu chiếm khoảng 1% tổng cho vay toàn ngành tính đến cuối tháng 8/2023 và đang không được phân loại là nợ xấu.

 

Về vấn đề chất lượng tài sản, nhóm ngân hàng quốc doanh vẫn tương đối ổn định với tỷ lệ nợ xấu chỉ tăng khoảng 0,5% nhờ tập khách hàng doanh nghiệp lớn và đa dạng. Trong số các ngân hàng tư nhân, ACB cho thấy sự ổn định cao về chất lượng tài sản, nhờ chính sách cho vay thận trọng.

VIS Rating kỳ vọng tỷ lệ nợ xấu mới hình thành sẽ chậm lại do khả năng trả nợ của khách hàng dần cải thiện khi điều kiện kinh doanh khả quan hơn và mặt bằng lãi suất ở mức thấp. Các ngân hàng quốc doanh và ACB, với lịch sử duy trì chất lượng tài sản ổn định, sẽ dẫn dắt sự phục hồi của ngành.

 

Ngoài ra, nhiều ngân hàng đã không tăng trích lập dự phòng khi nợ xấu gia tăng. Chi phí tín dụng trên tổng cho vay khách hàng giảm xuống còn 0,8% - 5% trong 9 tháng đầu năm 2023 từ mức 1% - 6% của năm 2022, khiến cho tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu suy yếu.

VIS cho hay, tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLCR) của nhóm ngân hàng tư nhân (TPBank, Sacombank, LPBank) đã xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm do chất lượng tài sản suy giảm mạnh và trích lập dự phòng ở mức khiêm tốn. Trong khi đó, các ngân hàng quốc doanh duy trì tỷ lệ LLCR ở mức cao, khoảng 190% nhờ chất lượng tài sản ổn định.

 

Các nhà phân tích đánh giá rằng quy mô vốn toàn ngành vẫn ở mức yếu. Trong thời gian gần đây, chỉ có một vài ngân hàng tư nhân hoàn thành việc tăng vốn. Những ngân hàng như BIDV và Agribank sẽ cần nhiều thời gian hơn để nhận được chấp thuận tăng vốn.

VIS Rating kỳ vọng bộ đệm rủi ro sẽ phục hồi ở mức khiêm tốn khi lợi nhuận cải thiện sẽ góp phần củng cố quy mô vốn của các ngân hàng

Lợi nhuận sẽ dần hồi phục trong năm 2024

VIS Rating cho rằng lợi nhuận toàn ngành ngân hàng sẽ dần phục hồi trong năm 2024 nhờ NIM được cải thiện khi lãi suất huy động giảm nhanh hơn so với lãi suất cho vay. Đồng thời, nhu cầu tín dụng sẽ tăng lên trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi.

Khi các khoản tiền gửi có lãi suất cao huy động trong quý IV/2022 dần đáo hạn, lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng sẽ giảm đáng kể. VIS Rating cho biết trong quý III/2023, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của nhóm ngân hàng quốc doanh và ngân hàng tư nhân đã lần lượt giảm về 5,45% và 5,7%. Ngoài ra, tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cũng bắt đầu phục hồi do môi trường lãi suất thấp.

Do vậy các nhà phân tích kỳ vọng chi phí vốn của các ngân hàng sẽ điều chỉnh giảm đáng kể. Thêm vào đó, nhu cầu tín dụng tăng trong bối cảnh nền kinh tế hồi phục sẽ góp phần làm tăng lợi suất cho vay. 

 

Trong 9 tháng đầu năm, tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản bình quân (ROAA) toàn ngành giảm xuống mức 1,5% từ mức đỉnh 5 năm là 1,7% trong năm 2022.

ROAA sụt giảm dưới ảnh hưởng của việc NIM bị thu hẹp (giảm 0,5 điểm % so với cuối năm 2022) do lãi suất tiền gửi điều chỉnh lên vùng lãi suất cao nhanh hơn so với lãi suất cho vay và nhu cầu tín dụng yếu hơn sau các đợt tăng lãi suất liên tiếp trong quý IV/2022. 

VPBank và Techcombank ghi nhận mức sụt giảm ROAA mạnh nhất lần lượt là 1,6% và 0,7% do lợi suất tài sản suy yếu. VPBank chứng kiến chất lượng các khoản cho vay bán lẻ bị suy giảm đáng kể. Trong khi đó, Techcombank đang áp dụng lãi suất cho vay thấp để hỗ trợ các chủ đầu tư bất động sản. 

Ngoài ra, lợi nhuận của ABBank, TPBank và Eximbank giảm do tăng trưởng tín dụng chậm lại (tăng trung bình 3,8% trong 9 tháng đầu năm 2023) và chi phí tín dụng cao từ tập khách hàng bán lẻ và SME.

 

Các nhà phân tích của VIS Rating dự báo 17/27 ngân hàng được theo dõi sẽ gặp khó khăn trong việc hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm 2023. 

Một số ngân hàng tư nhân sẽ khó có thể đạt được mục tiêu lợi nhuận, chủ yếu do tăng trưởng tín dụng thấp trong 9 tháng đầu năm, chi phí tín dụng tăng cao khi có dấu hiệu suy giảm chất lượng tài sản đáng kể hơn. 

Ngược lại, những ngân hàng có ROAA cải thiện mạnh và đặt kế hoạch tăng trưởng thận trọng vẫn đang trên đà hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cho năm 2023.

 

Thanh khoản hệ thống ổn định

Một yếu tố tích cực khác đối với ngành ngân hàng là việc thanh khoản hệ thống ổn định khi tăng trưởng huy động bắt kịp với tăng trưởng cho vay. 

Tỷ lệ cho vay khách hàng trên tiền gửi khách hàng (LDR) của ngành giữ ổn định ở mức 101%. Theo số liệu được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) công bố, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn (SMLR) toàn ngành trong vào tháng 9 vẫn được duy trì ở mức 28%, thấp hơn mức trần quy định là 30% áp dụng từ tháng 10/2023.

VIS Rating kỳ vọng thanh khoản hệ thống vẫn sẽ ổn định nhờ tăng trưởng tiền gửi mạnh sẽ tiếp tục theo kịp tốc độ tăng trưởng cho vay khi dòng tiền của doanh nghiệp phục hồi cùng với các điều kiện kinh doanh được cải thiện và nguồn vốn ổn định hơn để đáp ứng tỷ lệ SMLR khắt khe hơn. 

 

Minh Quang