|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Những yếu tố làm giảm lợi nhuận ngân hàng trong quý III

07:54 | 27/10/2023
Chia sẻ
Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn khó khăn, nhiều nhà băng đã chứng kiến lợi nhuận tụt dốc khi rơi vào cảnh "thừa tiền" không thể cho vay đủ nhanh để bù đắp chi phí huy động đắt đỏ. Số khác phải nâng chi phí dự phòng lên nhiều lần, khiến lợi nhuận bị ăn mòn.

Tính đến ngày 26/10, đã có 12/28 ngân hàng báo cáo kết quả kinh doanh quý III. Trong số này, chỉ có 4 nhà băng công bố lợi nhuận quý III đi lên so với cùng kỳ năm trước. Tổng lợi nhuận trước thuế của 12 ngân hàng trên đã giảm 11,2% so với cùng kỳ, xuống còn gần 21.150 tỷ đồng.

Nhiều tên tuổi trong danh sách này từng báo lãi đi lên trong quý II thì đến nay lại ghi nhận lợi nhuận sa sút. Vậy nguyên nhân gì đã khiến lãi của các ngân hàng tụt dốc như vậy?.Để phân tích cặn kẽ hơn về nguyên nhân khiến lợi nhuận ngân hàng biến động, người viết lựa chọn xem xét 11 ngân hàng đã có báo cáo tài chính chi tiết.

 

Chi phí lãi tăng nhanh hơn thu nhập lãi

Trong quý III, nhiều ngân hàng rơi vào tình cảnh chi phí lãi tăng mạnh hơn thu nhập lãi, khiến thu nhập lãi thuần sụt giảm so với cùng kỳ. Chi phí lãi tăng cao khi các ngân hàng nâng lãi suất tiết kiệm vào cuối năm ngoái và người dân, doanh nghiệp tiếp tục lựa chọn tiền gửi làm kênh đầu tư.

So với cùng kỳ năm trước, chi phí lãi của 11 ngân hàng đã tăng thêm 62%, đạt gần 42.800 tỷ đông trong khi thu nhập từ lãi chỉ tăng 27%, đạt gần 72.300 tỷ đồng. Tình trạng này khiến thu nhập lãi thuần của 11 ngân hàng trên sụt giảm gần 2.000 tỷ đồng so với cùng kỳ. 

Những ngân hàng ghi nhận thu nhập lãi tăng chậm hơn chi phí lãi sẽ có thu nhập lãi thuần giảm so với cùng kỳ. Mức sụt giảm hoặc tăng lên bằng thu nhập lãi trừ đi chi phí lãi.

Nhìn chung, so với giai đoạn hai quý đầu năm, tỷ lệ chi phí huy động vốn (COF) và chi phí trả lãi của nhiều ngân hàng đã đi xuống trong quý III. Tuy nhiên khi so với mức nền cùng kỳ năm trước, chi phí này vẫn tăng mạnh. 

Cuối năm ngoái, lãi suất huy động đã tăng vọt sau khi NHNN nâng lãi suất điều hành. Sang đến đầu quý II năm nay, lãi suất đã bắt đầu hạ nhưng chi phí vốn của ngân hàng cần có thời gian để điều chỉnh vì các khoản tiền gửi từ giai đoạn trên vẫn chưa đáo hạn hết.

COF tại các ngân hàng trong quý III đều cao hơn so với cùng kỳ. Một số đã ghi nhận sự cải thiện so với quý liền trước.

Sự gia tăng trong chi phí trả lãi mới chỉ là một nửa câu chuyện. Ngân hàng còn gặp khó khi không thể đẩy tiền đi cho vay đủ nhanh, thể hiện ở con số tăng trưởng tín dụng thấp. Tính đến ngày 11/10, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế mới chỉ đạt 6,29%, chỉ bằng một nửa cùng kỳ năm trước và thậm chí còn giảm so với con số cuối tháng 9 (6,92%).

Trong khi đó, người dân vẫn tiếp tục tăng gửi tiền vào các tổ chức tín dụng mặc dù lãi suất tại nhiều ngân hàng liên tục giảm và hiện đã chạm đáy. Ngân hàng đã rơi vào cảnh "thừa tiền", có nguồn vốn dồi dào nhưng lại không thể tìm kiếm khách hàng để cho vay.

Kết quả của tình trạng "thừa tiền" chính là cho vay khách hàng tăng trưởng chậm, khiến thu nhập từ lãi không thể theo kịp đà tăng của chi phí lãi. 

Chi phí dự phòng tăng vọt

Trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, lĩnh vực bất động sản trải qua sóng gió, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đóng băng, chất lượng tài sản của ngành ngân hàng đã đi xuống. Số dư nợ xấu tại nhiều nhà băng trong quý III đã tăng vọt so với cuối năm ngoái. 

Không chỉ có nợ nhóm 3, nhóm 4 và 5 (nợ xấu) tăng lên, nhiều ngân hàng còn xuất hiện tình trạng nhảy nợ nhóm 2. Chất lượng tài sản sa sút khiến chi phí dự phòng tăng vọt, ăn mòn lợi nhuận. Một số nhà băng như BaoViet Bank ghi nhận lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng hơn 6 lần, nhưng vì chi phí dự phòng tăng gần 8 lần nên vẫn báo lãi giảm.

Trong quý III, tổng chi phí trích lập dự phòng của 11 ngân hàng trên đã tăng thêm 1.150 tỷ đồng, tương ứng tăng 14,5%. Lợi nhuận trước thuế được tính toán bằng cách lấy lãi thuần từ hoạt động kinh doanh trừ đi chi phí dự phòng. Do đó, sự gia tăng của chi phí này ảnh hưởng trực tiếp tới lãi trước thuế của ngân hàng.

Phần nhiều ngân hàng tăng trích lập dự phòng, một số tăng đến vài lần so với cùng kỳ.

Thu nhập ngoài lãi là điểm sáng

Với nhiều ngân hàng, thu nhập ngoài lãi chính là yếu tố đã kéo lợi nhuận đi lên trong quý III vừa qua. Tổng cộng 11 ngân hàng đã ghi nhận thu nhập ngoài lãi đạt gần 10.900 tỷ đồng trong quý III, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm trước. Số dư thu nhập ngoài lãi đã tăng lên gần 1.800 tỷ đồng, gần đủ đề bù đắp cho sự sa sút trong thu nhập lãi thuần.

Tại ACB, ngân hàng báo cáo lợi nhuận tăng trưởng cao nhất cho tới nay, thu nhập ngoài lãi, đặc biệt là khoản lãi 882 tỷ đồng từ mua bán chứng khoán đầu tư đã góp phần lớn vào tăng trưởng tổng thu nhập hoạt động (TOI), giúp ngân hàng báo lãi hơn 5.000 tỷ đồng dù chi phí dự phòng cao gấp 5 lần cùng kỳ.

LPBank, một ngân hàng khác báo lãi trong quý III, cũng dựa chủ yếu vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của thu nhập ngoài lãi. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế của Techcombank có thể sụt giảm sâu hơn nữa nếu không nhờ mức tăng 17,8% của thu nhập ngoài lãi.

Ở chiều ngược lại, VPBank - ngân hàng từng xếp thứ ba về lợi nhuận trong 9 tháng đầu năm ngoái, lại ghi nhận giảm 21,5% các khoản thu nhập ngoài lãi. Tuy nhiên, cũng phải nói thêm rằng trong cùng kỳ năm trước, VPBank đã ghi nhận một khoản thu từ phí lớn (hơn 5.000 tỷ) từ hợp đồng hợp tác bảo hiểm với AIA.

Thu nhập ngoài lãi của nhiều ngân hàng tăng trong quý III, giúp hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận.

Minh Quang