Ước tính lợi nhuận ngân hàng quý III: Sacombank có thể tăng tới 63%, Vietcombank tăng 18% so với cùng kỳ
Theo dự báo của Bộ phận phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research), trong quý III/2023, tăng trưởng lợi nhuận các ngân hàng niêm yết dự kiến có sự phân hóa mạnh. Một số như Sacombank, VietinBank, Vietcombank, MB hay ACB có thể ghi nhận tốc độ tăng trưởng lợi nhuận lên tới hai con số.
Trong khi đó, một số ngân hàng như VIB, Techcombank, BIDV, MSB hay VPBank, TPBank có thể chứng kiến lợi nhuận sụt giảm so với cùng kỳ. Trong đó, lợi nhuận của VPBank và TPBank được dự báo sẽ giảm hơn 20% do vấn đề chất lượng tài sản và biên lãi thuần (NIM) phục hồi chậm.
Nhìn chung, so với những lĩnh vực khác trong báo cáo của SSI Research, ngành ngân hàng được đánh giá có triển vọng tốt hơn.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank - Mã: STB) dự kiến sẽ dẫn đầu trong tăng trưởng lợi nhuận quý III/2023. SSI Research kỳ vọng lợi nhuận trước thuế sẽ đạt 2.400 đến 2.500 tỷ đồng trong quý III, tương đương mức tăng 57% đến 63% so với cùng kỳ.
Các nhà phân tích dự kiến mức tăng trưởng tín dụng của Sacombank đạt 8,5%, NIM đi ngang so với quý trước, trong khi tỷ lệ nợ xấu dự kiến đạt khoảng 2%.
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB - Mã: ACB): SSI Research kỳ vọng ACB lãi trước thuế khoảng 4.800 - 5.000 tỷ đồng trong quý III, tăng từ 7 - 12% so với cùng kỳ. Mức tăng trưởng tín dụng được dự báo khoảng 8,5% so với đầu năm.
Các nhà phân tích cho rằng sự chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay sẽ khiến NIM thu hẹp trong quý III. Tỷ lệ nợ xấu dự kiến dao động quanh mức 1,1%. Về triển vọng cả năm, SSI kỳ vọng ACB sẽ đạt 20.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm, ứng với mức tăng trưởng 17% so với cùng kỳ.
Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank - Mã: CTG): Theo các nhà phân tích, do chi phí dự phòng giảm từ mức cao kỷ lục, lợi nhuận trước thuế của VietinBank sẽ tăng 20 - 22%. Trong cùng kỳ năm ngoái, ngân hàng ghi nhận khoản dự phòng rủi ro cao kỷ lục là 8.300 tỷ đồng, khiến lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 4.100 tỷ đồng.
Tăng trưởng tín dụng của ngân hàng vào cuối tháng 9 được dự kiến khoảng từ 11% đến 12% so với cùng kỳ (tương đương mức tăng 9 - 10% so với đầu năm) và NIM đi xuống.
Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (HDBank - Mã: HDB) dự kiến sẽ ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng từ 7% đến 14%, đạt từ 2.900 tỷ đồng đến 3.100 tỷ đồng từ việc bán cổ phiếu VJC.
Các chuyên gia dự báo đà tăng trưởng huy động tiếp tục được duy trì trong quý III với mức tăng trưởng khoảng 50% so với đầu năm, trong khi tăng trưởng tín dụng là 11% - 12% so với đầu năm.
Ngân hàng TMCP Quân đội (MB - Mã: MBB): Các chuyên gia của SSI Research cho rằng tăng trưởng tín dụng mạnh, đạt khoảng 14% so với đầu năm, NIM duy trì ổn định và chất lượng tài sản cải thiện nhẹ sẽ là những động lực chính giúp lợi nhuận quý IIIcó thể đạt khoảng 7.300 - 7.500 tỷ đồng, tăng 16 - 19% so với cùng kỳ.
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - Mã: VCB) được dự báo sẽ tiếp tục có một quý kinh doanh khả quan khi lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 18% so với cùng kỳ, đạt 9.000 tỷ đồng. So với quý liền trước, lợi nhuận của Vietcombank có thể giảm 4%.
Các nhà phân tích từ SSI đánh giá tăng trưởng tín dụng của Vietcombank chậm hơn so với các ngân hàng khác, chỉ ở mức 3,6% tính đến cuối tháng 9/2023. SSI Research cho rằng động lực tăng trưởng chính vẫn đến từ mảng khách hàng doanh nghiệp.
Tuy nhiên, Vietcombank sẽ gặp phải một số thách thức như NIM thu hẹp do tiền gửi tăng 8,3% so với đầu năm, ngân hàng tiếp tục hỗ trợ khách hàng. Chất lượng tài sản của Vietcombank dự kiến sẽ giảm nhẹ, cùng với sự gia tăng của nợ xấu và nợ nhóm 2.
Một đại diện khác trong nhóm Big4 là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - Mã: BID), được dự báo sẽ có lợi nhuận suy giảm trong quý III so với cùng kỳ. Các nhà phân tích từ SSI Research ước tính lợi nhuận trước thuế giảm khoảng 10 đến 12% do áp lực trích lập dự phòng.
Nhìn chung, tăng trưởng tín dụng và huy động của BIDV vẫn được duy trì ở mức tốt, đạt 8,4% và 7,2% so với đầu năm. Các nhà phân tích cho rằng BIDV sẽ tích cực xử lý nợ để duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức hợp lý.
Mặc dù vẫn giữ triển vọng khả quan với cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank - Mã: TCB), SSI Research dự báo lợi nhuận trước thuế của ngân hàng sẽ tụt xuống khoảng từ 5.700 đến 5.900 tỷ đồng trong quý III, tương đương mức giảm từ 12 đến 15% so với cùng kỳ.
Những nguyên nhân được nhắc đến là NIM ngân hàng tiếp tục gặp áp lực khi áp dụng cơ chế linh hoạt lãi suất, chi phí vốn chưa cải thiện do phải giảm tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn xuống dưới 30% từ đầu quý IV. Vào cuối tháng 6, tỷ lệ này của Techcombank đạt mức 31,6%.
Triển vọng trung lập
SSI Research xếp 4 ngân hàng vào mức triển vọng trung lập, bao gồm MSB, TPBank, VIB và VPBank. Dự kiến, lợi nhuận của cả 4 nhà băng này sẽ đều đi xuống trong quý III do những vấn đề như NIM hay áp lực trích lập dự phòng.
Các chuyên gia SSI ước tính lợi nhuận trước thếu của Ngân hàng TMCP Hàng hải (MSB - Mã: MSB) đạt 1.300 - 1.400 tỷ đồng trong quý III, giảm từ 6 đến 13% do NIM thu hẹp. Tăng trưởng tín dụng dự kiến dự kiến sẽ ở mức cao, từ 15 đến 16% so với dầu năm trong khi tăng trưởng huy động chỉ ở mức khoảng 7%.
Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB - Mã: VIB) được kỳ vọng mức lợi nhuận trước thuế đạt 2.700 tỷ đồng, giảm 3% so với quý III năm ngoái do gánh nặng trích lập dự phòng.
Tăng trưởng tín dụng của VIB dự kiến sẽ phục hồi trở lại trong quý III với mức tăng 5% so với đầu năm trong khi vào cuối quý II con số này chỉ là 0,8%.
Ngân hàng TMCP Tiên phong (TPBank - Mã: TPB) lại có lợi nhuận đi xuống chủ yếu đến từ mức nền cao của năm ngoái. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế được kỳ vọng đạt khoảng 1.450 tỷ đồng đến 1.600 tỷ đồng, giảm từ 25 đến 32% so với cùng kỳ.
NIM suy giảm và gánh nặng trích lập dự phòng được cho là những nguyên nhân khiến lợi nhuận trước thuế giảm sút trong quý III. Tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 7,5% so với đầu năm trong khi tăng trưởng huy động dự kiến là 5% so với đầu năm.
Áp lực và NIM và chất lượng tài sản suy giảm vẫn tiếp diễn trong quý III đã ảnh hưởng tới triển vọng của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank - Mã: VPB). Các nhà phân tích cho rằng lợi nhuận trước thuế của VPBank sẽ đạt 3.300 tỷ trong quý III, giảm 27% so với cùng kỳ, bất chấp kết quả tăng trưởng tín dụng từ 18-20% so với đầu năm.
Mặc dù lợi nhuận quý III của VPBank ghi nhận sụt giảm, SSI đánh giá điểm sáng trong bức tranh kinh doanh quý III đến từ kết quả tích cực của FE Credit.
Chia sẻ trong buổi gặp gỡ giữa Thủ tướng và các doanh nhân,bà Phạm Thị Nhung, Phó Tổng Giám đốc VPBank cho biết con số tăng trưởng tín dụng của ngân hàng tới nay đã vượt mức 20%, cao hơn so với mức trung bình toàn ngành.