Hé lộ con số tăng trưởng tín dụng mới nhất của các ngân hàng
Kết thúc quý III, bức tranh chung của toàn ngành ngân hàng vẫn chưa sáng màu khi tăng trưởng tín dụng toàn ngành vẫn ở mức thấp so với cùng kỳ năm trước. Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng tín dụng nền kinh tế tính đến 20/9 đạt 5,73%, vẫn cách khá xa mục tiêu của cả năm (14 - 15%).
Mặc dù lãi suất cho vay đã bắt đầu giảm, ngân hàng liên tiếp tung ra các chương trình ưu đãi, giảm lãi suất, nhưng dư nợ tín dụng vẫn tăng rất chậm, thậm chí có thể giảm. Tăng trưởng tín dụng giữa các ngân hàng có sự phân hoá rõ nét ngay từ đầu năm.
Trong quý II, những ngân hàng có tỷ lệ cho vay cao với ngành bất động sản (BĐS) như Techcombank, HDBank có tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm lại lần lượt 0,57% và 0,19% so với quý trước. Trong khi đó, các nhà băng có tỷ lệ cho vay bán lẻ cao lại ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng ấn tượng như ACB: tăng 5,51%; VIB: tăng 2,19% so với quý trước.
Hai ngân hàng có room tín dụng cao nhất (khoảng 24%) cũng có tăng trưởng tín dụng cao trong quý II: MB tăng 6,49% và VPBank tăng 5%so với quý trước.
Mới đây nhất, chia sẻ tại Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, bà Nguyễn Thị Quỳnh Giao - Phó Tổng Giám đốc BIDV, cho biết tăng trưởng tín dụng của ngân hàng tính đến 26/9/2023 đạt 7%, cao hơn bình quân toàn hệ thống, tuy nhiên trên một số địa bàn như Bắc Ninh dư nợ chỉ tăng 1,7%.
Vị này cho hay BIDV đã tập trung giảm lãi suất cho vay, thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn theo Thông tư 02 và hỗ trợ khách hàng trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn gặp nhiều khó khăn. Tính lũy kế trong 8 tháng đầu năm, BIDV cho hay đã có 580.000 tỷ dư nợ được giảm lãi suất và mức lợi nhuận mà ngân hàng đã giảm để hỗ trợ khách hàng là 3.258 tỷ đồng.
Đại diện một Big4 khác là VietinBank chia sẻ ngân hàng đã ghi nhận tăng trưởng tín dụng tích cực so với mặt bằng chung thị trường, tuy nhiên vẫn xa so với kế hoạch.
"Tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng đến nay đã đạt gần 9% nhưng vẫn còn xa so với con số được NHNN giao là 14%", Phó Tổng Giám đốc Đỗ Thanh Sơn chia sẻ tại cuộc gặp kết nối doanh nghiệp và ngân hàng tại Hà Nội ngày 21/9. Vào cuối tháng 6, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng đạt 6,6% so với cuối năm trước.
Mặc dù chưa tiết lộ con số tăng trưởng tín dụng toàn ngân hàng nhưng, ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Vietcombank cho hay tại địa bàn Hà Nội, nơi tập trung nhiều khách hàng doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhà nước nhưng tín dụng của Vietcombank lại giảm 2,2%.
"Dư nợ FDI, một lĩnh vực mạnh của Vietcombank, giảm 19,1% trong 8 tháng đầu năm sau 1 chu kỳ tăng rất tốt trước đó.", ông Tùng nói.
Bên cạnh đó, lĩnh vực kinh doanh bất động sản (BĐS) và cho vay tiêu dùng BĐS (mảng chiếm tỷ trọng 70% của ngân hàng -PV) cũng giảm mạnh do thị trường gặp nhiều biến động khó khăn. Cho vay BĐS khách hàng cá nhân khu vực Hà Nội giảm 15% trong khi tăng trưởng của nhóm khách hàng doanh nghiệp chưa thể bù được việc sụt giảm từ phía khách hàng cá nhân.
Cũng tại sự kiện trên, ông Phan Thanh Sơn - Phó Tổng Giám đốc Techcombank cũng cho hay đến cuối tháng 8 ngân hàng đạt tăng trưởng tín dụng gần 11% và sẽ cố gắng đạt chỉ tiêu tăng trưởng mà NHNN cấp từ giờ đến cuối năm.
Ông Sơn nhận định lãi suất không phải là vấn đề cốt yếu khiến tăng trưởng tín dụng thấp mà là do rủi ro từ môi trường kinh doanh và những yếu tố khác ảnh hưởng đến việc đưa ra các quyết sách đầu tư. Từ đầu năm Techcombank đã 4 đợt giảm lãi suất cả cho khách hàng mới và cũ, tổng dư nợ áp dụng là 21.000 tỷ đồng.
Phó Tổng Techcombank kỳ vọng sự song hành của chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá sẽ hỗ trợ nền kinh tế tăng trưởng trong những tháng cuối năm, từ đó tác động tích cực lên nhu cầu tín dụng.
Theo ghi chép của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) tại cuộc gặp với ngân hàng, phía ACB cho biết tình hình tăng trưởng tín dụng đã cải thiện đạt 7% tại thời điểm cuối tháng 8, kỳ vọng mỗi tháng tăng thêm 1-1,5% được dẫn dắt tăng trưởng bởi tất cả các khối. Tăng trưởng tín dụng cả năm dự kiến ở mức 12 - 14%.
Tại buổi gặp gỡ vào ngày 15/9, VIB chia sẻ với VDSC tăng trưởng tín dụng đã đạt 3%, cải thiện so với mức 0,9% vào cuối tháng 6. Tăng trưởng được dẫn dắt bởi khối ngân hàng bán lẻ với các sản phẩm như cho vay mua BĐS và vay hộ kinh doanh trong khi cho vay mua ô tô đang chậm lại. Mức tăng trưởng tín dụng cả năm dự kiến ở mức 10 – 12% thấp hơn room được cấp là 14,25%.
Lãi suất cho vay mua BĐS ưu đãi trong năm đầu tiên tại VIB đang được cố định ở mức khoảng 9,5%/năm, giảm mạnh so với mức lãi suất cho vay hồi đầu năm (thả nổi khoảng 16 – 17%/năm).
Ngân hàng cho biết để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, bên cạnh chính sách cho vay mua các tài sản bảo đảm thanh lý hấp dẫn, VIB sẽ nâng trần giá trị khoản vay mà các đơn vị kinh doanh có thể tự phê duyệt để thúc đẩy hoạt động bán hàng.
VDSC ước tính tăng trưởng tín dụng của VIB sẽ đạt xấp xỉ 12% nhờ nhu cầu tín dụng phục hồi tốt hơn trong bối cảnh lãi suất cho vay đã giảm mạnh và được dẫn dặt bởi sản phẩm cho vay mua nhà.