|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tiền gửi vào ngân hàng vẫn tăng dù lãi suất tiết kiệm đã chạm đáy

08:13 | 26/10/2023
Chia sẻ
Tiền gửi của cả người dân và các tổ chức kinh tế đều tạo đỉnh trong tháng 8, bất chấp việc lãi suất ngân hàng đã xuống mức thấp kỷ lục.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tiền gửi vào hệ thống ngân hàng của người dân lẫn tổ chức kinh tế (TCKT) đều tăng lên mức cao nhất trong lịch sử vào tháng 8. Tiền gửi vẫn tiếp tục tăng lên bất chấp việc lãi suất ngân hàng liên tục được điều chỉnh giảm.

Vào tháng 8, tiền gửi của dân cư đạt 6,43 triệu tỷ đồng, nhích thêm 43.700 tỷ đồng so với tháng liền trước, và đạt tốc độ tăng trưởng 9,68% kể từ đầu 2022.

Tiền gửi của TCKT tăng thêm 103.500 tỷ đồng so với tháng 7, lên mức 6,01 triệu tỷ đồng, tương ứng với tốc độ tăng trưởng 1% kể từ đầu năm. Tổng phương tiện thanh toán đạt 14,8 triệu tỷ đồng, tăng 4,04% so với thời điểm cuối năm 2022. 

Số dư tiền gửi của TCKT và dân cư. 

Vào tháng 8, cả tiền gửi của TCKT và tiền gửi của dân cư đều đã lên mức cao nhất trong lịch sử, bất chấp việc lãi suất ngân hàng liên tục được điều chỉnh giảm. 

Theo dữ liệu từ WiChart, vào cuối tháng 8, lãi suất huy động kỳ hạn tại nhóm ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước đều được hạ xuống còn 5,8%/năm. Lãi suất tại các NHTM lớn là 5,75%/năm, trong khi tại các NHTM nhỏ là 6,25%. Mức lãi suất trên gần với đáy từng được ghi nhận trong giai đoạn đại dịch COVID. 

Cho tới nay, lãi suất ngân hàng đã tiếp tục giảm thêm từ 0,47 điểm % tới 0,62 điểm % tại từng nhóm ngân hàng. Tính đến ngày 25/10, lãi suất huy động của NHTM nhà nước kỳ hạn 12 tháng đang là 5,25%/năm, trong khi tại các NHTM lớn là 5,28%, còn nhóm NHTM nhỏ ghi nhận lãi suất tiền gửi 5,63%. 

Lãi suất huy động tại các nhóm ngân hàng đều đã xuống mức thấp nhất.

Việc tiền gửi tăng lên trong khi tăng trưởng tín dụng chậm hơn so với cùng kỳ đã gây ra tình trạng "thừa tiền" trong hệ thống ngân hàng, gây áp lực lên tỷ giá. Tính đến ngày 11/10, tăng trưởng tín dụng mới chỉ đạt 6,29%, thấp hơn mức 6,92% vào cuối tháng 9 và thấp đáng kể so với cùng kỳ năm trước.

Ngân hàng thừa tiền trong khi doanh nghiệp lại kêu thiếu vốn là bài toán khó cho nhà điều hành ở thời điểm hiện tại. Tuy vậy, nhà điều hành cũng đang thể hiện thông điệp sẽ tiếp tục duy trì chính sách như hiện tại, tiếp tục giảm lãi vay để đưa vốn ra nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng.

Tuy vậy, lãi suất cho vay vẫn đang giảm rất chậm, chậm hơn nhiều so với tốc độ giảm lãi suất tiền gửi. Báo cáo trước Quốc hội, Ủy ban Kinh tế cho biết NHNN đã 4 lần liên tiếp hạ lãi suất điều hành với mức giảm từ 0,5 điểm % đến 2 điểm %/năm. Tuy nhiên, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới vào cuối tháng 8/2023 mới chỉ giảm khoảng 1 điểm % so với cuối năm 2022. 

Từng có nhiều đề xuất về việc hạ chuẩn cho vay để đẩy vốn ra nền kinh tế, tuy nhiên việc này rất khó khả thi. Phát biểu trong một hội thảo gần đây, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết chưa thể giải quyết ngay tình trạng thừa tiền bởi ngành ngân hàng vẫn cần phải đảm bảo an toàn hoạt động, nếu hạ tiêu chuẩn cho vay quá mức có thể gây ra tình trạng đổ vỡ hệ thống.

Minh Quang

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).