|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tăng trưởng tiền gửi thấp hơn nhiều cho vay ra

15:02 | 03/10/2024
Chia sẻ
Tiền gửi của người dân và tổ chức kinh tế đã đạt hơn 13,52 triệu tỷ đồng vào cuối tháng 7, tăng 1,1% so với thời điểm cuối năm 2023.

Theo số liệu vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố, đến cuối tháng 7, tiền gửi cả khách hàng cá nhân và tổ chức kinh tế tại các tổ chức tín dụng (TCTD) đạt 13,52 triệu tỷ đồng, tăng 1,1%, khoảng 150.000 tỷ đồng nếu so với cuối năm 2023. Tuy nhiên vào tháng trước, tổng tiền gửi khách hàng đã lên mức 13,72 triệu tỷ đồng, tăng 2,6% so với đầu năm. 

Tính đến cuối tháng 7, tiền gửi dân cư đã tăng lên 6,84 tỷ đồng, tăng 4,68% so với đầu năm và lập ra kỷ lục mới. Riêng trong tháng 7, tiền gửi dân cư đã tăng khoảng 21.000 tỷ đồng.

Tiền gửi của tổ chức kinh tế đạt 6,77 triệu tỷ đồng, giảm 1,07% so với đầu năm. Trước đó vào cuối tháng 6, tiền gửi của nhóm này đã lên kỷ lục 6,91 triệu tỷ đồng. 

Ngoài ra, dữ liệu của NHNN cho biết tổng phương tiện thanh toán tính đến cuối tháng 7 đạt hơn 16,4 triệu tỷ đồng, tăng 2,52% so với đầu năm. 

Tiền gửi dân cư tiếp tục lập kỷ lục mới.


Trong những tháng đầu năm 2024, tăng trưởng tiền gửi đang chậm hơn so với huy động. Cụ thể, theo số liệu từ NHNN, tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 7 đạt 5,93% so với đầu năm, trong khi huy động từ dân cư và tổ chức kinh tế chỉ là 1,1%.

Xét về số liệu tuyệt đối, vào cuối năm ngoái, dư nợ tín dụng và tổng huy động từ dân cư, tổ chức kinh tế lần lượt đạt 13,57 triệu tỷ đồng và 13,38 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên đến cuối tháng 7, dư nợ tín dụng đã lên 14,37 triệu tỷ đồng, trong khi tổng huy động mới chỉ đạt 13,52 triệu tỷ đồng.

Sau khi chạm đáy vào cuối tháng 3, đầu tháng 4, lãi suất huy động tại các ngân hàng đã bắt đầu tăng lại. Tuy nhiên, kể từ tháng 8, tốc độ tăng lãi suất đã chậm lại. 

Trong báo cáo ngành ngân hàng quý III/2024, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đã dự báo xu hướng tăng của lãi suất trong những tháng còn lại của năm 2024 sẽ khó tiếp diễn và có độ phân hóa giữa các ngân hàng. 

Với nhóm ngân hàng quốc doanh, lãi suất huy động kỳ vọng sẽ đi ngang, hoặc có thể giảm nhẹ vào thời điểm cuối năm, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế chịu tác động do ảnh hưởng từ các diễn biến thiên tai thời gian gần đây.

Trong khi đó, đối với nhóm ngân hàng TMCP tư nhân, áp lực tăng nhẹ đối với lãi suất huy động vẫn còn để tăng cường huy động vốn nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Nhóm những ngân hàng có mức độ phụ thuộc vào tiền gửi khách hàng lớn và cơ cấu huy động vốn kém linh hoạt sẽ chịu áp lực lớn hơn, VCBS nhận định.

Tuy nhiên, các chuyên viên phân tích cũng chỉ ra một loạt yếu tố có thể tác động tới mặt bằng lãi suất huy động trong những tháng cuối năm, bao gồm chênh lệch huy động - tiền gửi, nhu cầu vốn cuối năm và cầu tín dụng bất động sản.  

Minh Quang

Sóng bộ ba cổ phiếu ‘bank, chứng, thép’ liệu có trở lại?
Giai đoạn gần đây thị trường chứng kiến nhịp tăng giá luân phiên của cổ phiếu ngành ngân hàng và thép. Diễn biến này gợi nhớ câu chuyện bộ ba cổ phiếu ngân hàng, thép và chứng khoán thay nhau dẫn sóng giai đoạn 2021 - 2022. Liệu kịch bản này có lặp lại?