Tiền gửi dân cư đạt mức kỷ lục, ngân hàng lại càng thừa tiền
Theo số liệu mới công bố của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 7, tiền gửi của dân cư vào hệ thống ngân hàng tăng mạnh 8,93% so với cuối năm ngoái, đạt gần 6,4 triệu tỷ đồng trong khitiền gửi của các tổ chức kinh tế giảm 0,74% đạt hơn 5,9 triệu tỷ đồng.
Riêng trong tháng 7, tiền gửi của cư dân tăng 6.707 tỷ đồng so với tháng trước, trong khi tiền gửi của các tổ chức kinh tế giảm 74.217 tỷ đồng.
Xu hướng trên biểu đồ dưới đây cho thấy, tiền gửi dân cư đã duy trì đà tăng trưởng suốt từ đầu năm mặc dù lãi suất huy động tại các ngân hàng liên tục giảm mạnh, đặc biệt từ sau khi NHNN thực hiện 4 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành.
Chia sẻ tạiDiễn đàn Kinh tế - Xã hội năm Việt Nam 2023 trong tháng 9, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú cho biết mặt bằng lãi suất đang có xu hướng giảm dần, hiện lãi suất cho vay bình quân khoảng 7,9%/năm đối với cho vay mới, lãi suất huy động là 4,7%/năm.
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý IV do NHNN thực hiện cho thấy các tổ chức tín dụng kỳ vọng bình quân mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tiếp tục giảm từ 0,26 đến 0,35 điểm % trong quý cuối cùng của năm.
Số dư tiền gửi tiếp tục tăng trong khi lãi suất ở mức thấp cho thấy người dân đang không có quá nhiều lựa chọn đầu tư, một phần lo sợ rủi ro khi đầu tư vào sản xuất, chứng khoán và bất động sản. Khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế thấp sẽ khiến cho tiền sẽ vẫn nằm nhiều trong hệ thống ngân hàng.
Chuyên gia kinh tế TS. Đinh Thế Hiển nhận định: "Nhìn chung, trong giai đoạn khó khăn, người dân sẽ đều đổ tiền vào ngân hàng". Ông giải thíchngười dân sẽ không lựa chọn các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản so lo sợ rủi ro và cả những kênh đầu tư mở rộng kinh doanh cũng không thấy triển vọng.
Những e ngại về triển vọng kinh doanh của các ngành cũng một phần được thể hiện qua con số tăng trưởng tín dụng khá khiêm tốn trong 9 tháng đầu năm. Theo số liệu cập nhật nhất đến thời điểm hiện tại tính đến ngày 29/9, tăng trưởng tín dụng đạt 6,92% so với cuối năm ngoái, mặc dù đã tăng nhanh trong nửa cuối tháng 9 nhưng vẫn chỉ bằng một nửa chỉ tiêu được đặt ra cả năm.
Chia sẻ tại hội nghị giữa ngân hàng với doanh nghiệp tại Hà Nội cuối tháng 9, Tổng Giám đốc Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng cho biết huy động vốn của ngân hàng đã gấp 6 lần quy mô dư nợ từ đầu năm tới giờ. "Lượng vốn huy động của Vietcombank đang không được đưa vào sử dụng và đang chịu chi phí cho phần đó và rất muốn đưa phần đó vào thị trường", ông nói.
"Ngân hàng đang thừa vốn, chúng tôi tìm mọi cách đẩy vốn ra nhưng nền kinh tế không hấp thụ được. Trong khi đó lãi suất đã giảm đến mức không thể giảm được nữa, giảm nữa thì ngân hàng sẽ lỗ", Giám đốc Chi nhánh tỉnh của LPBank từng chia sẻ.
Trước bối cảnh đó, nhà điều hành và cả các ngân hàng thương mại cũng đang liên tục tìm cách để đưa vốn vào nền kinh tế. Hàng loạt chương trình cho vay ưu đãi được tung ra với lãi suất thấp khi cuộc đua tăng trưởng tín dụng đi vào quý cuối cùng của năm.
Trong cuộc khảo sát nói trên, các TCTD kỳ vọng dư nợ toàn hệ thống ngân hàng sẽ tăng 4,6% trong quý IV và tăng 12,3% trong cả năm 2023. Mức kỳ vọng này thấp hơn 0,2 điểm % so với kết quả trong kỳ điều tra quý III.