Lãi suất tiền gửi cao nhất tại các Big4 đã về 5,3%/năm
Theo biểu lãi suất được công bố ngày 10/10, ba Big4 ngân hàng còn lại là VietinBank, BIDV và Agribank đã đồng loạt đưa lãi suất tiết kiệm cao nhất về 5,3%, áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng trở lên.
Động thái của các ngân hàng này đi sau Vietcombank, Big4 đã đưa lãi suất tiết kiệm cao nhất về 5,3% hồi đầu tuần trước.
Cụ thể, ở kỳ hạn 1 tháng, ba ngân hàng tiếp tục duy trì mức lãi suất tiền gửi 3%/năm, tương tự hai đợt điều chỉnh trước. Với kỳ hạn 3 tháng, khách hàng chỉ còn nhận được lãi suất 3,3%/năm, giảm 0,2 điểm % so với lần điều chỉnh gần đây.
Đối với kỳ hạn 6 tháng, lãi suất tiết kiệm được hạ thêm 0,2 điểm %, xuống còn 4,3%/năm. Tại kỳ hạn 12 tháng, cả ba ngân hàng đã cùng đưa lãi suất cao nhất từ 5,5%/năm xuống còn 5,3%/năm, tương đương mức giảm 0,2 điểm %. Tại những kỳ hạn cao hơn 12 tháng, lãi suất tiết kiệm cũng đều được đưa về tối đa 5,3%/năm, giảm 0,2 điểm %.
Mặc dù nhóm Big4 đã đưa lãi suất về mức đáy kỷ lục, thấp hơn cả giai đoạn COVID (quanh mức 5,8%/năm), vẫn còn một số ngân hàng thương mại cổ phần có biểu lãi suất tiền gửi thấp hơn. Cụ thể, ABBank đã áp dụng lãi suất 4,9%/năm cho kỳ hạn 9 tháng và 4,7%/năm cho kỳ hạn 12 tháng. MSB đang đưa ra lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng là 5,1%/năm.
Ngoài ra, một số nhà băng như Techcombank, SeABank hay GPBank cũng đang công bố biểu lãi suất từ 5,35%/năm đến 5,45%/năm cho kỳ hạn 12 tháng, gần tương đương với nhóm Big4.
Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý IV do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện, các tổ chức tín dụng kỳ vọng bình quân mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tiếp tục giảm từ 0,26 đến 0,35 điểm % trong quý cuối cùng của năm.
Mặc dù lãi suất tiền gửi đã giảm mạnh kể từ đầu năm như số dư tiền gửi của dân cư vào ngân hàng vẫn tiếp tục tăng lên. Theo số liệu mới công bố của NHNN, tính đến cuối tháng 7, tiền gửi của dân cư tăng 8,93% so với cuối năm ngoái, đạt gần 6,4 triệu tỷ đồng. Trong khi đó, tiền gửi của tổ chức kinh tế giảm 0,74%, đạt 5,9 triệu tỷ đồng.
Số dư tiền gửi tiếp tục tăng trong khi lãi suất ở mức thấp cho thấy người dân đang không có quá nhiều lựa chọn đầu tư, một phần cũng lo sợ rủi ro khi đầu tư vào sản xuất, chứng khoán và bất động sản. Khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế thấp sẽ khiến cho tiền sẽ vẫn nằm nhiều trong hệ thống ngân hàng, gây ra tình trạng thừa tiền, được thể hiện qua con số tăng trưởng tín dụng thấp, chỉ đạt 6,92% so với cuối năm ngoái.