Ngân hàng nói gì khi DN phản ánh lãi vay giảm quá chậm so với lãi suất huy động?
Chia sẻ tại Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, vấn đề lãi suất cho vay tiếp tục là điểm nóng được các doanh nghiệp đề cập tới.
Bà Nguyễn Thị Vinh, Chủ tịch Hội nữ doanh nhân tỉnh Thái Nguyên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên, Tổng Giám đốc CTCP Thương mại Thái Hưng, đánh giá cao việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đẩy mạnh tần suất tiếp xúc, trao đổi giữa ngân hàng - doanh nghiệp, cũng như chỉ đạo hạ lãi suất 4 lần để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, bà cho biết hiện nay tình hình doanh nghiệp còn rất khó khăn, việc giảm lãi suất cho vay vẫn còn quá chậm so với việc giảm lãi suất huy động. "Lãi suất tiền gửi giảm rất nhanh, tuy nhiên lãi suất cho vay lại không đồng tốc, giảm rất chậm. Cho tới nay, ít nhất lãi suất huy động đã giảm 2 điểm %, nhưng lãi suất cho vay mới giảm 0,5 - 1 điểm %”, bà Vinh nói.
Bà cũng cho hay khi trao đổi về vấn đề này thì ngân hàng tại địa phương có phản hồi là "giảm 1% là nhiều vì ngân hàng cũng khó khăn".
Ông Bùi Sỹ Dân, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Thái Nguyên, Giám đốc Công ty TNHH Quang Dương Thái Nguyên, chia sẻ trước đây khi nền kinh tế tăng trưởng tích cực, lãi suất tới 18 - 19%/năm thì doanh nghiệp vẫn kinh doanh tốt nhưng thời điểm hiện tại hoạt động kinh doanh không hiệu quả, áp lực lãi vay trở nên rất lớn.
Ông kỳ vọng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới. “Tôi tin chắc rằng nếu NHNN vào cuộc sâu hơn nữa, lãi suất ngân hàng cũng có thể giảm thêm”, ông nói.
Giải đáp vấn đề này, bà Bùi Thuý Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, cho biết để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, NHNN đã hạ lãi suất điều hành đồng thời chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm lãi vay.
“Thực tế, tới thời điểm hiện tại, lãi suất cho vay mới đã đạt khoảng 8%/năm. So với cuối năm 2022, lãi suất huy động và cho vay đã giảm khoảng 1 điểm %/năm”, bà Hằng cho biết.
Về vấn đề lãi suất cho vay giảm chậm hơn lãi suất huy động, đại diện NHNN cho biết vào cuối năm ngoái, do bối cảnh kinh tế và tình hình thanh khoản, lãi suất huy động ở mức khá cao nên các ngân hàng cũng phải tăng lãi suất cho vay để cân đối nguồn. "Cho nên đến nay lãi suất cho vay vẫn chịu một phần chi phí cao”, bà Hằng giải thích.
Tuy nhiên, bà Hằng khẳng định rằng NHNN vẫn sẽ tiếp tục chỉ đạo các TCTD giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới và giảm cả những lãi suất với hợp đồng tín dụng hiện hữu với khách hàng.
Trước đó, tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm Việt Nam 2023 sáng 19/9, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng cho hay việc giảm lãi suất cũng phải từng bước và chắc chắn có độ trễ bởi vì có những khoản cho vay 1 - 2 năm mới thu nợ hay những khoản tiền gửi vài năm mới đáo hạn.
"Việc điều hành lãi suất cần phải thận trọng bởi nếu như mà quyết liệt quá hay nóng vội quá thì có thể dẫn đến một thời điểm nào đó khi độ trễ khi bắt đầu thực hiện được tác động đến nền kinh tế thì có thể dẫn đến sự thái quá và lúc đó lại phải cần chi phí để xử lý hiện tượng thái quá đó và đặc biệt trong vấn đề lãi suất", Phó Thống đốc Đào Minh Tú phân tích.