Nga thách thức ngôi thống trị của Australia và Indonesia trên thị trường than châu Á
Nhu cầu điện khiến châu Á và châu Phi vẫn 'khát' than | |
Than đá giúp nước Mỹ vĩ đại, giờ nó đang kiềm chế |
Nga đang tìm đến châu Á, nơi nhu cầu tiêu thụ than có thể sẽ tăng khi nhiều nhà máy nhiệt điện đốt than sắp đi vào hoạt động tại Ấn Độ và Đông Nam Á.
Vào cuối tháng 8, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak công bố mục tiêu tham vọng nâng gấp đôi xuất khẩu than của nước này đến châu Á vào năm 2025 từ khoảng 100 triệu tấn trong năm nay.
Tổng thống Vladimir Putin cũng hối thúc các công ty tài nguyên Nga đầu tư mạnh hơn nữa vào cơ sở hạ tầng phục vụ xuất khẩu, trong đó có các cảng và tuyến Đường sắt Xuyên Siberia. “Môi trường kinh doanh hiện tại cho phép Nga tăng cường tiếp cận thị trường than toàn cầu, để nâng cao vị thế và tăng thị phần của Nga”, Tổng thống Putin cho biết hồi cuối tháng 8.
SUEK, công ty khai thác than lớn nhất nước Nga, đang mở rộng cảng Vanino tại vùng Viễn đông của nước này. Cảng này bắt đầu vận hành thương mại vào năm 2009 và dự kiến sẽ trung chuyển khoảng 20 triệu tấn than trong năm nay.
SUEK muốn tăng cường xuất khẩu sang Thái Lan, Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á khác. Nguồn: SUEK. |
Trao đổi với tờ Nikkei Asian Review, SUEK cho biết công ty có kế hoạch nâng 80% công suất xuất khẩu hàng năm lên 40 triệu tấn. SUEK muốn tăng cường xuất khẩu sang Thái Lan, Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á khác, nơi nhu cầu dự kiến sẽ ở mức cao, tương tự như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc – ba quốc gia nhập khẩu than lớn nhất tại châu Á.
Một quan chức phụ trách xuất khẩu thị trường châu Á của SUEK cho biết nhiều quốc gia nhập khẩu trong khu vực có thể cắt giảm chi phí thu mua bằng cách nhập khẩu từ Nga do tuyến đường vận chuyển ngắn hơn so với Australia.
Tiêu thụ than thời gian qua giảm mạnh tại châu Âu do các quan ngại về môi trường, trong khi các nước châu Á vẫn chưa muốn từ bỏ nguồn năng lượng giá rẻ này.
SUEK đang mở rộng cảng Vanino tại vùng Viễn đông Nga. Nguồn: SUEK. |
Theo số liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), sản lượng than toàn cầu tăng 3% lên 7,55 tỷ tấn trong năm 2017. Cũng trong năm này, tiêu thụ than giảm tại các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) nhưng tăng lần lượt 0,4% tại Trung Quốc và 4,4% tại Ấn Độ. Trong bối cảnh xuất khẩu sang châu Âu sụt giảm, Nga không còn lựa chọn nào khác ngoài chuyển hướng sang châu Á.
Trong dự báo mới nhất, tập đoàn dầu khí BP của Anh ước tính tiêu thụ than toàn cầu vào năm 2040 sẽ gần như không đổi so với năm 2016.
Nga cung cấp 9% trong tổng lượng than nhập khẩu của Nhật Bản trong năm 2017, tăng 3 điểm phần trăm so với năm 2012. Australia và Indonesia là hai nhà cung cấp than lớn nhất của Nhật Bản, thế nhưng các công ty năng lượng nước này đang đẩy mạnh nhập khẩu than Nga để giảm phục thuộc vào Australia.
Giá than toàn cầu bắt đầu phục hồi trong năm ngoái và hiện đang gần đỉnh 6 năm. Australia và Indonesia cũng đang tăng sản lượng nhằm cạnh tranh với Nga.
Trong bối cảnh đồng rupiah Indonesia gần đây chạm đáy 20 năm, nước này hy vọng sẽ nâng sản lượng than xuất khẩu. “ Chỉ có hai điều cốt lõi: đầu tư phải tiếp tục được đẩy mạnh và xuất khẩu cũng phải tăng để chúng ta có thể giải quyết tình trạng thâm hụt tài khoản vãng lai”, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết vào ngày 5/9.
Chính phủ Indonesia đã thực hiện các giải pháp nhằm cải thiện cán cân thương mại và hỗ trợ đồng rupiah, trong đó có cải cách chính sách nhằm tăng xuất khẩu than. Trong tháng 8, nước này đã nâng mục tiêu sản lượng than toàn quốc trong năm nay thêm 100 triệu tấn lên 585 triệu tấn. Sản lượng tăng thêm được miễn trừ với quy định buộc các công ty khai thác than bán 25% sản lượng tại thị trường trong nước với giá cố định.
Trong khi đó, Australia cũng chứng kiến xuất khẩu than lập kỷ lục mới ở 19,87 triệu tấn vào tháng 7. “Những ai cho rằng than đã chết lại một lần nữa bị chứng minh là sai lầm”, Bộ trưởng Tài nguyên Australia Matt Canavan cho biết.
Xem thêm |