Nhu cầu điện khiến châu Á và châu Phi vẫn 'khát' than
Than đá giúp nước Mỹ vĩ đại, giờ nó đang kiềm chế | |
Ngành than Australia sắp có thương vụ IPO lớn nhất lịch sử |
Theo số liệu của tập đoàn dầu khí BP, sản lượng điện than ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương (cột màu đen) tăng dần đều trong giai đoạn 2007-2017 trong khi lại giảm ở các khu vực khác. Ảnh: WSJ |
Nhiệt điện than chưa hết sức hấp dẫn
Than vẫn là nguồn năng lượng số một trên toàn cầu để sản xuất điện dù các lo ngại ngày càng tăng cao về tình trạng biến đổi khí hậu do khí thải nhà kính từ các hoạt động đốt than.
Than đóng góp 38% tổng sản lượng điện toàn cầu trong năm 2017, ngang với mức vào năm 1998, theo một báo cáo gần đây của tập đoàn dầu khí BP.
Theo Cục Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), sản lượng than của Mỹ xuất khẩu sang châu Á tăng hơn gấp đôi trong năm 2017 và được dự báo tiếp tục tăng trưởng trong năm nay.
EIA dự báo nhiều nước châu Á và châu Phi sẽ tăng cường xây dựng các nhà máy nhiệt điện than để nâng cao sản lượng điện đến năm 2040. Một số nước châu Á như Ấn Độ, Việt Nam… đang lên kế hoạch cho các dự án nhà máy điện than mới.
Tại Mỹ, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã đề xuất đảo ngược các quy định từ thời Tổng thống Barack Obama về siết chặt quản lý khí thải từ hoạt động đốt than.
Sự hồi phục của thị trường than nhiệt lượng cao vào năm ngoái đã giúp lợi nhuận và giá cổ phiếu của các công ty khai khoáng tăng đáng kể. Một trong những công ty khai khoáng lớn nhất thế giới được hưởng lợi nhờ sự hồi phục này là Glencore (Thụy Sĩ). Hồi tháng 3, Glencore đã chi 1,7 tỉ đô la để thâu tóm các mỏ than ở Úc vì tập đoàn này đặt cược rằng, nhu cầu than ở Đông Nam Á vẫn duy trì vững mạnh.
Trong khi đó, lượng khí thải carbon trên toàn cầu từ than và các nhiên liệu hóa thạch khác tăng 1,4% trong năm 2017 sau ba năm không tăng. Mức tăng này là do tăng trưởng kinh tế và nhu cầu năng lượng tăng cao ở châu Á, theo IEA.
Các chuyên gia cho rằng, các khí thải nhà kính như carbon có liên quan đến hiện tượng nóng lên toàn cầu và các mẫu hình thời tiết ngày càng cực đoan. Các hoạt động đốt than là một trong những thủ phạm chính gây ra các vấn đề sức khỏe cho con người.
Bắt đầu từ năm 2010, Ngân hàng Thế giới (WB) đã ngưng tài trợ vốn cho các dự án liên quan đến than vì mối liên hệ giữa than với hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Nhiều ngân hàng quốc tế khác cũng nói không với các dự án nhiên liệu hóa thạch. Năm ngoái, Ngân hàng Deutsche Bank (Đức) cho biết sẽ không cấp vốn vay cho các dự án nhiệt điện than hoặc khai thác than. Hồi tháng 7-2018, tổ chức tài chính Lloyds Banking Group (Anh) tuyên bố ngưng cung cấp các khoản vay cho các dự án than mới.
Dù vậy, các nhà máy nhiệt điện than vẫn có sức hấp dẫn vì chúng ít tốn kém hơn nhiều so với việc đầu tư cho các dự án phát triển năng lượng tái tạo. Chi phí để xây dựng một nhà máy năng lượng tái tạo cao gấp đôi chi phí xây dựng một nhà máy nhiệt điện than.
Dù nhiều quan chức chính phủ ở các nước đang phát triển nói rằng, họ muốn hạn chế sử dụng than để chống biến đổi khí hậu nhưng họ phải đối mặt với thách thức lớn trong nỗ lực này vì kinh tế sẽ tăng trưởng trì trệ nếu sản lượng điện không đáp ứng đủ nhu cầu.
Các nền kinh tế đang phát triển khó “dứt bỏ” than
Dự án nhà máy nhiệt điện than trên đảo Matarbari, đông nam Bangladesh đã được động thổ hồi đầu năm nay. Ảnh: The Daily Star |
Bảo đảm sự cân bằng giữa phát triển kinh tế và hạn chế sử dụng than để sản xuất điện là điều cực kỳ khó khăn ở nhiều nước đang phát triển đặc biệt là tại Nigeria, nền kinh tế lớn nhất châu Phi, nơi có trữ lượng than dồi dào và rẻ nhưng có đến 54% trong tổng số 190 triệu dân của nước này không có điện sinh hoạt.
Nigeria đang lên kế hoạch xây dựng các nhà máy điện than để cung cấp điện cho người dân.
Hiện nay, tất cả sản lượng điện của Nigeria đều dựa vào các nhà máy thủy điện và các nhà máy điện khí nhưng các hoạt động phá hoại đường ống dẫn khí thường xuyên xảy ra khiến sản lượng điện không ổn định và thường xuyên bị thiếu hụt.
Đến năm 2030, Nigeria dự kiến sẽ bổ sung 30 GW điện, trong đó khoảng 30% được sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo và khoản 3% từ than. Dự án này sẽ tiêu tốn 3,5 tỉ đô la mỗi năm.
WB đã phê duyệt khoản vay 350 triệu đô la cho các mạng lưới điện mặt trời nhỏ và các thiết bị khác để cung cấp điện ở Nigeria nhưng WB cho biết sẽ không cung cấp vốn cho các dự án liên quan đến than ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới. Các quan chức WB nói rằng, các nước tìm kiếm nguồn vốn vay để phát triển các dự án liên quan đến than nên tiếp cận các tổ chức tài chính tư nhân.
Nigeria có trữ lượng than lên đến 2 tỉ tấn và một số nhà kinh tế cho rằng, sử dụng than để sản xuất điện, mở rộng cung cấp điện cho người dân có thể mang lại lợi ích lớn cho nền kinh tế.
Một số nước khác châu Phi đang cân nhắc mở rộng các dự án liên quan đến than với hy vọng rằng, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ ủng hộ các dự án này vì Đạo luật Điện hóa châu Phi, được quốc hội Mỹ thông qua năm 2016, đã thiết lập các quỹ hỗ trợ cho các dự án năng lượng ở châu Phi mà không đặt điều kiện năng lượng này sẽ được sản xuất từ nguồn nào.
Tại châu Á, nơi có trữ lượng than lớn nhất thế giới, Trung Quốc và Ấn Độ chiếm hầu hết mức tăng trưởng tiêu thụ than.
Bangladesh đang lên kế hoạch sử dụng than để sản xuất 50% sản lượng điện của nước này vào năm 2030, tăng so với con số 2% hiện nay. Cũng giống như nhiều nước khác trong khu vực, Bangladesh dựa vào vốn vay và công nghệ từ Trung Quốc và Nhật Bản để nâng cao sản lượng điện than.
Tập đoàn Toshiba cùng các đối tác đang xây dựng một nhà máy nhiệt điện than có công suất 1.200 MW và một cảng biển ở đảo Matarbari, đông nam Bangladesh. Dự án này cần vốn đầu tư 4 tỉ đô la và phần lớn được vay từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).
Các nhà phân tích của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nhận định, tiêu thụ than ở Đông Nam Á và Ấn Độ sẽ tiếp tục tăng trưởng trong bốn năm tới chủ yếu do nhu cầu điện than và sẽ chiếm 35% mức tiêu thụ than toàn cầu vào năm 2022.