|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Lãi suất cao kéo dài gây áp lực lên các ngân hàng Đông Nam Á

22:00 | 10/05/2024
Chia sẻ
Các ngân hàng ở khu vực Đông Nam Á đang đối mặt với viễn cảnh ảm đạm, khi các ngân hàng trung ương khu vực chần chừ nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát dai dẳng. Điều này làm gia tăng lo ngại về khả năng trả nợ của khách hàng và gây áp lực lên lợi nhuận của ngành ngân hàng.

Trụ sở của United Overseas Bank (UOB) tại Singapore. (Ảnh: uobgroup.com).

Việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chậm nới lỏng chính sách tiền tệ buộc những ngân hàng trung ương của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) duy trì lãi suất ở mức cao hơn. Điều này khiến các doanh nghiệp và hộ gia đình khó vay vốn hơn, dẫn đến nguy cơ gia tăng nợ xấu cho những ngân hàng.

Theo hãng phân tích tín dụng Criat, bảng cân đối kế toán của các ngân hàng ASEAN có thể xấu đi trong ba quý tới do rủi ro vỡ nợ từ các khoản vay dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Criat dự báo các doanh nghiệp SME sẽ gặp khó khăn về thanh khoản trong môi trường lãi suất cao hiện nay.

Ba ngân hàng lớn nhất ASEAN ở Singapore gồm DBS Group Holdings, United Overseas Bank (UOB) và Oversea-Chinese Banking Corp. (OCBC) đang phản ứng trái ngược nhau trước tình hình hiện nay. OCBC và DBS giữ nguyên tỷ lệ chi trả cho người gửi tiền để thu hút và giữ chân khách hàng. Tuy nhiên, OCBC cũng cảnh báo về khả năng gia tăng nợ xấu và cho biết họ đang theo dõi chặt chẽ danh mục cho vay của mình

Ngược lại, UOB đã giảm lãi suất cho một số sản phẩm tiết kiệm nhằm giảm chi phí huy động vốn. Ngân hàng này cũng ghi nhận lợi nhuận ròng quý I/2024 thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi lượng tài sản, khoản vay không thể thu hồi tăng lên so với quý trước.

Trong báo cáo gần đây, cơ quan nghiên cứu tín dụng CreditSights nêu rõ tỷ suất lợi nhuận của các ngân hàng Malaysia gồm CIMB Bank, Maybank và RHB Bank đều giảm. Tương tự, các ngân hàng Bangkok Bank và Krung Thai Bank tại Thái Lan cũng đang ghi nhận chi phí tín dụng tăng cao, trong khi tăng trưởng của các khoản vay vẫn ảm đạm.

Trước đó, vào đầu tháng 5/2024, Fed đã quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức hiện tại và cho biết những dấu hiệu đáng thất vọng về tình hình lạm phát gần đây có thể làm trì hoãn kế hoạch cắt giảm lãi suất của cơ quan này. Các ngân hàng ASEAN đang chờ đợi lập trường nới lỏng tiền tệ rõ ràng hơn của Fed. Nếu Fed tiếp tục duy trì lãi suất cao trong thời gian dài hơn, lợi nhuận của ngành ngân hàng khu vực có thể sẽ chịu ảnh hưởng đáng kể.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hồi tháng 4/2024 kêu gọi các ngân hàng trung ương châu Á tập trung vào lạm phát trong nước và tránh đưa ra các quyết sách phụ thuộc quá mức vào các động thái được dự đoán của Fed.

Kỳ vọng giảm dần về việc Fed cắt giảm lãi suất trong ngắn hạn đã làm đồng USD tăng giá và một số loại tiền tệ châu Á như đồng yen của Nhật Bản và đồng won của Hàn Quốc giảm giá.

Phân tích của ông Krishna Srinivasan, Giám đốc Vụ châu Á-Thái Bình Dương của IMF, cho thấy, lãi suất của Mỹ có tác động "mạnh mẽ và ngay lập tức" đến điều kiện tài chính và tỷ giá hối đoái ở châu Á.

Ông nói: “Kỳ vọng về việc nới lỏng chính sách lãi suất của Fed đã dao động trong những tháng gần đây, do các yếu tố không liên quan đến nhu cầu ổn định giá cả ở châu Á. Chúng tôi khuyến nghị các ngân hàng trung ương châu Á tập trung vào lạm phát trong nước và tránh đưa ra các quyết định chính sách phụ thuộc quá mức vào các động thái được dự đoán của Fed”.

Ông Srinivasan lưu ý, nếu các ngân hàng trung ương theo sát Fed quá chặt chẽ, họ có thể làm suy yếu sự ổn định giá cả ở nước họ.

Nhận xét này nhấn mạnh tình thế tiến thoái lưỡng nan mà một số ngân hàng trung ương châu Á phải đối mặt khi những biến động gần đây của thị trường tiền tệ do Fed thúc đẩy đã làm phức tạp thêm lộ trình chính sách của họ.

Thống đốc Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) Rhee Chang-yong phát biểu trong một cuộc hội thảo riêng của IMF hôm 17/4 rằng cơ hội cắt giảm lãi suất của Fed ngày càng mờ nhạt đã gây ra những trở ngại cho đồng won và làm phức tạp thêm quyết định của BoK về thời điểm bắt đầu giảm chi phí đi vay.

Trong một dấu hiệu cho thấy các ngân hàng trung ương châu Á sẽ không có nhiều thời gian "nghỉ ngơi" trước đà tăng giá của đồng USD, Chủ tịch Fed bang New York John Williams cho biết, sự vững mạnh của nền kinh tế Mỹ có nghĩa là không có trường hợp khẩn cấp nào cho kế hoạch cắt giảm lãi suất diễn ra sớm.

Ông Srinivasan, người có bài phát biểu tại Hội nghị mùa Xuân của IMF và Ngân hàng Thế giới ở Washington (Mỹ), cho biết nhiều nước châu Á đã chứng kiến đồng nội tệ mất giá so với đồng USD, phản ánh sự chênh lệch lãi suất với Mỹ.

Ông cho biết sự sụt giảm gần đây của đồng yen, mặc dù “khá đáng kể”, cũng phản ánh sự khác biệt giữa lãi suất của Mỹ và Nhật Bản. Ông nói: “Khi đối mặt với biến động đó, các ngân hàng trung ương nên tập trung vào các nguyên tắc cơ bản, chẳng hạn như lạm phát trong nước.

Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới được công bố mới đây, IMF kỳ vọng kinh tế châu Á sẽ tăng trưởng 4,5% trong năm nay, giảm so với mức 5,0% của năm ngoái, nhưng điều chỉnh tăng 0,3 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra hồi tháng 10/2023. IMF dự báo khu vực này sẽ tăng trưởng 4,3% vào năm 2025.

Ông Srinivasan cho biết, triển vọng của nền kinh tế Trung Quốc rất quan trọng đối với châu Á, khi tình trạng kinh tế đình trệ kéo dài hơn ở Trung Quốc- nền kinh tế lớn thứ hai thế giới- là một trong những rủi ro chính đối với triển vọng tăng trưởng của khu vực.

Ông nói: "Mặc dù việc tăng chi tiêu chính phủ có thể mang lại lợi ích cho nền kinh tế Trung Quốc, nhưng các chính sách tăng cường năng lực cung ứng của nước này sẽ củng cố áp lực giảm phát và có thể gây ra những tác động khác".

Ông cho biết thêm, trong số những rủi ro đối với châu Á là các biện pháp hạn chế thương mại được áp dụng với tốc độ nhanh chóng. Ông Srinivasan nói: “Rất ít khu vực được hưởng lợi nhiều từ hội nhập thương mại như châu Á. Do đó, sự phân mảnh địa kinh tế tiếp tục là một rủi ro lớn”.

Trong khi đó, theo nhận định của giới chuyên gia kinh tế, các nhà hoạch định chính sách ở châu Á bước vào năm 2024 với niềm tin chắc chắn rằng Fed sẽ hạ lãi suất nhiều lần trong năm nay.

Nhưng một loạt các số liệu kinh tế mạnh hơn dự đoán của Mỹ đã dần đẩy lùi các dự đoán về việc Fed hạ lãi suất. Trong bối cảnh việc làm tại Mỹ đang duy trì đà tăng tốt và lạm phát tăng, nhiều ý kiến cho rằng Fed giờ đây có thể sẽ giữ nguyên lãi suất đến năm 2025.

Điều này sẽ là một cú giáng lớn đối với châu Á, khu vực đặc biệt chịu ảnh hưởng bởi những thay đổi chính sách của Fed. Một câu hỏi đang đặt ra tại châu Á là khi nào Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) sẽ hạ lãi suất và hạ bao nhiêu. Nhưng câu trả lời lại phụ thuộc nhiều vào Fed, hơn là chính PBoC.

Việc duy trì lãi suất ở mức cao trong thời gian dài hơn của Fed sẽ khiến các ngân hàng trung ương khác khó khăn hơn trong viêc hạ lãi suất mà không khiến cho đồng nội tệ suy yếu so với đồng USD.

Sự không chắc chăn về lộ trình lãi suất của Fed cũng là một điều phức tạp với các ngân hàng trung ương khác ở châu Á. Các kế hoạch trước đó đã sụp đổ trước những lo ngại rằng đồng tiền suy yếu có thể thúc đẩy các dòng vốn tháo chạy, gây áp lực lên chứng khoán trong nước và thúc đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ. Tuần trước, một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters cho thấy giới đầu tư ngày càng tin rằng đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi ở châu Á sẽ giảm so với đồng USD.

Đồng ringgit của Malaysia đang có một năm 2024 đầy khó khăn khi đang giao dịch gần các mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998. Tháng trước, ngân hàng trung ương nước này đã giữ nguyên lãi suất để tránh gây áp lực hơn nữa cho đồng ringgit, dù có nhiều nguy cơ đối với tăng trưởng kinh tế. Tình cảnh tương tự cũng đang diễn ra tại Nhật Bản, khi đồng yen đang ở mức thấp nhất kể từ năm 1990.

Bên cạnh đó, các chuyên gia kinh tế quốc tế cho rằng môi trường lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn đang tác động tới xu hướng và chiến lược đầu tư tại châu Á.

Theo ý kiến của các chuyên gia tại công ty quản lý tài sản JPMorrgan Asset Management và doanh nghiệp quản lý đầu tư AllianzGI, cải cách doanh nghiệp mạnh mẽ ở Nhật Bản và Hàn Quốc đang hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài ưa thích cổ phiếu giá trị. Trong khi, quỹ quản lý đầu tư M&G cho biết các nhà đầu tư bị thu hút bởi mức định giá gần như thấp kỷ lục của chứng khoán Trung Quốc. Các kênh trú ẩn an toàn khác được ưu tiên lựa chọn tại châu Á là các nhà xuất khẩu và cổ phiếu định hướng trong nước của Ấn Độ.

Sau khi kỳ vọng về việc Fed sẽ sớm nới lỏng chính sách tiền tệ dần suy yếu, các nhà quản lý đa tài sản quốc tế bắt đầu chuyển sang lựa chọn kỹ lưỡng hơn trong một môi trường hoàn toàn khác biệt.

Chính sách tiền tệ "cứng rắn" của các ngân hàng trung ương trong khu vực châu Á, nhằm bảo vệ đồng nội tệ không bị mất giá trước đồng USD, đã làm giảm sức hấp dẫn của trái phiếu, một trong những loại tài sản trú ẩn an toàn truyền thống, đẩy sự chú ý tập trung vào lợi nhuận của cổ phiếu.

Minh Hằng (Theo AFP)