|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nga giận khi Phần Lan đòi gia nhập NATO nhưng lực bất tòng tâm

08:14 | 16/05/2022
Chia sẻ
Cuộc tấn công của Nga vào Ukraine đã làm thay đổi lập trường của Phần Lan. Moscow có lẽ đang rất giận dữ nhưng chính cuộc chiến tại Ukraine lại "trói chân" Nga.

Một cuộc chiến làm thay đổi tất cả

Cuộc tấn công của Nga vào Ukraine đã thúc đẩy Phần Lan gạt bỏ những lo ngại lâu nay về việc khiêu khích Moscow và tìm kiếm tư cách thành viên NATO. Giờ đây, Phần Lan đã chính thức ngỏ ý muốn gia nhập liên minh quân sự lớn nhất hành tinh. Thụy Điển - một nước châu Âu trung lập khác, cũng “nối gót”.

Tuy nhiên, việc Phần Lan muốn tham gia NATO mới có tác động to lớn nhất đối với Moscow vì nước này giúp tăng gấp đôi diện tích biên giới trên bộ của Nga với NATO và bao quát toàn bộ ba cảng lớn của Nga trên Biển Baltic.

Trong nhiều thập kỷ, Phần Lan đã kìm nén mong muốn gia nhập NATO vì sợ sẽ khiến nước láng giềng tức giận. Tổng thống Putin đã cố gieo rắc nỗi sợ hãi bằng những lời đe dọa mơ hồ về chiến tranh và những hành động quấy rối trong vùng trời và vùng biển của Phần Lan.

Chiến sự Nga - Ukraine đã làm thay đổi mọi thứ, khiến người dân Phần Lan kết luận rằng họ sẽ an toàn hơn dưới chiếc ô bảo vệ của NATO hơn là tự mình đối phó với Nga. Trước chiến sự, chỉ 20% người Phần Lan ủng hộ gia nhập NATO nhưng đến tháng 5, tỷ lệ đã tăng lên 76%.

Phần Lan cũng nhận thấy rằng màn thể hiện tệ bất ngờ của quân đội Nga trên chiến trường Ukraine cho thấy đất nước Liên Xô cũ không còn là mối đe dọa như trong quá khứ, Thiếu tướng Pekka Toveri, cựu Giám đốc Tình báo Phần Lan, nhận định.

Ông nói: “Nga quá yếu và giờ họ không thể mạo hiểm để rước thêm một thất bại nhục nhã nữa. Nếu Nga cố gắng đưa quân vào Phần Lan trong vài ngày tới, họ sẽ bị hạ gục. Nguy cơ thất bại nhục nhã là rất cao và tôi không nghĩ người Nga có thể chịu được”.

Nhìn chung, cuộc động binh của Nga với Ukraine có thể là một bước lùi chiến lược đối với chính quyền Tổng thống Vladimir Putin. Chưa kể, nó cũng khiến Nga khó có thể làm gì để đáp trả Phần Lan, tờ Washington Post nhận định.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: Getty Images).

Nga lấy gì để gây sức ép lên Phần Lan?

Hiện tại, quân đội Nga đang vướng vào các cuộc giao tranh khốc liệt ở Ukraine, binh sĩ lẫn trang thiết bị đều tổn thất nặng nề. Nga đã rút quân khỏi biên giới với Phần Lan để đưa đến Ukraine, khiến Moscow bị giảm đáng kể khả năng đe dọa quân sự đến Phần Lan.

Nga cung ứng cho Phần Lan một lượng nhỏ khí đốt và dầu thô, nhưng chính quyền Helsinki đã sẵn sàng cắt đứt nguồn cung đó theo các quyết định của Liên minh châu Âu (EU) nhằm giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga.

Sau khi có thông tin về ý định gia nhập NATO của Phần Lan, Moscow đã đưa ra một phản ứng sớm vào ngày 14/5. Công ty nhà nước RAO Nordic thông báo sẽ ngừng xuất khẩu điện sang Phần Lan, dù chưa rõ động thái này có phải là một biện pháp đáp trả hay không.

Nga đổ lỗi cho các lệnh trừng phạt của phương Tây, khẳng định Mỹ và các đồng mình khiến RAO Nordic khó nhận các khoản thanh toán nên đành phải cắt nguồn cung điện của Phần Lan.

Phần Lan không hề hấn gì. Giới chức cho biết Phần Lan đã giảm nhập khẩu điện của Nga từ trước để đề phòng các cuộc tấn công có thể xảy ra vào hệ thống cơ sở hạ tầng trong nước. Đồng thời, nguồn điện của Nga chỉ chiếm 10% lượng tiêu thụ.

 

Mặt khác, chính quyền Moscow có thể tiến hành các cuộc tấn công mạng nhằm vào cơ sở hạ tầng của Phần Lan hoặc triển khai chiến tranh hỗn hợp (hybrid warfare) để gây huyên náo dư luận nước này.

Song, theo Thiếu tướng Toveri, Phần Lan có những hệ thống rất phát triển để chống lại bất kỳ kế hoạch tấn công tiềm tàng nào từ Nga. “Nga thực sự không có thứ gì có thể dùng để đe dọa chúng tôi”, ông Toveri nhấn mạnh. “Họ không có quyền lực chính trị, quân sự hoặc kinh tế”.

Đối với Điện Kremlin, “đó là một khoảnh khắc thực sự mỉa mai”, bà Lauren Speranza - Giám đốc cấp cao tại Trung tâm Phân tích Chính sách châu Âu, cho hay. Ngăn cản NATO bành trướng là một trong các mục tiêu mà ông Putin tuyên bố khi tấn công Ukraine, quốc gia tìm kiếm tư cách thành viên NATO trước Phần Lan và Thụy Điển.

Vị chuyên gia bày tỏ: “Putin không chỉ thất bại nặng nề với các mục tiêu quân sự của ông ta ở Ukraine, mà còn với sự mở rộng của NATO. Đây là một tính toán chiến lược sai lầm trầm trọng”.

Moscow dường như đang giảm bớt lời đe dọa trả đũa. Trong cuộc điện đàm hôm 14/5, ông Putin nói với Tổng thống Sauli Niinisto rằng quyết định gia nhập NATO của Phần Lan là “sai lầm” và có thể gây “ảnh hưởng tiêu cực” đến quân hệ Nga - Phần Lan. Dù vậy, ông chủ Điện Kremlin không đưa ra lời đe dọa cụ thể nào.

Tổng thống Niinisto, người khởi xướng cuộc điện đàm, thẳng thắn nói với người đồng cấp Putin rằng trên hết “cuộc xâm lược lớn” của Nga vào Ukraine đã thúc đẩy Phần Lan phải tìm kiếm sự bảo vệ do liên minh NATO cung cấp, theo tuyên bố từ Helsinki.

Trong vài tuần trước thông báo chính thức từ Phần Lan, các quan chức Nga đã cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng mà nước thành viên EU có thể phải gánh chịu, bao gồm khả năng Nga triển khai vũ khí hạt nhân ở khu vực lân cận Phần Lan và gửi quân tiếp viện tới biên giới Phần Lan.

Song, kể từ đó, giới chức tại Moscow đã thận trọng hơn. Họ nói phản ứng của Nga sẽ phụ thuộc vào việc NATO tiến xa tới đâu trong việc thiết lập sự hiện diện ở biên giới của Nga, theo Washington Post.

Truyền thông Nga dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Alexander Grushko cho biết hôm 14/5 rằng quyết định của NATO sẽ buộc Moscow phải đưa ra một “phản ứng chính trị”. Thái độ này là một bước lùi so với lời đe dọa về các “phản ứng quân sự và kỹ thuật” mà phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov đưa ra trước đó.

Khả Nhân