|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Ông Putin cảnh báo Phần Lan: Bỏ sự trung lập để vào NATO là một sai lầm

06:46 | 15/05/2022
Chia sẻ
Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định hiện nay không có mối đe dọa nào với an ninh của Phần Lan nên nước này không nên từ bỏ lập trường trung lập.

Tổng thống Nga Vladimir Putin, ngày 9/5/2022. (Ảnh: Sputnik, Reuters).

Ngày 14/5, Điện Kremlin cho biết Tổng thống Putin đã nói chuyện điện thoại với Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto hai ngày sau khi Phần Lan tuyên bố ý định gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Ông Putin nói rằng việc Phần Lan từ bỏ lập trường trung lập trong nhiều thập kỷ qua để gia nhập NATO là một sai lầm và có thể gây tổn hại mối quan hệ giữa hai nước.

Moscow từng khẳng định việc Phần Lan gia nhập NATO sẽ trở thành mối đe dọa an ninh với Nga và Nga sẽ có “hành động quân sự” để ứng phó, nhưng chưa nêu rõ sẽ ứng phó như thế nào.

Văn phòng của Tổng thống Phần Lan cho biết ông Niinisto đã nói với Tổng thống Nga rằng “những yêu sách của Nga vào cuối năm 2021 nhằm ngăn các nước gia nhập NATO và việc Nga xâm lược Ukraine vào tháng 2/2022 đã thay đổi căn bản môi trường an ninh của Phần Lan”.

Tổng thống Niinisto cũng khẳng định Phần Lan muốn dàn xếp các mối quan hệ với người hàng xóm Nga “một cách đúng đắn và chuẩn mực”, Reuters cho hay.

Thông báo của Điện Kremlin có đoạn: “Tổng thống Vladimir Putin nhấn mạnh rằng việc từ bỏ chính sách trung lập quân sự truyền thống sẽ là một sai lầm vì hiện không có rủi ro nào đối với an ninh Phần Lan. Sự thay đổi chính sách đối ngoại này có thể tác động tiêu cực tới các mối quan hệ Nga – Phần Lan”.

Phía Moscow miêu tả cuộc nói chuyện giữa hai nguyên thủ quốc gia là “trao đổi cái nhìn thẳng thắn”, đây là cụm từ thường được dùng trong ngành ngoại giao để nói về một cuộc đối thoại gay gắt.

Tổng thống Niinisto nói: “Cuộc nói chuyện diễn ra thẳng thắn và trực tiếp, không làm trầm trọng thêm vấn đề. Tránh căng thẳng được coi là nhân tố quan trọng”.

Sau Phần Lan, nhiều khả năng Thụy Điển cũng sẽ đăng ký gia nhập NATO. Tổng thống Nga Putin phát động cuộc tấn công Ukraine vào ngày 24/2 năm nay nhằm không cho NATO mở rộng đến Ukraine và các nước khác gần Nga.

Tuy nhiên, từ sau khi xung đột nổ ra, ngày càng có nhiều nước muốn gia nhập NATO để được hưởng sự phòng vệ tập thể của liên minh quân sự này. Lãnh đạo NATO đã ngỏ ý sẵn sàng đón nhận Phần Lan gia nhập.

Hành động của Nga

Cho đến nay Nga chưa có động thái quân sự lớn nào sau khi Phần Lan tuyên bố gia nhập NATO, tuy nhiên, tập đoàn điện lực RAO của Nga hôm 14/5 đã tuyên bố sẽ dừng xuất khẩu điện sang Phần Lan. 

Theo Forbes, lý do mà RAO đưa ra là công ty con RAO Nordic của tập đoàn này gặp khó khăn trong việc nhận tiền thanh toán từ Phần Lan do các lệnh trừng phạt từ Phương Tây. Tập đoàn điện lực Fingrid của Phần Lan ra thông cáo cho biết nguồn điện từ Nga đóng góp khoảng 10% tổng lượng điện tiêu thụ của đất nước Bắc Âu này và nhiều khả năng sẽ không xảy ra tình trạng thiếu điện.

Một lãnh đạo của Fingrid cho hay Phần Lan sẽ thay thế nguồn điện từ Nga bằng điện tự sản xuất hoặc nhập khẩu thêm từ Thụy Điển.

Phần Lan có đường biên giới dài 1.340 km với Nga, dài nhất trong số các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EU).

Ngày 12/5, Tổng thống và Thủ tướng Phần Lan cùng tuyên bố nước này phải "nộp đơn gia nhập NATO ngay" để đảm bảo an ninh quốc gia. 

Tổng thống Niinisto cho biết mặc dù Phần Lan sắp là thành viên của NATO nhưng nước này vẫn muốn thỏa thuận song phương với Nga trong "các vấn đề thực tế phát sinh từ đường biên giới chung giữa hai nước.

Theo Điện Kremlin, hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về "chiến dịch quân sự" của Nga ở Ukraine và khả năng đi đến một giải pháp chính trị. Tổng thống Nga Putin cho biết các cuộc đàm phán giữa Moscow và Kiev đã tạm dừng do phía Ukraine "không quan tâm tới việc đối thoại nghiêm túc và xây dựng".

Nga, Phần Lan và Thụy Điển đều tiếp giáp Biển Baltic. (Nguồn: WorldAtlas).

Thụy Điển, Phần Lan ngả dần về phía Phương Tây

Phần Lan giành quyền độc lập từ Nga vào năm 1917 và đã hai lần xung đột quân sự với Nga. Phần Lan yếu thế hơn nên đã phải nhượng một phần lãnh thổ cho Nga. Năm 1948, sau khi Thế chiến II kết thúc, Phần Lan ký kết một thỏa thuận hợp tác kinh tế và chính trị với Liên Xô, đồng thời tách biệt Phần Lan về mặt quân sự với Tây Âu.

Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc và Liên Xô tan rã, Phần Lan dần bước ra khỏi cái bóng của Moscow do mối đe dọa quân sự đã giảm bớt nhiều.

Phần Lan dựa vào lực lượng quân sự của bản thân và mối quan hệ hữu hảo với Moscow để duy trì hòa bình. Mặc dù vậy, cuộc xung đột mà Nga tiến hành ở Ukraine đã khiến cho Phần Lan lo ngại mình có thể trở thành mục tiêu tiếp theo của Nga trong tương lai.

Thụy Điển không tham gia cuộc chiến tranh nào trong 200 năm qua và chính sách đối ngoại hậu Thế chiến II của nước này tập trung vào việc ủng hộ dân chủ quốc tế, đối thoại đa phương và giải trừ vũ khí hạt nhân.

Cả Phần Lan và Thụy Điển đều giữ quan điểm trung lập quân sự nhưng từ lâu đã ngả theo Phương Tây, bằng chứng là việc hai nước cùng gia nhập EU vào năm 1995. Cả hai nước cũng tiến gần hơn về phía NATO trong những năm gần đây khi nhiều lần trao đổi thông tin tình báo và tham gia vào các cuộc tập trận chung, Reuters cho hay.

Nếu Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, Nga sẽ cảm thấy ngày càng bị đe dọa bởi liên minh quân sự Phương Tây này.

Song Ngọc