Nga đe dọa sẽ 'có hành động quân sự' nếu Phần Lan gia nhập NATO
Biên giới phía bắc
Theo Reuters, kế hoạch đăng ký gia nhập NATO của Phần Lan được công bố hôm 12/5 sẽ dẫn đến sự mở rộng liên minh quân sự Phương Tây mà Tổng thống Nga Vladimir Putin muốn ngăn chặn. Nhiều khả năng cả Thụy Điển - hàng xóm của Phần Lan - cũng sẽ nộp đơn vào NATO.
Việc Phần Lan từ bỏ sự trung lập duy trì trong suốt Chiến tranh Lạnh sẽ là một trong những thay đổi lớn nhất đối với an ninh Châu Âu trong nhiều thập kỷ.
"Phần Lan phải nộp đơn xin gia nhập NATO ngay lập tức", Tổng thống Sauli Niinisto và Thủ tướng Sanna Marin cho biết trong một tuyên bố chung.
Vào ngày 11/5, khi được hỏi rằng liệu Phần Lan có khiêu khích Nga bằng cách gia nhập NATO hay không, Ông Niinisto nói: "Nga đã khiến Phần Lan phải phản ứng. Hãy tự nhìn vào gương".
Ông Niinisto cho rằng chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine đã thay đổi tình hình an ninh của Phần Lan, mặc dù đây không phải là mối đe dọa ngay lập tức.
“Tư cách thành viên NATO sẽ củng cố an ninh của Phần Lan,” các nhà lãnh đạo cho biết trong tuyên bố, đồng thời nói thêm rằng tư cách thành viên sẽ “củng cố toàn bộ liên minh quốc phòng”.
Năm nhà ngoại giao và quan chức nói với Reuters rằng các đồng minh NATO mong muốn hai nước nhanh chóng được cấp phép trở thành thành viên, mở đường cho việc tăng cường hiện diện quân đội ở khu vực Bắc Âu nhằm bảo vệ Phần Lan và Thụy Điển trong thời gian phê chuẩn kéo dài một năm.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết Phần Lan sẽ được "chào đón nồng nhiệt" và hứa hẹn một quá trình gia nhập "suôn sẻ và nhanh chóng".
Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki cho hay: “Chúng tôi sẽ ủng hộ đơn xin gia nhập NATO của Phần Lan và cả Thụy Điển nếu Stockholm muốn tham gia”.
Hành động "quân sự"
Nếu Phần Lan gia nhập vào NATO, đường biên giới dài 1.300 km của Phần Lan sẽ làm tăng gấp đôi chiều dài biên giới giữa liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu với Nga. Các lực lượng NATO sẽ chỉ còn cách ngoại ô phía bắc St Petersburg vài giờ lái xe.
Nga có biên giới trên bộ với 14 quốc gia và 5 trong số đó là thành viên NATO: Latvia, Estonia, Litva, Ba Lan và Na Uy.
Tổng thống Putin tuyên bố việc mở rộng của NATO là một trong những lý do chính khiến ông phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine vào tháng 2.
- TIN LIÊN QUAN
-
Lời nguyền địa lý: Vì sao Nga luôn phải dè chừng NATO và không thể hùng mạnh như Mỹ? 08/03/2022 - 20:51
NATO tự mô tả mình là một liên minh phòng thủ, được xây dựng dựa trên một hiệp ước tuyên bố rằng nếu một thành viên bị tấn công tức là tất cả đều bị tấn công và tất cả đều sẽ ứng cứu. Moscow coi NATO là một mối đe dọa đối với an ninh của mình.
Quyết định tấn công Ukraine của ông Putin đã làm thay đổi dư luận Bắc Âu, với nhiều người hiện nay coi Nga là một mối đe dọa. Phần Lan nói riêng có lịch sử nhiều thế kỷ không mấy êm đềm dưới cái bóng của Liên Xô.
"Phần Lan gia nhập NATO là một sự thay đổi căn bản trong chính sách đối ngoại", Bộ Ngoại giao Nga cho biết trong một tuyên bố hôm 12/5. "Nga sẽ buộc phải thực hiện các bước trả đũa, cả về phương diện quân sự-kỹ thuật và những phương diện khác, để ngăn chặn các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia đang phát sinh."
Bộ Ngoại giao Nga cũng cho biết “mục tiêu của NATO, rõ ràng là tiếp tục mở rộng về phía biên giới của Nga, để tạo ra một sườn khác, đe dọa quân sự đối với đất nước của chúng ta”.
"Helsinki phải nhận thức được trách nhiệm và hậu quả của động thái này", Bộ Ngoại giao Nga cho biết. Các quan chức Nga trước đây đã lên tiếng về các biện pháp tiềm năng bao gồm việc bố trí các tên lửa mang vũ khí hạt nhân tại khu vực Biển Baltic.
Vi phạm hiệp ước?
Theo CNBC, NATO - hay Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương được thành lập vào năm 1949 bởi Mỹ, Canada và một số quốc gia Tây Âu nhằm cung cấp an ninh tập thể chống lại Liên Xô.
Kể từ khi thành lập, NATO có mối quan hệ nhiều trắc trở với Liên Xô và sau này là Liên Bang Nga. Phần Lan chưa gia nhập NATO và cho đến gần đây, công chúng đa phần ủng hộ lập trường trung lập nhằm duy trì quan hệ hòa bình với Nga.
Helsinki đã ký một hiệp ước hòa bình với Liên Xô vào năm 1947 và một “hiệp ước hữu nghị” khác vào năm 1992. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Phần Lan và Thụy Điển đều đã trở nên gần gũi với NATO, tham gia vào một số hoạt động và sứ mệnh do liên minh này dẫn đầu.
Nga cho rằng Phần Lan gia nhập NATO sẽ vi phạm một thỏa thuận trước đó, "quy định nghĩa vụ của các bên không tham gia liên minh hoặc tham gia vào các liên minh chống lại nhau". Moscow cũng tuyên bố rằng hiệp định năm 1992 cũng sẽ bị vi phạm.
“Chúng tôi sẽ phản ứng tùy theo tình hình,” Bộ Ngoại giao Nga kết luận trong tuyên bố của mình.