Ai sẽ trả tiền để tái thiết Ukraine?
Trường âm nhạc ở thị trấn Borodyanka, Ukraine đã bị phá hủy hoàn toàn. Vài đống kim loại cong vênh là tất cả những gì còn sót lại. Ngôi trường âm nhạc này nằm ở đường Central Street, nơi xe tăng Nga gặp phải sự kháng cự dữ dội từ các lực lượng Ukraine. Trên cùng con đường, bưu điện, tòa nhà hành chính thành phố, văn phòng hành chính quận, trụ sở cảnh sát, trung tâm văn hóa và một số khu chung cư đều bị hủy hoại.
Phó Thị trưởng Georgy Yerko liệt kê danh sách thiệt hại: 397 tòa nhà bao gồm 9 khối nhà cao tầng bị phá hủy, 888 căn nhà bị hư hại, 17.000 m2 cửa sổ bị vỡ tan tành. Khi được hỏi về ước tính giá trị tổn thất, ông Yerko lắc đầu. Nhưng ông biết rõ ai nên trả giá: Nga. Ông trả lời: “Kẻ phá hủy nên là kẻ phải đền bù”.
Theo tờ Financial Times, tổn thất ở Borodyanka tuy rất đáng kinh ngạc, nhưng chúng chỉ là một phần nhỏ so với toàn bộ thiệt hại của Ukraine trong cuộc chiến với Nga. Và ngay cả khi giao tranhvẫn tiếp diễn, các chính phủ phương Tây đã bắt đầu đong đếm phí tổn và lập kế hoạch để tái thiết Ukraine sau chiến tranh.
Các quan chức cảnh báo dự án này sẽ cực kỳ phức tạp và tốn kém, lên tới hàng trăm tỷ euro. Và công cuộc này sẽ không chỉ gói gọn trong việc xây dựng lại cầu đường và các tòa nhà.
Số phận công cuộc tái thiết sẽ phụ thuộc vào những câu hỏi mang tính sống còn với Ukraine: Liệu nhà nước Ukraine có thể thoát khỏi nạn tham nhũng và hệ thống thiên vị giới tài phiệt hay không, và liệu nước này có thể hình thành mối quan hệ thân thiết thực sự với Liên minh châu Âu (EU) hay không.
Theo Chỉ số Nhận thức Tham nhũng năm 2021, Ukraine là nước có nạn tham nhũng tồi tệ thứ hai ở châu Âu, với số điểm 32 trên 100 (điểm càng cao thì đất nước càng trong sạch). Nga là nước “bét bảng” trong khu vực, với số điểm 29 trên 100. Nạn tham nhũng ở Ukraine đã được cải thiện từ năm 2012, nhưng không đáng kể.
Bà Beata Javorcik, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu, một trong những tổ chức sẽ tham gia công cuộc tái xây dựng Ukraine cảnh báo: “Cộng đồng quốc tế và các tổ chức tư nhân sẵn sàng đầu tư vào việc tái thiết Ukraine, nhưng sự nhiệt tình này kéo dài bao lâu sẽ phụ thuộc vào việc tiền cứu trợ được chi tiêu hiệu quả đến mức nào”.
Nỗ lực tái thiết
Các nhà kinh tế Ukraine đã bắt đầu tính toán tổn thất từ cuộc tấn công của Nga. Bà Nataliia Shapoval và các đồng nghiệp tại Viện Kinh tế Trường Kyiv (KSE) bắt đầu lập danh mục thiệt hại cho Ukraine ngay ngày thứ hai của cuộc chiến.
Ước tính mới nhất của KSE về thiệt hại trực tiếp đến cơ sở hạ tầng là 92 tỷ USD. Con số cuối cùng về tổn thất, bao gồm tăng trưởng, đầu tư và tiềm năng kinh tế nằm trong khoảng 500 đến 600 tỷ USD.
Bà Shapoval nhấn mạnh việc quan trọng là phải bắt đầu tái thiết ngay bây giờ để bảo vệ các bộ phận đang hoạt động của nền kinh tế Ukraine. Nếu không, gánh nặng tài chính dài hạn đối với các nước tài trợ sẽ còn lớn hơn nữa.
Trong hội nghị với các nước tài trợ ở Warsaw tuần trước, Tổng thống Volodymyr Zelensky cũng khẳng định Ukraine và các nước đồng minh cần bắt đầu lập kế hoạch ngay lập tức. Ông nói thêm rằng tái thiết cần đi đôi với việc nhanh chóng trao cho Ukraine tư cách thành viên EU.
Ông Zelensky kêu gọi: “Hãy trao cho chúng tôi tư cách ứng viên ngay bây giờ - như một ngoại lệ thời chiến. Tiếp theo là cơ chế giản lược đặc biệt để trở thành thành viên EU”.
Yêu cầu của ông Zelensky là một trong những khía cạnh chính trị nhạy cảm nhất của quá trình xây dựng lại Ukraine. Nhưng Brussels cũng biết rằng dù Ukraine có gia nhập EU hay không, châu Âu cũng sẽ gánh phần lớn nhất trong chi phí tái thiết vì nằm ngay cạnh Ukraine.
Các quan chức ở Bussels và một số nước khác nhìn thấy lợi ích khi gắn liền nỗ lực vực dậy Ukraine với các cải cách sâu rộng và giám sát vốn thường được đi kèm với những nước được cấp tư cách ứng viên EU.
Họ hy vọng rằng những hứa hẹn về việc kết nạp Ukraine vào EU sẽ thu hút nhà đầu tư ngoại, đồng thời khiến công chúng Ukraine chấp nhận quá trình cải tổ đau đớn, nhằm củng cố luật pháp và chấm dứt nạn tham nhũng dai dẳng.
Liệu Nga có phải hoàn trả thiệt hại?
Câu hỏi có ý nghĩa nhất về công cuộc tái thiết Ukraine là tiền sẽ đến từ đâu. Các quan chức châu Âu nói rằng điều hợp lý là trông chờ vào sự tham gia sâu rộng của các tổ chức cho vay đa quốc gia như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu.
Nhưng nguồn lực của những tổ chức này cũng chỉ có hạn. Đến nay, Mỹ là nước cam kết hỗ trợ nhiều nhất cho Ukraine. Tháng trước, Tổng thống Joe Biden yêu cầu Quốc hội phê chuẩn khoản viện trợ kinh tế 8,5 tỷ USD cho Ukraine như một phần của gói trợ giúp 33 tỷ USD.
Nhưng các quan chức ở Brussels cũng đang thảo luận để huy động thêm vốn. Các ý tưởng đang được đề xuất bao gồm phát hành nợ chung của EU để thúc đẩy quá trình tái thiết. EU và các đồng minh cũng đang tích cực tìm cách và cân nhắc xem liệu có thể buộc Nga khắc phục một số thiệt hại mà quân đội nước này gây ra hay không.
- TIN LIÊN QUAN
-
Mỹ đóng băng hàng chục tỷ USD tài sản của Nga nhưng không bán được, vì sao? 06/05/2022 - 13:23
Biết rằng Nga nhiều khả năng sẽ không chịu bồi thường, EU và Mỹ đang xem xét các cách để thu giữ tài sản của Nga nhằm giúp đỡ Ukraine.
Ví dụ, Washington và Brussels đang tìm cách tịch thu và bán tài sản của các tài phiệt Nga đã bị trừng phạt. Tuy nhiên, rào cản pháp lý là rất lớn và số tiền thu được có lẽ sẽ chẳng thấm vào đâu với quy mô tái thiết.
Một lựa chọn khác là nhắm đến kho dự trữ ngoại hối của ngân hàng trung ương Nga. Chúng là mục tiêu hấp dẫn hơn nhiều vì có giá trị lên đến hàng trăm tỷ euro. Trong số những người ủng hộ cách trên có ông Josep Borrell, Đại diện Cấp cao phụ trách An ninh và Chính sách Đối ngoại EU.
Ông Borrell nói với tờ Financial Times: “Tôi rất ủng hộ biện pháp này vì nó rất hợp lý. Đây là một trong những câu hỏi chính trị quan trọng nhất trên bàn thảo luận: Ai là người sẽ trả tiền cho việc tái thiết Ukraine?”
Thế giới đã từng có tiền lệ về những trường hợp tịch thu tài sản của nước ngoài, bao gồm hành động của Mỹ với tiền của ngân hàng trung ương Afghanistan. Tuy nhiên, giành kiểm soát dự trữ của Nga sẽ ở một tầm cao mới, do quy mô khổng lồ của số tiền này.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/