|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Hỗ trợ của Phương Tây đẩy Ukraine xuống hố sâu nợ nần

07:13 | 09/05/2022
Chia sẻ
Những khoản viện trợ, cho vay từ các quốc gia và tổ chức tài chính quốc tế cho Ukraine đang giúp nước này chiến đấu với Nga nhưng cũng khiến Ukraine mắc nợ nhiều hơn.

Tài trợ xung đột

Theo Forbes, có 4 cách để tài trợ cho một cuộc chiến: in tiền, đánh thuế, phát hành trái phiếu và vay nước ngoài. Mỗi cách đi kèm với ưu và nhược điểm của riêng mình.

In tiền: Các quốc gia có thể in thêm tiền để tài trợ cho cuộc chiến. Cách làm này ít ảnh hưởng tới danh tiếng của chính phủ tuy nhiên sẽ gây ra lạm phát.

Đánh thuế: Tăng thuế cho phép chính phủ thu được nguồn vốn mà không phải chịu lãi suất nhưng có thể vấp phải sự phản đối từ công chúng. 

Trái phiếu: Trái phiếu chiến tranh là cách phổ biến nhất để tài trợ cho một cuộc chiến. Trái phiếu được bán trực tiếp cho cả người dân và các chủ nợ nước ngoài. Tuy nhiên, nhà nước có nghĩa vụ trả lãi suất tương đối cao cho nhà đầu tư. Bloomberg cho biết, mức lãi suất từ trái phiếu chiến tranh của Ukraine hiện là hơn 11%.

Vay nước ngoài: Các quốc gia có thể kêu gọi nguồn lực hoặc khoản nợ từ nước ngoài. Mặc dù không gây ra những ảnh hưởng chính trị trong nước, vay nước ngoài có thể khiến quốc gia đi vay mắc nợ, dần mất đi sự độc lập và chủ quyền quốc gia.

Lô tên lửa đất đối không vác vai Stinger được chuyển tới Ukraine. (Ảnh: Reuters).

Các khoản vay cũng thường kèm theo lãi suất, đồng thời chủ nợ có thể can thiệp sâu vào công việc nội bộ của những quốc gia mắc nợ, đưa ra những quyết định, yêu cầu ảnh hưởng tới chủ quyền và lợi ích. 

Ukraine đang áp dụng cả 4 phương pháp kể trên nhằm tài trợ cho cuộc chiến với Nga. Tuy nhiên, việc vay nợ nước ngoài đang trở thành vấn đề đáng lo ngại, đặc biệt khi nền kinh tế quốc gia này bị tàn phá nặng nề. 

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), nền kinh tế Ukraine sẽ thu hẹp lại 45,1% trong năm 2022. Việc thanh toán lãi từ vay nợ quốc tế vốn đã khó khăn với Ukraine, nay lại càng phức tạp khi các khoản nợ mới cũng như những đợt viện trợ liên tục được gửi đến.

Món nợ 61 năm

Người hiểu rõ nhất về những khoản nợ từ viện trợ quốc tế trong chiến tranh không ai khác lại là Nga. Trong Thế chiến II, Liên Xô và các quốc gia Đồng Minh đã được Mỹ tài trợ hàng tỷ USD vũ khí thông qua “Đạo luật Lend-Lease” năm 1941.

Trang RT đưa tin, hôm 28/4, Hạ viện Mỹ đã thông qua “Đạo luật Lend-Lease bảo vệ nền dân chủ Ukraine”, giúp Washington dễ dàng gửi vũ khí tới Ukraine mà không phải làm nhiều thủ tục hành chính. Chương trình Lend-Lease ban đầu được tạo ra trong Thế chiến II, cho phép Mỹ nhanh chóng tiếp tế cho Đồng minh mà không mất nhiều thời gian và thủ tục quan liêu.

Tuy nhiên, giống như đối với Liên Xô trong Thế chiến II, những viện trợ của Mỹ có điều kiện là Kiev phải “trả lại, bồi hoàn và chi trả cho các vật phẩm quốc phòng cho mượn hoặc cho thuê”.

Chủ tịch Hạ viện (Duma Quốc gia) Nga, ông Vyacheslav Volodin viết trên Telegram: “Động cơ của Washington rất rõ ràng”. Ông cho rằng chương trình Lend-Lease dành cho Ukraine “giúp lợi nhuận các tập đoàn quốc phòng Mỹ tăng gấp nhiều lần”.

Chủ tịch Hạ viện Nga nhắc lại các sự kiện trong Thế chiến II khi Liên Xô nhận được khí tài quân sự từ Mỹ theo một kế hoạch cho vay tương tự.

“Lend-Lease được mô tả là sự giúp đỡ từ các đồng minh,” nhưng Liên Xô, quốc gia mất 27 triệu sinh mạng khi chiến đấu với Phát xít Đức, đã phải trả những khoản nợ đó trong nhiều thập kỷ bằng cách gửi bạch kim, vàng và gỗ của mình tới Mỹ.

“Các khoản thanh toán chỉ được hoàn thành 61 năm sau Chiến thắng vĩ đại, vào năm 2006”, ông Volodin chỉ ra.

Lend-Lease về cơ bản là một khoản cho vay hàng hóa, và “không phải là một khoản vay rẻ”, ông Volodin cảnh báo. “Nhiều thế hệ tương lai của Ukraine sẽ phải trả giá” cho vũ khí, đạn dược và lương thực do Washington chuyển giao.

Bằng cách đồng ý với kế hoạch của Mỹ, "Tổng thống Zelensky đang dẫn đất nước vào một hố nợ", Chủ tịch Quốc hội Nga nhấn mạnh.

Chương trình Lend-Lease chỉ là một trong những khoản cho vay mà các quốc gia và tổ chức quốc tế dành cho Ukraine. Và tất cả mọi thứ, từ tiền mặt cho tới vũ khí, lương thực, nhiên liệu hay đạn dược đều có cái giá của mình.

Chỉ tính riêng vũ khí và nhu yếu phẩm Mỹ viện trợ cho Ukraine đã lên tới gần 4 tỷ USD. Tổng thống Joe Biden hiện đang có kế hoạch trình Quốc hội kế hoạch cho khoản viện trợ trị giá 33 tỷ USD.

Các tổ chức tài chính quốc tế

Theo Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), chưa tính đến những khoản hỗ trợ về vũ khí, trang thiết bị quân sự và nhu yếu phẩm, nợ nước ngoài của Ukraine tính đến cuối năm 2020 là 56,7 tỷ USD.

Trong số đó, 22 tỷ USD là nợ các tổ chức tài chính quốc tế. Giám đốc điều hành Jubilee USA, ông Eric LeCompte cho biết: “Quỹ tiền tệ quốc tế nắm giữ hơn 1/2 số nợ đó, tương đương với 13,4 tỷ USD. Trong năm nay, Ukraine sẽ phải chi trả 2 tỷ USD. Vì Ukraine rất có thể sẽ vỡ nợ đối với các khoản thanh toán này, IMF nên nhanh chóng hành động để tái cơ cấu nợ”.

Vào ngày 9/3, IMF phê duyệt khoản vay trị giá 1,4 tỷ USD cho Ukraine thông qua Công cụ Tài trợ Nhanh. Trước đó vào ngày 7/3, Ngân hàng Thế giới đưa ra gói tài chính trị giá 723 triệu USD, trong đó có 589 triệu USD là cho vay mới. Những sự hỗ trợ tài chính khẩn cấp này đã làm gia tăng đáng kể gánh nặng nợ cho Ukraine.

Ukraine cũng đang bị IMF tính các khoản phụ phí đáng kể do vay vượt quá hạn ngạch cho phép. Theo mạng lưới xã hội dân sự Eurodad có trụ sở tại Bỉ, Ukraine dự kiến sẽ phải trả 178 triệu USD phụ phí trong năm 2022.

Nghị sĩ Mỹ, ông Jesús “Chuy” García nói: “Thật vô lý khi những quốc gia đang đối mặt với chiến tranh, dịch COVID và khủng hoảng kinh tế như Ukraine phải gửi hàng chục triệu USD tới IMF”. Vào tháng 3/2022, ông García công bố dự luật mới nhằm yêu cầu Bộ Tài chính Mỹ đình chỉ các khoản phụ phí của IMF.

Liệu Ukraine có thể trả nợ?

Ukraine sẽ không dễ dàng có thể trả được những khoản nợ và viện trợ quốc tế. Với nền kinh tế, cơ sở hạ tầng bị tàn phá nặng nề, hàng tỷ USD viện trợ từ Mỹ và các quốc gia Phương Tây có thể sẽ phải được trả bằng tài nguyên thiên nhiên, như cách Liên Xô đã làm sau Thế chiến II.

Không chỉ trong xung đột, mà sau khi tái thiết, Ukraine cũng sẽ cần đến số tiền khổng lồ. Theo Bloomberg, Thủ tướng Denys Shmyhal tuyên bố rằng để tái thiết đất nước sẽ cần nguồn vốn lên tới 600 tỷ USD, gấp 4 lần GDP của Ukraine. Để có được số tiền khổng lồ này, Kiev chắc chắn không còn còn đường nào khác ngoài tiếp tục vay nợ từ nước ngoài.

Và cứ như vậy, Ukraine sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn: nợ mới chưa trả hết đã phải vay thêm. Các đồng minh đã từng hỗ trợ Kiev trong cuộc xung đột sẽ đóng vai trò quyết định về việc liệu Ukraine có vỡ nợ hay không.

Tái cơ cấu nợ là một giải pháp giúp Ukraine thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ. Tuy nhiên, quyết định áp dụng giải pháp này hay không nằm ở chủ nợ và thông qua đàm phán, con nợ sẽ phải từ bỏ một số lợi ích, ví dụ như trao đổi tài sản nhằm tái cơ cấu nợ hoặc chấp nhận các yêu cầu chính trị. 

Không có cơ chế trực tiếp nào để các tổ chức tài chính quốc tế (IFI) đình chỉ nợ cho một quốc gia thành viên. G20 miễn trừ IFI khỏi Sáng kiến Đình chỉ Dịch vụ Nợ (DSSI) được triển khai cho các quốc gia nghèo nhất thế giới trong đại dịch COVID-19.

Nhiệm vụ của Hiệp hội Phát triển Quốc tế của Ngân hàng Thế giới (IDA) là tối đa hóa nguồn tài chính mới và duy trì nguồn tài chính ròng tích cực cho các quốc gia bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Việc tái cơ cấu nợ sẽ ảnh hưởng tiêu cực và làm giảm khả năng của IDA trong việc tăng cường chương trình của mình.

IMF đã mở rộng Quỹ Ủy thác Cứu trợ và Ngăn chặn Thảm họa (CCRT). Đây là một thỏa thuận tốt hơn đối với các quốc gia so với DSSI, vì CCRT ghi giảm dòng tiền thay vì chỉ là hoãn thanh toán.

Xóa bỏ các khoản phụ phí của IMF cũng là một giải pháp giành cho Ukraine. Theo New York Times, những khoản phí này đã trở thành nguồn thu lớn của Quỹ tiền tệ quốc tế. Theo ước tính của IMF, tính đến cuối năm 2022, doanh thu từ khoản phụ phí sẽ lên tới 4 tỷ USD.

Một nghiên cứu từ Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (CEPR) tuyên bố :"IMF trừng phạt các quốc gia trong thời điểm bất lợi, bắt họ phải chấp nhận đánh đổi nhiều hơn để trả nợ. Việc đưa ra những yêu cầu trên là đi ngược lại với nguyên tắc của IMF".

Minh Quang

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.