|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Mỹ đóng băng hàng chục tỷ USD tài sản của Nga nhưng không bán được, vì sao?

13:23 | 06/05/2022
Chia sẻ
Mặc dù đã đóng băng dự trữ ngoại hối và thu giữ nhiều tài sản như nhà cửa, du thuyền của tài phiệt Nga, Washington vẫn không thể bán hay tịch thu chúng bởi nguy cơ vi phạm Hiến pháp Mỹ và Luật pháp quốc tế.

Theo The Coverstation, chính quyền Tổng thống Joe Biden muốn bán du thuyền, nhà cửa và các tài sản xa xỉ khác được thu giữ từ các nhà tài phiệt Nga và sử dụng số tiền này để hỗ trợ bồi thường cho Ukraine.

Trong đề xuất về gói viện trợ mới nhất cho Ukraine, Tổng thống Biden đang yêu cầu các nhà lập pháp có thẩm quyền chính thức tịch thu tài sản của những nhà tài phiệt bị trừng phạt để “khắc phục những tổn hại mà Nga gây ra và giúp tái thiết Ukraine”. 

Hạ viện Mỹ đã thông qua một dự luật thúc giục Washington bán những tài sản này. Tuy nhiên, dự luật lại không cho ông Biden quyền hạn cụ thể để làm như vậy.

Những người khác đã khuyến khích chính quyền bán hàng chục tỷ USD tài sản bị đóng băng của Ngân hàng trung ương Nga. Không rõ từ tuyên bố của Nhà Trắng liệu Tổng thống Biden có nhắm đến các tài sản thuộc sở hữu nhà nước Nga hay không.

 

Giáo sư luật Paul B. Stephan thuộc Đại học Virginia cho rằng việc ông Biden đến Quốc hội Mỹ để xin phép cho thấy pháp luật hiện hành chỉ cho phép đóng băng chứ không bán tài sản nước ngoài trong trường hợp xảy ra khủng hoảng quốc tế.

Theo ông Stephan, ý tưởng buộc Nga phải bồi thường thiệt hại cho Ukraine rõ ràng có sức hấp dẫn, nhưng Mỹ cần tuân thủ hiến pháp và luật quốc tế.

Đóng băng và tịch thu

Theo Giáo sư Stephan, đóng băng làm mất đi lợi ích kinh tế của quyền sở hữu. Nhưng chủ sở hữu ít nhất vẫn giữ hy vọng rằng, khi xung đột và lệnh đóng băng kết thúc, tài sản hoặc số tiền tương đương, sẽ được trả lại. 

Tịch thu có nghĩa là bán tài sản và đưa số tiền thu được, cùng với bất kỳ khoản tiền mặt nào bị tịch thu, cho người thụ hưởng được chỉ định, trong trường hợp này là Ukraine.

Đạo luật Quyền hạn Khẩn cấp Kinh tế Quốc tế năm 1977 chỉ cho phép đóng băng, không cho phép bán tài sản nước ngoài trong trường hợp xảy ra khủng hoảng quốc tế. 

Quốc hội Mỹ đã thông qua luật này để thay thế Đạo luật Giao dịch với kẻ thù năm 1917. Đạo luật năm 1917 từng trao cho Tổng thống quyền lực rộng lớn hơn nhiều để hành động chống lại các đối thủ của Mỹ trong và ngoài chiến tranh.

Kể từ đó, Mỹ thường xuyên sử dụng quyền lực thu giữ tài sản của các cá nhân hoặc quốc gia nước ngoài như một biện pháp kinh tế để trừng phạt những gì họ coi là hành vi xấu. 

Ví dụ, sau khi Iran tấn công và chiếm giữ đại sứ quán Mỹ ở Tehran, chính phủ Mỹ đã thu giữ hàng tỷ USD tài sản của Tehran ở Mỹ. Mỹ cũng đã phong tỏa tài sản của Venezuela và Taliban do cáo buộc quan hệ với chủ nghĩa khủng bố và các cá nhân Nga bị coi là chịu trách nhiệm cho các vi phạm nhân quyền, nhờ Đạo luật Magnitsky.

Trong tất cả những trường hợp này, Mỹ chỉ giữ tài sản nước ngoài chứ không bán chúng đi. Đôi khi, Washington sử dụng tài sản bị tịch thu như một con bài mặc cả để tiến tới một dàn xếp trong tương lai. 

Năm 2016, chính quyền Obama trả lại 400 triệu USD cho Iran mà Mỹ đã thu giữ sau cuộc bao vây đại sứ quán năm 1979. Trong những trường hợp khác, tài sản do một văn phòng thuộc Bộ Tài chính Mỹ kiểm soát, với hy vọng có thể đạt được một số thỏa hiệp.

Đạo luật Yêu nước, được thông qua sau vụ 11/9, đã tạo ra một ngoại lệ nhỏ đối với lệnh cấm tịch thu trong trường hợp Mỹ đang có chiến tranh. Washington chưa bao giờ sử dụng thẩm quyền này. Mỹ liên tục chỉ trích Nga, trừng phạt Nga trên mọi phương diện và tăng cường viện trợ cho Ukraine chống Nga nhưng giữa Mỹ và Nga vẫn chưa xảy ra chiến tranh.

Bồi thường

Theo Giáo sư Stephan, một nguyên tắc cơ bản của luật pháp nói rằng những ai gây tổn hại trong khi vi phạm pháp luật sẽ phải trả giá. Trong luật quốc tế, nguyên tắc này có thể được gọi là “bồi thường”. 

Liên Hợp Quốc định nghĩa “bồi thường” là: “Việc sửa chữa đầy đủ, hiệu quả và nhanh chóng nhằm thúc đẩy công lý bằng cách khắc phục những vi phạm nghiêm trọng đối với luật nhân quyền quốc tế hoặc vi phạm nghiêm trọng luật nhân đạo quốc tế”.

Trong lịch sử gần đây, những người chiến thắng thường buộc những kẻ thua cuộc phải bồi thường chi phí chiến tranh như trường hợp xảy ra sau Thế chiến I và II, đặc biệt khi bên thua cuộc chịu trách nhiệm cho thiệt hại lớn về nhân mạng và vật chất.

Theo những tuyên bố từ Phương Tây, Nga đã gây ra sự tàn phá khủng khiếp ở Ukraine. Một số thành phố, bao gồm cả Mariupol, đều đã bị phá hủy, và các cáo buộc về tội ác chiến tranh như tại Bucha ngày càng gia tăng. Phía Nga đã phủ nhận những cáo buộc trên.

 Một khu nhà bị phá hủy ở thành phố cảng Mariupol. (Ảnh: Reuters). 

Rất nhiều học giả, nhà lập pháp tranh luận rằng Nga phải có trách nhiệm về những sự tàn phá với Ukraine. Học giả pháp lý Laurence Tribe, cho rằng luật pháp Mỹ đã cho phép tổng thống sử dụng bất kỳ tài sản bị tịch thu hoặc phong tỏa nào làm tiền bồi thường. Tuy nhiên, như các chuyên gia khác đã chỉ ra, động thái như vậy sẽ gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng. 

Việc tịch thu tài sản sẽ lấy đi những con bài thương lượng quan trọng trong bất kỳ cuộc đàm phán nào trong tương lai, như từng được sử dụng với Iran và các quốc gia khác.

Các chuyên gia về luật trừng phạt, bao gồm cả giáo sư Stephan đồng ý với Tổng thống Biden rằng Quốc hội cần thông qua luật mới.

Trừng phạt đúng luật

Vậy đạo luật mà Quốc hội Mỹ thông qua sẽ như thế nào để tránh vi phạm luật pháp quốc tế và Hiến pháp? Ông Stephan cho rằng dường như vẫn còn một số hạn chế về những gì Quốc hội có thể làm.

Ví dụ: Tu chính án thứ 5 của Hiến pháp đảm bảo chính phủ có thể tịch thu tài sản của một công dân. Nhưng điều này có áp dụng cho tài sản ở Mỹ thuộc sở hữu của công dân nước ngoài không? Câu trả lời dường như là có, ít nhất là theo hai vụ án của Tòa án Tối cao.

Thanh lý tài sản nhà nước của Nga như dự trữ ngoại hối của ngân hàng trung ương lại tạo ra nhiều vấn đề khác. Luật pháp quốc tế cung cấp một mức độ miễn trừ nhất định đối với việc tịch thu tài sản của các quốc gia nước ngoài.

Một vụ kiện hiện đang được đưa ra trước Tòa án Công lý Quốc tế sẽ quyết định liệu Mỹ có vi phạm quy tắc miễn trừ hay không khi sử dụng tiền từ các khoản tiền gửi của ngân hàng trung ương Iran bị đóng băng để bồi thường.

Giáo sư Stephan cho rằng hành động tấn công Ukraine của Nga cần phải bị trừng phạt, nhưng không có nghĩa là Mỹ và các quốc gia khác nên chà đạp lên luật pháp quốc tế và Hiến pháp. Quốc hội có thể đưa ra luật cho phép tịch thu một số tài sản mà không vi phạm thủ tục tố tụng hoặc luật pháp quốc tế.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Minh Quang

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.