Nhảy vào cuộc chiến với lạm phát quá muộn màng, liệu Fed có bỏ lỡ thêm một rủi ro khác?
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cuối cùng cũng đã chịu lăn xả để chống lại lạm phát đang trên đỉnh hơn 40 năm.
Tại cuộc họp chính sách mới nhất ngày 4/5, ngân hàng trung ương Mỹ đã quyết định nâng lãi suất 50 điểm cơ bản, đồng thời báo hiệu sẽ bắt đầu thu hẹp quy mô bảng cân đối kế toán trị giá 9.000 tỷ USD từ tháng 6.
Chia sẻ với truyền thông, Chủ tịch Jerome Powell cho hay: “Lạm phát đang ở mức quá cao và chúng tôi hiểu khó khăn mà người dân gặp phải. Chúng tôi đang khẩn trương khắc phục tình trạng này”.
Ông Powell còn phát tín hiệu về các đợt tăng lãi suất mạnh tay trong vài tháng tới, mà theo dự đoán của thị trường là khoảng 50 điểm cơ bản/lần. Khả năng tăng 75 điểm hiện không được các nhà hoạch định chính sách xem xét, ông Powell nói.
Mặc dù Fed đã hành động tích cực như thế, CNN lại cho rằng việc ngân hàng trung ương Mỹ điều chỉnh chính sách tiền tệ quá muộn sẽ để lại hậu quả khôn lường.
Fed thay đổi quá muộn màng
Tăng lãi suất ngay khi tốc độ tăng trưởng bắt đầu chững lại thường đi kèm với nguy cơ giảm tốc kinh tế, đến mức có thể kích hoạt suy thoái. Chỉ trong vài tháng nữa, Fed có thể phải trả giá vì chậm chân so với lạm phát, CNN nhấn mạnh.
Ông Guillaume Menuet, trưởng bộ phận kinh tế và chiến lược đầu tư của Citi Private Bank khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi, nhận xét: “Tôi nghĩ Fed đang quá chú ý đến những gì đã xảy ra trong quá khứ mà phớt lờ những gì sắp diễn ra trong tương lai”.
Tháng 3 năm ngoái, ngân hàng trung ương Mỹ dự đoán lạm phát trung vị cho năm 2022 chỉ là 2%. Một năm trôi qua và thước đo lạm phát yêu thích của Fed đã tăng lên mức 6,6% - cao nhất trong 40 năm.
Chỉ số lạm phát giá tiêu dùng (CPI) cũng đạt đỉnh hơn 40 năm. Tháng 3 vừa qua, CPI đã tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái, khiến giới chuyên gia và công chúng bàng hoàng về tốc độ đi lên của giá cả.
Trao đổi với CNN, ông Pascal Blanqué - Chủ tịch viện nghiên cứu chính sách Amundi, có cùng quan điểm với trưởng bộ phận Menuet của Citi: “Fed hành động quá sức muộn màng”.
Tăng lãi suất chưa chắc hay
Viêc Fed trở nên “diều hâu” ngay bây giờ không phải là một giải pháp rõ ràng cho vấn đề của nền kinh tế Mỹ. Mặc dù động thái tăng lãi suất của Fed sẽ phát đi một tín hiệu quan trọng đến thị trường, thường phải mất từ 12 đến 18 tháng để bước đi này tác động đến nền kinh tế thực.
Chưa kể, mặc dù lãi suất tăng có thể giúp kìm hãm nhu cầu đang tăng nóng, nó lại không giải quyết triệt để các vấn đề về chuỗi cung ứng, nguồn cơn kéo giá hàng hóa lên mức cao như hiện nay.
Cùng lúc đó, đà phục hồi sau đại dịch đang dần hụt hơi. Chi tiêu của người tiêu dùng vẫn mạnh, nhưng tin tức về việc nền kinh tế Mỹ giảm tốc trong ba tháng đầu năm nay đã khiến các nhà kinh tế bất ngờ. Theo cơ sở chuẩn hóa hàng năm, GDP của Mỹ đã giảm 1,4% trong quý I.
Giá năng lượng tăng cao sẽ gây rủi ro lớn cho tiêu dùng trong những quý tới và sự chững lại của nền kinh tế châu Âu cũng như Trung Quốc có thể gây ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu.
Tất cả những điều này có nghĩa là vào cuối năm nay, Fed có thể rơi vào thế bí một lần nữa. Chủ tịch Jerome Powell sẽ phải đối mặt với một câu hỏi hóc búa khác: Liệu Fed có nên tiếp tục tăng lãi suất để chế ngự lạm phát ngay cả khi nền kinh tế suy thoái, như người tiền nhiệm Paul Volcker từng làm đầu thập niên 1980?
Mặc dù ông Powell từng bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với cựu Chủ tịch Volcker, cả hai chuyên gia Menuet và Blanqué đều cho rằng nhà lãnh đạo hiện tại của Fed khó có thể triển khai chiến lược của ông trong thời gian dài.
Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, thế giới đã quen với lãi suất thấp và tiền rẻ. Điều đó, cộng với sự chậm trễ của Fed trong việc tăng lãi suất, sẽ khiến ngân hàng trung ương Mỹ khó kéo dài chiến lược hiện nay.
Hiện, thị trường kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất tại mọi cuộc họp còn lại của năm nay, cuối cùng đưa lãi suất lên mức hơn 3% vào cuối năm. Nếu Fed quyết định ưu tiên bình thường hóa lãi suất thay vì e ngại suy thoái kinh tế, điều đó chắc chắn có thể xảy ra.
Tuy nhiên, các nhà phân tích tại Viện Đầu tư Wells Fargo lưu ý rằng, theo thời gian, lãi suất trong quá khứ luôn cao hơn lãi suất về sau. Năm 2006, lãi suất chuẩn của Fed đạt mức cao 5,25%; trong khi năm 2018, lãi suất chỉ đạt đến 2,5%.
Thế thì lần này, lãi suất của Fed có thể tăng lên tối đa khoảng bao nhiêu? Các chuyên gia cho rằng mọi thứ phụ thuộc vào việc Fed cần bao lâu để kiềm chế lạm phát, bù đắp cho tính toán sai lầm trước đó.
Một vết nứt khác
Theo CNN, còn có một dấu hiệu khác cho thấy ngân hàng trung ương Mỹ đang trong thế kẹt: số liệu mới nhất về tỷ lệ đăng tuyển nhân sự mới - chỉ số đã đạt kỷ lục vào tháng 3 vừa qua.
Theo Cục Thống kê Lao động, Mỹ ghi nhận khoảng 11,5 triệu đầu việc cần tuyển mới trong tháng 3, mức cao nhất kể từ khi cơ quan này theo dõi số liệu vào năm 2000. Số người Mỹ bỏ việc cũng chạm mức cao nhất mọi thời đại là 4,5 triệu.
Một mặt, dữ liệu trên là bằng chứng cho thấy Fed đã làm tốt trong việc duy trì chính sách lỏng lẻo nhằm hỗ trợ cho thị trường lao động phục hồi sau đại dịch, ngay cả khi họ bỏ qua vấn đề lạm phát.
Doanh nghiệp đang tạo ra hàng trăm nghìn việc làm mỗi tháng và những người muốn được trả lương cao hoặc điều kiện lao động tốt hơn dễ dàng nhảy việc để tìm một vị trí phù hợp hơn.
Bà Elise Gould, nhà kinh tế cấp cao tại Viện Chính sách Kinh tế Tiến bộ, cho hay: “Người lao động tiếp tục bỏ việc và được tuyển dụng vào vị trí mới với tốc độ rất nhanh. Đây là dấu hiệu tích cực của một thị trường lao động ổn định, nơi mọi người có thể nghỉ việc, tìm kiếm những cơ hội tốt hơn”.
Tuy nhiên, số lượng đăng tuyển mới quá lớn cũng trở thành một vấn đề đáng ngại, đặc biệt là cho Fed. Doanh nghiệp phải trả thêm tiền để tìm nhân công, từ đó làm tăng chi phí vận hành của họ.
Sau đó, chủ doanh nghiệp lại tăng giá hàng hóa/dịch vụ để duy trì biên lợi nhuận. Người lao động lại yêu cầu mức lương cao hơn nữa để trang trải chi phí sinh hoạt, tiêu dùng. Điều này tạo ra một vòng luẩn quẩn gọi là “vòng xoáy giá - lương” mà các nhà hoạch định chính sách luôn cố gắng tránh.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/