|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Đừng vội mừng, Fed sẽ gây ra thêm đau đớn cho thị trường chứng khoán Mỹ

09:39 | 05/05/2022
Chia sẻ
Bất chấp cuộc phục hồi mạnh mẽ của chứng khoán Mỹ ngay sau đợt tăng lãi suất mới nhất của Fed, thị trường vẫn có thể phải chịu thêm tổn hại trong quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương Mỹ.

Chủ tịch Fed Jerome Powell. (Ảnh: MarketWatch). 

Khác biệt với năm 2018

Bất chấp cú nhảy vọt hơn 900 điểm của Dow Jones hôm 4/5, cho tới nay, 2022 vẫn là một năm khó khăn cho thị trường chứng khoán Mỹ. Không may cho nhà đầu tư, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có lẽ không cảm nhận được nỗi đau của họ, và cả trong thời gian tới cũng thế.

Theo tờ Wall Street Journal, các nhà hoạch định chính sách của Fed đã nâng lãi suất lên thêm 0,5 điểm % tại cuộc họp tháng 5 và nói rõ rằng các đợt tăng lãi suất sẽ tiếp tục diễn ra.

Họ cũng thông báo Fed sẽ bắt đầu giảm quy mô bảng cân đối kế toán 9.000 tỷ USD. Từ ngày 1/6, Fed sẽ giảm 47,5 tỷ USD trái phiếu Kho bạc Mỹ và chứng khoán được bảo đảm bằng thế chấp mỗi tháng. Sau ba tháng, mức giảm đối với các tài sản này sẽ tăng lên thành 95 tỷ USD.

Chứng khoán Mỹ bật tăng mạnh mẽ sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell khẳng định ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới không “tích cực xem xét” các đợt tăng lãi suất 0,75 điểm %.

Tuy nhiên, ý đồ thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed cho thấy nguy cơ về cú đánh kép đến thị trường chứng khoán. Thứ nhất, Fed nhắm đến việc giảm tốc nền kinh tế, điều thường dẫn đến tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp giảm sút – và đôi khi có thể khiến lợi nhuận quay đầu đi xuống.

Thứ hai, lãi suất cao hơn làm tăng tính hấp dẫn của trái phiếu khi so với cổ phiếu. Chỉ số S&P 500 đã giảm khoảng 10% từ đầu năm đến nay, Fed càng thắt chặt thì môi trường đối với cổ phiếu có thể càng khó khăn.

Dĩ nhiên, vẫn còn khả năng nếu thị trường lao dốc cực nhanh, cực mạnh thì Fed sẽ tạm ngưng kế hoạch thắt chặt. Một cú sốc nghiêm trọng của thị trường tài chính có thể coi là rủi ro quá lớn đối với nền kinh tế, khiến Fed không thể làm ngơ. Nhưng lần này, thị trường có thể phải báo tháo khốc liệt hơn lần sụt giảm 20% của chỉ số S&P 500 trong nửa cuối năm 2018 thì Fed mới chịu ngừng tay.

Sự khác biệt lớn là sau nhiều năm lo ngại lạm phát quá thấp, giờ lạm phát đã lên quá cao. Tuy Fed và hầu hết các nhà kinh tế đều tin rằng lạm phát sẽ đi xuống trong những tháng tới, nhưng họ cũng cho rằng lạm phát sẽ kết năm cao hơn mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương Mỹ.

Hơn nữa, với áp lực lương ngày càng tăng, Fed còn dự định sẽ hạ nhiệt thị trường việc làm, điều mà cơ quan này không nhắm đến trong năm 2018, khi tăng trưởng lương không đáng kể.

Lý do của Fed

Fed có nhiều lý do để có thể an tâm mặc kệ chứng khoán suy giảm. Thứ nhất, bất chấp những cú vấp ngã gần đây, định giá của thị trường vẫn cao khi so với lịch sử. Do đó chứng khoán giảm sâu hơn nữa trong mắt Fed có thể chỉ là việc thị trường đắt đỏ về gần hơn với giá trị thực, thay vì là sự phản ánh rắc rối kinh tế.

Nhưng nguyên nhân quan trọng hơn có lẽ là do chứng khoán suy giảm không tạo ra nhiều nỗi đau cho nền kinh tế. Tình hình tài chính của các hộ gia đình đang vững vàng, với tỷ lệ nợ trên thu nhập thấp hơn hẳn giai đoạn ngay trước cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009.

 

Bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp Mỹ cũng có vẻ mạnh mẽ, một phần là do nhiều công ty đã lợi dụng lãi suất thấp trong đại dịch để đảm bảo chi phí đi vay thấp. Nhu cầu nhân công của giới doanh nghiệp cũng đang rất cao, giá cổ phiếu giảm có thể sẽ không ngăn họ tuyển thêm nhân viên. Hôm 3/5, Bộ Lao động Mỹ báo cáo trong tháng 3, mỗi lao động thất nghiệp có đến 1,9 chỗ làm khả dụng – cao nhất từ trước đến nay.

Fed sẽ không ngừng cố gắng hạ nhiệt nền kinh tế cho đến khi kinh tế Mỹ thực sự nguội đi. Và chứng khoán có thể sẽ phải chịu thêm đau đớn đến khi Fed được thỏa nguyện vọng.