Nga tuyên bố không có ý định dùng vũ khí hạt nhân ở Ukraine
“Các kịch bản mà Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân đã được mô tả rõ trong các tài liệu về học thuyết của Nga. Những kịch bản này rõ ràng không thể được áp dụng cho các nhiệm vụ đặt ra trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine”, hãng thông tấn TASS dẫn lời Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Alexey Zaitsev.
“Chúng ta phải sẵn sàng cho bất kỳ diễn biến nào trong lĩnh vực truyền thông cũng như trên chiến trường”, ông Zaitsev nói thêm. “Nga nghiêm túc tuân thủ quy tắc ‘Không có người thắng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân’ và một cuộc chiến như vậy không được phép nổ ra”, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga nói thêm.
Trong tháng 1 và đầu tháng 2/2022, Nga từng nhiều lần tuyên bố không có ý định tấn công Ukraine nhưng thực tế đã làm ngược lại. Vì vậy, phát biểu lần này của phía Nga về vũ khí hạt nhân khó có thể làm cho Phương Tây và Ukraine thực sự yên lòng.
Những lời đe dọa
Giữa tháng 4 vừa qua, bà Nina Khrushcheva, Giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học The New School (New York), lo ngại rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể sẽ dùng tới vũ khí hạt nhân chiến thuật (sức công phá tương đối thấp) để giành thắng lợi ở Ukraine.
“Hiện có nhiều câu hỏi về việc Nga sẵn sàng làm những gì để đạt được thắng lợi, và vũ khí hạt nhân đã được cả Nga và Phương Tây nhắc đến. Vì vậy, bom nguyên tử chiến thuật là một lựa chọn có thể nghĩ tới”, bà Khrushcheva nói với tờ Newsweek.
“Tôi không nói kịch bản này sẽ xảy ra. Đây không phải là kịch bản khả thi nhất nhưng cũng không phải là điều không thể tưởng tượng được”, bà Khrushcheva nói thêm.
- TIN LIÊN QUAN
-
Nga sẽ không cố kết thúc chiến sự Ukraine trước đại lễ 9/5 02/05/2022 - 12:19
Trên chiến trường, Nga đang vấp phải nhiều trở ngại. Mục tiêu nhanh chóng chiếm thủ đô Kiev và các đô thị lớn như Kharkiv hay Odessa đều thất bại, quân Nga đã rút hết khỏi miền bắc Ukraine để tập trung cho giao tranh tại khu vực Donbass ở miền đông.
Các nhà phân tích lo ngại Nga có thể dùng tới vũ khí hóa học hoặc hạt nhân để phá vỡ thế bế tắc về quân sự.
Ngày 25/4, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã cảnh báo rằng nguy cơ nổ ra Chiến tranh Thế giới thứ III là “rất thật”, ngay cả khi các cuộc đàm phán hòa bình với Ukraine tiếp tục diễn ra. Ông Lavrov cũng khẳng định Nga đang rất nỗ lực để tránh một cuộc chiến tranh hạt nhân bằng mọi giá, đồng thời cảnh báo mọi người không nên đánh giá thấp rủi ro xung đột hạt nhân.
Cả Tổng thống Mỹ Joe Biden và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đều coi việc đe dọa về chiến tranh hạt nhân là hành động “vô trách nhiệm”.
“Không một ai nên đem việc sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc khả năng dùng vũ khí hạt nhân ra nói cho vui”, ông Biden phát biểu vào cuối tháng 4.
Ngày 27/2, tức ba ngày sau khi phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, Tổng thống Nga Putin đã gặp Bộ trưởng Quốc phòng Sergey Shoigu và Tổng tham mưu trưởng Valery Gerasimov để ra lệnh đặt lực lượng răn đe hạt nhân trong trạng thái báo động cao.
Ông Putin cho biết quyết định này của Nga được đưa ra sau phát ngôn liều lĩnh của quan chức cấp cao Phương Tây.
"Bà Ngoại trưởng Anh buột miệng nói rằng NATO có thể tham gia vào cuộc xung đột này. Và chúng ta buộc phải đưa ra quyết định đặt lực lượng răn đe hạt nhân vào tình trạng báo động cao", Tổng thống Nga nói hôm 5/3.
"Ngay lập tức bọn họ nói rằng tất cả chỉ là hiểu lầm, nhưng không ai đứng ra bác bỏ lời của bà ta cả. Họ có thể nói với chúng ta rằng: Mấy lời đó chỉ là ý kiến cá nhân của bà Ngoại trưởng Anh thôi, đừng để ý. Nhưng thực tế không ai nói lời nào. Vậy chúng ta phải nghĩ thế nào đây? Tất nhiên chúng ta phải coi phát biểu đó là một lời cảnh báo và hành động tương ứng", ông Putin nói.
Mỹ và các đồng minh Phương Tây đã tích cực hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến với Nga bằng cách gửi nhiều vũ khí, khí tài hiện đại tổng trị giá hàng tỷ USD. Phương Tây cũng áp các lực trừng phạt kinh tế nặng nề lên nước Nga, khiến ông Putin mất đi nguồn lực quan trọng để duy trì hoạt động quân sự.
Tuy nhiên, Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) không đưa quân đội tham chiến ở Ukraine để tránh đối đầu trực diện với Nga và châm ngòi cho một cuộc chiến tranh thế giới.