Nga sẽ không cố kết thúc chiến sự Ukraine trước đại lễ 9/5
Trả lời phỏng vấn hãng tin Mediaset của Italy, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói: “Quân đội của chúng tôi sẽ không tiến hành các hoạt động dựa theo một ngày cụ thể, kể cả là Ngày kỷ niệm chiến thắng Phát xít”.
“Chúng tôi vẫn sẽ trang trọng kỷ niệm ngày đại lễ 9/5 như mọi năm”, Ngoại trưởng Nga nói thêm. Theo ông Lavrov, nhịp độ của chiến dịch quân sự đặc biệt mà Nga đang tiến hành ở Ukraine sẽ phụ thuộc nhiều nhất vào “sự cần thiết phải giảm thiểu rủi ro cho dân thường và binh sĩ Nga”.
Theo hãng thông tấn TASS của Nga, ông Lavrov khẳng định hoạt động quân sự của Nga được thực hiện nhằm đảm bảo an toàn của thường dân và loại bỏ mọi mối đe dọa từ phía Ukraine đối với dân thường và nước Nga.
Ngoại trưởng Nga cho rằng mối đe dọa từ Ukraine “có liên quan tới các loại vũ khí tấn công và sự lan truyền của chủ nghĩa phát xít”, đồng thời cáo buộc Phương Tây đang cố gắng hạ thấp vấn đề về chủ nghĩa phát xít ở Ukraine.
“Tôi đã xem các bản tin trên NBC, tôi đã đọc tạp chí Lợi ích Quốc gia (National Interest). Một số bài báo nghiêm túc đã bắt đầu xuất hiện với nội dung cảnh báo không nên giao du với bọn phát xít, như từng xảy ra những năm 1935 – 1938”, Ngoại trưởng Nga nói.
Trong những tuần gần đây, các quan chức và giới phân tích Phương Tây đã dự đoán rằng Nga có thể cố tìm cách kết thúc chiến dịch quân sự ở Ukraine trước Ngày kỷ niệm chiến thắng phát xít 9/5.
Hai lần Đức đầu hàng sau Thế chiến II
Ngày 2/5/1945, quân đội Đức Quốc xã cố thủ ở Berlin buông vũ khí đầu hàng Hồng quân Xô Viết.
Ngày 7/5, Thượng tướng Alfred Jodl đại diện cho Đức Quốc xã ký văn kiện đầu hàng quân Đồng Minh tại Rheims, Pháp. Người ký kết bên phía Đồng Minh là Trung tướng Walter Smith của Mỹ và Thiếu tướng Ivan Susloparov của Liên Xô. Ngoài ra, Thiếu tướng Francois Sevez của Pháp cũng ký trong vai trò nhân chứng.
Theo văn bản ngày 7/5, các bên sẽ ngừng bắn và tất cả binh sĩ Đức Quốc xã sẽ đầu hàng vào ngày hôm sau, 8/5. Vì vậy, Mỹ và các nước châu Âu kỷ niệm chiến thắng phát xít vào ngày 8/5 hàng năm.
Ở Moscow, nhà lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin đã nổi trận lôi đình khi nghe tin Đức đã ký hiệp ước đầu hàng tại Pháp và đại diện bên phía Liên Xô chỉ là một thiếu tướng và sĩ quan liên lạc, chưa được Moscow ủy quyền ký kết.
Stalin yêu cầu Đức phải ký lại văn kiện đầu hàng vì ba lý do. Thứ nhất, Liên Xô là nước đã chịu hy sinh nhiều nhất về vật chất cũng như nhân mạng trong cuộc chiến chống phát xít Đức, nên chỉ huy quân sự cấp cao nhất của Liên Xô phải có mặt trong lễ chấp nhận đầu hàng.
Thứ hai, việc ký kết văn kiện đầu hàng của Đức diễn ra ở Pháp là không hợp lý. Stalin muốn phái đoàn Đức Quốc xã phải đầu hàng ở Berlin - thủ đô của Đức và là nơi mà phía Liên Xô gọi là “sào huyệt của con quái vật phát xít”.
Lý do thứ ba, và cũng là lý do thuyết phục nhất đối với các nước Phương Tây, là Thượng tướng Alfred Jodl không phải là sĩ quan cấp cao nhất của Đức Quốc xã nên sau này phía Đức có thể sẽ lật lọng, cho rằng văn kiện đầu hàng mà Jodl ký ngày 7/5 là không có hiệu lực.
Ngày 9/5, lễ ký hiệp ước đầu hàng của Đức Quốc xã trong Thế chiến II diễn ra một lần nữa tại Berlin. Đại diện cho phía Liên Xô là Nguyên soái Georgy Zhukov, Tư lệnh Phương diện quân Byelorussian số 1.
Đại diện cho phía Đức là Thống chế Wilhelm Keitel thuộc các lực lượng vũ trang Wehrmacht, Đại tướng Hans-Jürgen Stumpff thuộc không quân Luftwaffe và Đô đốc Hans-Georg von Friedeburg thuộc hải quân Kriegsmarine.
Ngoài ra, Nguyên soái Arthur Tedder của Không quân Hoàng gia Anh, Đại tướng Carl Spaatz của Không quân Mỹ và Đại tướng Jean de Lattre de Tassigny của quân đội Pháp cũng có mặt tại buổi chấp nhận sự đầu hàng của Đức Quốc xã ngày 9/5.
- TIN LIÊN QUAN
-
Nga sẽ làm gì vào đại lễ 9/5: Tổng động viên hay tuyên bố chiến dịch thắng lợi? 07/05/2022 - 10:09
Phía Liên Xô coi 9/5 mới là ngày kỷ niệm chiến thắng phát xít trong Thế chiến II. Ngày 24/6/1945, cuộc diễu hành mừng chiến thắng đầu tiên được Liên bang Xô Viết tổ chức ở Quảng trường Đỏ, thủ đô Moscow.
Từ 1946 trở về sau, Liên Xô tổ chức các cuộc diễu hành lớn vào đúng ngày 9/5 để ăn mừng chiến thắng cũng như tưởng niệm sự hy sinh to lớn của 27 triệu nhân dân và chiến sĩ trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại (1941 - 1945).
Năm 2020 khi COVID-19 lần đầu bùng phát, Tổng thống Putin đã đồng ý hoãn cuộc diễu hành vào ngày 9/5 và lùi đến ngày 24/6.